AI có thể giúp giảm 70 tỷ USD thiệt hại bởi thiên tai

(ĐTCK) Thiên tai có thể gây ra thiệt hại trung bình hàng năm khoảng 460 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng trên toàn cầu đến năm 2050. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng được công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ có thể giúp giảm khoảng 15% những tổn thất dự kiến này.
Cơ sở hạ tầng ngày càng chịu nhiều rủi ro do các thảm họa thiên nhiên gây ra

Hạ tầng ngày càng đối mặt với rủi ro

Khi các thảm họa thiên nhiên được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn, hạ tầng sẽ ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro. Giá trị kinh tế của hạ tầng cũng có thể khiến nó dễ bị tổn thương hơn trước các mối nguy khác nhau, làm gia tăng mức độ rủi ro. Do đó, việc các nhà lãnh đạo tăng cường khả năng chống chịu cho hệ thống hạ tầng là rất quan trọng, nhằm bảo vệ cả mạng lưới hiện có lẫn các dự án trong tương lai, hạn chế tối đa gián đoạn hoạt động và giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhất là trước những tác động tiềm ẩn trong tương lai.

Thiệt hại trung bình hàng năm đến năm 2050 do thiên tai dự kiến sẽ tăng lên khoảng 460 tỷ USD đến hơn 500 tỷ USD - trong đó bão và lũ lụt gây thiệt hại nặng nề nhất.

Cơ sở hạ tầng bị gián đoạn hoặc bị phá hủy có thể ngày một cản trở chức năng của các dịch vụ thiết yếu như nước, năng lượng và giao thông. Ví dụ, mất điện có thể ảnh hưởng đến thông tin liên lạc, hoặc gián đoạn cung cấp nước có thể cản trở sản xuất năng lượng.

Bên cạnh các cơ sở hạ tầng cũ và xuống cấp dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, các dự án mới cũng không tránh khỏi những rủi ro này với thiệt hại kinh tế dự kiến sẽ lên tới hàng nghìn tỷ USD trong những thập kỷ tới.

AI có thể giúp giảm đáng kể thiệt hại

Với việc áp dụng rộng rãi hơn và cải thiện khả năng của AI, thiệt hại dự kiến do thảm họa trực tiếp hàng năm có thể giảm tới 115 tỷ USD, tức gần một phần ba tổn thất liên quan đến thảm họa.

Việc tận dụng AI có thể giúp các nhà lãnh đạo toàn cầu củng cố cơ sở hạ tầng nhằm lập kế hoạch, ứng phó cũng như phục hồi một cách nhanh chóng và quyết đoán trước các thảm họa thiên nhiên ngày một thường xuyên và dữ dội, từ đó tiết kiệm khoảng 70 tỷ USD thiệt hại cơ sở hạ tầng hàng năm đến năm 2050.

Quá trình đánh giá này sử dụng các nghiên cứu tình huống (case study), mô hình rủi ro xác suất và dự báo kinh tế để chứng minh khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng được AI hỗ trợ có thể đóng góp lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội như thế nào, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào khả năng chống chịu để giảm thiểu tổn thất và thiệt hại hiệu quả nhất.

Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng được AI hỗ trợ có thể thay đổi cách các nhà lãnh đạo bảo vệ cộng đồng của họ khỏi nguy cơ ngày một lớn của thời tiết khắc nghiệt. Nếu được triển khai một cách chiến lược, AI có thể góp phần hỗ trợ công tác xác định rủi ro sớm hơn, tối ưu hóa nguồn lực, ngăn ngừa những thất bại và gián đoạn tốn kém, đồng thời rút ngắn thời gian ứng phó và phục hồi trong thiên tai. Đầu tư đồng bộ vào các giải pháp cơ sở hạ tầng được AI hỗ trợ có thể giúp bảo vệ giá trị kinh tế và tăng khả năng chống chịu của doanh nghiệp.

AI có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại

Áp dụng công nghệ AI từ việc lập kế hoạch cơ sở hạ tầng đến vận hành có thể cung cấp các giải pháp phòng ngừa, thăm dò và ứng phó nhằm hỗ trợ phản ứng trước thiên tai, đưa ra các lựa chọn để chủ động giảm thiểu những rủi ro này. Những lợi ích mang lại là rất đáng kể - theo báo cáo của Deloitte Toàn cầu, AI có thể giúp ngăn ngừa thiệt hại trung bình mỗi năm lên tới 30 tỷ USD đến năm 2050 do bão gây ra trên toàn cầu. AI có thể trang bị cho các nhà lãnh đạo các phương án nhằm chủ động giải quyết rủi ro trong toàn bộ các lĩnh vực liên quan.

Trong việc lập kế hoạch, các giải pháp như bản sao kỹ thuật số (digital twins), quy hoạch đô thị tăng cường AI và bảo trì dự đoán có thể cho phép các nhà lãnh đạo thiết kế, quản lý cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn - chẳng hạn như quản lý thảm thực vật hiệu quả để duy trì đường dây điện và kiểm soát nguy cơ cháy rừng - qua đó chủ động ngăn ngừa các sự cố.

Trong việc ứng phó với thiên tai, các hệ thống phát hiện và phản ứng được hỗ trợ bởi AI, như hệ thống cảnh báo sớm, có thể giảm rủi ro từ cháy rừng và lũ lụt. Ví dụ, phát hiện sớm cháy rừng có thể giúp giảm thiểu thiệt hại từ 100 triệu đến 300 triệu USD hàng năm ở Úc, tùy thuộc vào thời gian phát hiện và phản ứng.

Khi thiên tai xảy ra, AI có thể nhanh chóng đánh giá thiệt hại, qua đó đẩy nhanh quá trình khởi động lại hoạt động kinh tế quan trọng và xây dựng lại cộng đồng, đồng thời giúp giảm thiểu lãng phí vật chất. Ví dụ, công cụ OptoAI của Deloitte Consulting LLP được dùng để đánh giá sau thảm họa có thể giúp giảm hơn một nửa thời gian sửa chữa mái nhà và cắt giảm 15 - 30% vật liệu dư thừa.

Cần sự hợp tác và phối hợp đồng bộ

Mặc dù AI có thể là một công cụ mạnh mẽ để tăng cường khả năng chống chịu của hạ tầng thiết yếu, nhưng cần có sự phối hợp đồng bộ để loại bỏ các rào cản trong quá trình áp dụng, bao gồm hạ tầng cũ, khoảng trống về quy định và hạn chế về tài chính. Sự hợp tác toàn cầu là yếu tố then chốt để khai mở tiềm năng của AI trong việc nâng cao khả năng chống chịu cho hạ tầng.

Các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng và thống nhất các tiêu chuẩn. Khu vực công có thể xem xét các tiêu chuẩn toàn cầu về việc áp dụng AI linh hoạt và dựa trên nguyên tắc, có thể thúc đẩy chia sẻ dữ liệu môi trường an toàn, liên ngành, xuyên biên giới.

Các bên phụ trách hạ tầng nên đón nhận AI. Chủ sở hữu và đơn vị vận hành trong cả khu vực công và tư nhân cần đầu tư vào công nghệ xuyên suốt vòng đời hạ tầng, nâng cấp các hệ thống cũ để đảm bảo khả năng tương thích, đồng thời chia sẻ dữ liệu nhằm cải thiện các mô hình AI.

Các nhà lãnh đạo bảo hiểm nên tích hợp AI vào các mô hình định giá và yêu cầu bồi thường, rộng hơn là các tổ chức tài chính có thể phát triển các sản phẩm phù hợp với cơ sở hạ tầng hỗ trợ AI (như trung tâm dữ liệu) để giúp đảm bảo sự ủng hộ của ngành.

Các nhà cung cấp AI và công nghệ nên phát triển các dịch vụ của họ, ví dụ như bản sao kỹ thuật số hỗ trợ AI, hướng tới khả năng phục hồi cơ sở hạ tầng và phát triển các giải pháp điện toán tích hợp, phát thải carbon thấp để giúp đảm bảo một quy trình bền vững cho khả năng chống chịu.

Việc phối hợp giữa các bên liên quan trên toàn cầu để phát triển các giải pháp AI bổ trợ cho các lựa chọn tăng cường khả năng chống chịu khác là rất quan trọng nhằm thúc đẩy đổi mới và từ đó xây dựng một tương lai bền vững, có khả năng chống chịu cao hơn. Với việc áp dụng rộng rãi hơn và cải thiện khả năng của AI, thiệt hại dự kiến do thảm họa trực tiếp hàng năm đến năm 2050 có thể giảm tới 115 tỷ USD, tức gần một phần ba tổn thất liên quan đến thảm họa.

Jennifer Steinmann
Lãnh đạo Dịch vụ Tư vấn phát triển bền vững, Deloitte Toàn cầu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục