Có nhiều lý do khiến lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, có khả năng tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ sẽ giảm dần trong thời gian tới và chuyển sang VND. Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, người dân có quyền nắm giữ ngoại tệ vì đây là một loại tài sản. Tuy nhiên, khi nắm giữ ngoại tệ, khách hàng không còn được hưởng lãi suất tiết kiệm như trước, đồng thời, với khả năng hướng tới thu phí đối với tiết kiệm ngoại tệ, những người sở hữu USD sẽ cân nhắc việc có nên tiếp tục gửi ngoại tệ hay chuyển sang VND.
Bên cạnh đó, việc NHNN chính thức áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới từ ngày 4/1, được các chuyên gia đánh giá rằng sẽ có tác động làm giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ, đặc biệt là trên tài khoản.
Chính sách này được đưa ra chỉ sau hơn một tuần NHNN điều chỉnh mức lãi suất áp dụng đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức và cá nhân, cho thấy sự quyết liệt của NHNN. Tất nhiên, trước mắt, với cơ chế điều hành tỷ giá mới, tình trạng đầu cơ găm ngoại tệ vẫn có thể xảy ra, nhưng tính chất đầu cơ sẽ có sự thay đổi và chủ yếu tuân theo nguyên tắc, diễn biến trên thị trường
Có nhiều lý do khiến lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, có khả năng tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ sẽ giảm dần trong thời gian tới và chuyển sang VND
Mặt khác, kỳ vọng tỷ giá tăng trước áp lực Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất cũng giảm dần. Trước đây, nhiều người cho rằng, việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và Fed tăng lãi suất sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các yếu tố này đã được NHNN tính toán để điều hành tỷ giá một cách ổn định.
Việc tỷ giá trên thị trường biến động nhẹ trong thời gian qua chủ yếu là do yếu tố tâm lý, còn thực tế, nhu cầu của thị trường về cung - cầu ngoại tệ không chênh lệch quá nhiều. Cung ngoại tệ không thiếu vì nguồn kiều hối, FDI và FII vào nhiều, trong khi, cầu ngoại tệ chủ yếu liên quan tới thanh toán hàng nhập khẩu, thanh toán các loại phí liên quan đến ngoại tệ đó là phí du học, chữa bệnh…
Nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp để đáp ứng cho việc thanh toán luôn có, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được USD. Thực tế, trong thời gian qua, tín dụng ngoại tệ giảm và khả năng trong thời gian tới, NHNN hướng đến việc bỏ cho vay ngoại tệ. Hiện NHNN chỉ gia hạn cho vay ngoại tệ đến tháng 3/2016.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP. HCM cho rằng, huy động vốn ngoại tệ hiện nay vẫn tăng, nhưng khả năng trong thời gian tới sẽ thay đổi. Số liệu từ Cục Thống kê TP. HCM cho thấy, vốn huy động bằng ngoại tệ của các ngân hàng thương mại đến đầu tháng 12/2015 chiếm 15,3%, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2014. Vốn huy động VND chiếm 84,7% tổng vốn huy động, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2014.
Các chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, sẽ sớm có sự dịch chuyển từ USD sang VND để hưởng lãi suất tiết kiệm cao, đặc biệt là khi lãi suất tiền đồng đang có xu hướng nhích dần và dự báo sẽ tái tăng nhẹ trong thời gian tới. Còn ở thời điểm này, để cạnh tranh thu hút tiền gửi tiết kiệm VND, các ngân hàng vẫn đang “chạy đua” khuyến mãi, thậm chí tặng thêm biên độ lãi suất để huy động được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư.
Ngoài các chương trình khuyến mãi, quà tặng, theo đánh giá của TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN, với lạm phát được kiểm soát ở mức thấp như năm 2015 và khả năng vẫn khó tăng cao trong năm 2016 thì việc gửi tiết kiệm tiền đồng giúp người gửi được hưởng lãi suất thực dương. Mặt bằng lãi suất tiết kiệm VND phổ biến hiện nay từ 6,5-7%/năm cho kỳ hạn trên 12 tháng và từ 5,5 -6%/năm ở kỳ hạn ngắn hơn.