Những người không biết nhiều về thị trường vàng, hay ngay bản thân các thị trường, đều ngạc nhiên khi nhận ra rằng, không có một thị trường vàng độc lập nào, và rằng, giá vàng chịu ảnh hưởng bởi các sản phẩm vàng khác nhau, bao gồm vàng vật chất, hợp đồng tương lai và chứng chỉ quỹ.
Nhưng câu hỏi mà rất nhiều thành viên và nhà quan sát thị trường đặt ra là: “Ai thiết lập nên giá vàng?”.
Theo một nghiên cứu năm 2012 của Lucey et al (2012) thì vai trò đó luân chuyển giữa Thị trường vàng London (London Gold Market) và Sàn Giao dịch vàng New York (COMEX). Thực tế, London lớn hơn nhiều COMEX, nhưng mỗi sàn lại giao dịch một sản phẩm riêng.
Tiến thêm một bước để khám phá cơ chế giá vàng, năm qua, Lucey et al đã tìm hiểu xem các thị trường vàng lớn, bao gồm London, New York, Tokyo và Thượng Hải, tác động và truyền dẫn thông tin lẫn nhau như thế nào. Khía cạnh mà Lucey et al tập trung phân tích là “mức độ nhận - chuyển ròng về thông tin giữa các thị trường”.
Ai chi phối nhiều nhất?
Phân tích của Lucey et al cho ra kết quả không mấy ngạc nhiên: “các thị trường mạnh nhất, tích hợp thông tin nhiều nhất là London và COMEX”.
Như đã đề cập, có một sự luân chuyển giữa COMEX và London về vai trò trung tâm trong chi phối giá vàng thế giới. Theo các nhà phân tích, “bể thanh khoản lớn nhất từ trước đến nay vẫn là thị trường OTC London, ở đó, giá cơ bản được thiết lập bởi giá chốt (fixing) buổi sáng (London AM fix) và giá chốt buổi chiều (London PM fix). Các mức giá này được coi là giá cơ sở cho thị trường toàn cầu”.
Để hình dung về tầm cỡ của thị trường vàng London, hãy nhìn vào khối lượng mà thị trường này giao dịch. Theo số liệu năm 2011 của Murray thì London Gold Market chiếm tới 87% khối lượng giao dịch vàng toàn cầu, trong khi tỷ lệ này là dưới 10% đối với sàn COMEX, và xấp xỉ 1% đối với Sở Giao dịch vàng Thượng Hải (SHFE) cũng như Sở Giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM).
Các tác giả của công trình nghiên cứu lưu ý rằng, mặc dù các sàn Thượng Hải và Tokyo chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, nhưng nó được dự đoán là sẽ có vai trò quan trọng trong tương lai. Và đó là lý do tại sao một người nào đó lại “mất thời gian mở tài khoản ở hai thị trường mà thị phần chỉ bằng 10% của sàn lớn thứ hai này”.
Ai nuôi dưỡng giá vàng?
Thông tin chính là nhân tố trực tiếp thiết lập nên giá và nó phải được lưu chuyển giữa các thị trường. Về khía cạnh này, các nghiên cứu từ trước đến nay đều chỉ ra rằng, COMEX là sàn chiếm vị trí trung tâm.
COMEX kém xa về khối lượng giao dịch so với London, nên rõ ràng quy mô không phải là nhân tố quyết định.
“Quy mô không một mình làm nên địa vị chi phối. Sự minh bạch và thuận tiện trong các thị trường phái sinh có thể cho phép các thị trường nhỏ dẫn dắt các thị trường lớn hơn”.
Một phần nguyên nhân của việc London không chi phối thông tin như thị phần của nó xuất phát từ kiểu xác định giá “không giống ai” của sàn này. Sàn OTC này hàng trăm năm nay chỉ được giao dịch dựa trên 5 nhà môi giới lớn nhất với phương thức “ngã giá” hết sức… thủ công.
Tuy nhiên, dù không quyết định, song quy mô cũng cho phép London chi phối dòng thông tin chỉ sau New York.
Theo nghiên cứu của Lucey et al, New York và London “là những thị trường chi phối” về mặt thông tin. Chẳng hạn, New York đóng góp 26,7% vào sự biến động của Tokyo, ngược lại, chỉ có 3,4% nguyên nhân biến động của New York đến từ Tokyo.
New York và London có ảnh hưởng lẫn nhau ở mức tương đương. Đây cũng là kết quả của lần nghiên cứu trước. Trong khi đó, cả Tokyo và Thượng Hải có rất ít ảnh hưởng đến London hay New York. Tuy nhiên, Thượng Hải lại cũng ít chịu ảnh hưởng từ 3 thị trường kia, khi có đến 98,7% sự biến động của sàn này bắt nguồn từ chính nó.