
UNCTAD cho biết, vốn hóa thị trường AI sẽ tương đương với quy mô nền kinh tế của Đức, với công nghệ này mang lại lợi ích về năng suất và trở thành động lực nổi bật trong quá trình chuyển đổi số.
Tuy nhiên, UNCTAD cũng nêu lên những lo ngại về tự động hóa và thay thế việc làm, cảnh báo rằng AI có thể ảnh hưởng đến 40% việc làm trên toàn thế giới. Trên hết, AI không có bản chất bao trùm mà lợi ích kinh tế từ công nghệ này vẫn rất tập trung.
"Những lợi ích của tự động hóa do AI thúc đẩy thường có lợi cho vốn hơn lao động, điều này có thể làm gia tăng bất bình đẳng và làm giảm lợi thế cạnh tranh của lao động giá rẻ ở các nền kinh tế đang phát triển", báo cáo cho biết.
Trong khi đó, khả năng AI gây ra tình trạng thất nghiệp và bất bình đẳng vẫn là mối quan tâm lâu dài, trong đó Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng từng đưa ra những cảnh báo tương tự cách đây hơn một năm. Vào tháng 1, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố những phát hiện cho thấy có tới 41% nhà tuyển dụng đang có kế hoạch cắt giảm nhân sự ở những lĩnh vực mà AI có thể được sử dụng.
Tuy nhiên, báo cáo của UNCTAD cũng nêu bật sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, với dữ liệu cho thấy 40% chi tiêu nghiên cứu và phát triển của các công ty toàn cầu về AI tập trung vào chỉ 100 công ty, chủ yếu là các công ty ở Mỹ và Trung Quốc.
Hơn nữa, báo cáo cũng lưu ý rằng, các công ty công nghệ hàng đầu, chẳng hạn như Apple, Nvidia và Microsoft có giá trị thị trường ngang bằng với tổng sản phẩm quốc nội của toàn bộ lục địa châu Phi.
Sự thống trị của AI ở cấp độ quốc gia và doanh nghiệp này đe dọa sẽ nới rộng khoảng cách công nghệ đó, khiến nhiều quốc gia có nguy cơ tụt hậu. Báo cáo lưu ý, 118 quốc gia (chủ yếu ở Nam Bán cầu) không tham gia các cuộc thảo luận lớn về quản trị AI.
Tuy nhiên, AI không chỉ được đề cập tới khả năng thay thế công việc mà nó cũng có thể "tạo ra các ngành công nghiệp mới và trao quyền cho người lao động", với điều kiện là có đủ đầu tư vào việc đào tạo lại và nâng cao kỹ năng.
Nhưng để các quốc gia đang phát triển không bị tụt hậu, họ phải có một vị trí khi nói đến quy định về AI và khuôn khổ đạo đức.
UNCTAD đã đưa ra một số khuyến nghị cho cộng đồng quốc tế để thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Trong đó bao gồm cơ chế công khai AI, cơ sở hạ tầng AI được chia sẻ, sử dụng các mô hình AI nguồn mở và các sáng kiến để chia sẻ kiến thức và tài nguyên AI.
"AI có thể là chất xúc tác cho sự tiến bộ, đổi mới và thịnh vượng chung, nhưng chỉ khi các quốc gia chủ động định hình quỹ đạo của nó… Các khoản đầu tư chiến lược, quản trị toàn diện và hợp tác quốc tế là chìa khóa để đảm bảo rằng AI mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, thay vì củng cố các chia rẽ hiện có", báo cáo cho biết.