Ai châm ngòi những cơn sốt giá ?

Cơn “sốt” USD tuần trước tuy không kéo dài như đã từng xảy ra hồi tháng 6, nhưng có chung một nguyên nhân đó là do tin đồn và đầu cơ. Trước đó, chúng ta cũng chứng kiến không ít những cơn sốt từ lý do tương tự. Dốc túi đầu tư sau mỗi tin đồn, rồi lãnh hậu quả nặng nề, đó là bài học cho nhà đầu tư...
Các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán cần tỉnh táo để tránh bị ảnh hưởng bởi những tin đồn thất thiệt. Các nhà đầu tư trên sàn chứng khoán cần tỉnh táo để tránh bị ảnh hưởng bởi những tin đồn thất thiệt.

Từ “thất thiệt” đến “thất thu”

 

Tuần qua, sự kiện được nhiều người quan tâm là việc cơn sốt “đô” lại tiếp tục tái diễn tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Sự việc xảy ra ngay sau khi Bộ Tài chính có quyết định tăng giá xăng dầu từ 10 giờ sáng ngày 21-7-2008, cùng thời điểm này giá USD trên thị trường tự do Hà Nội đã đột ngột tăng mạnh, vào cuối giờ chiều cùng ngày lên mức 17.600 đồng/USD, tăng 900 đồng/USD so đầu giờ sáng. Giá vàng cũng tăng, vàng SJC vào lúc giữa buổi chiều 21-7 đạt mức 1,915-1,94 triệu đồng/chỉ (mua vào - bán ra), tăng gần 20.000 đồng/chỉ so với giữa buổi sáng. Có thể nói 21-7 là một ngày đầy kịch tính với các NĐT khi giá xăng dầu tăng 31%, TTCK từ sốt nóng, tranh mua chuyển sang sốt lạnh, tranh bán, và bất ngờ nhất là giá USD đột ngột “đảo chiều” kéo theo giá vàng biến động.

 

Điều đáng nói ở đây là chỉ sau đó đúng một ngày, cơn sốt “đô” trên thị trường tự do đã “hạ nhiệt” nhanh chóng khi Ngân hàng Nhà nước có hành động kịp thời. Đại diện lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cũng khẳng định hệ thống ngân hàng có đủ nguồn ngoại tệ để đáp ứng mọi nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế và khuyến cáo người dân không nên vì yếu tố tâm lý mà đổ xô đi mua ngoại tệ, tránh thiệt hại không đáng có.

 

Thực tế cho thấy đã có khá nhiều NĐT nghe theo tin đồn giá USD sẽ sốt cao do xăng dầu tăng giá vội vàng dốc túi đổ xô đi mua “đô”, thì ngay sau đó đã phải chấp nhận một con số thua lỗ khá lớn khi giá   USD từ mức bán ra 17.600 đồng/USD chỉ qua một đêm xuống còn 16.800 đồng/USD, giảm 800 đồng/USD. Vừa phải chen lấn mua “đô” giá đắt, nhiều người còn đối diện với nguy cơ rủi ro mua phải ngoại tệ giả trên thị trường tự do không được Nhà nước kiểm soát.

 

Cơn sốt “đô” trong tuần qua tuy không kéo dài như cơn sốt hồi tháng 6-2008, nhưng đều có chung một nguồn gốc đó là do tin đồn và đầu cơ. Từ đầu năm đến nay, chúng ta có thể chứng kiến không ít những cơn sốt được bắt đầu từ những nguyên nhân như vậy. Nào là sốt thép, xi măng; sốt tăng giá nhiều mặt hàng tại các siêu thị... Đáng nói nhất là cơn sốt gạo. Là một đất nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới, thế mà người dân lại phải lo lắng không yên trước sự “nhảy múa” của giá gạo, kèm theo đó là lời đồn đại Việt Nam thiếu hụt gạo khiến người dân phải vay mượn tiền, rồng rắn đi mua gạo dự trữ. Thực chất cơn sốt tăng giá của một số mặt hàng như thép, xi măng, gạch, ngói, phân bón cũng chẳng khác gì gạo, trong khi các nhà sản xuất luôn khẳng định không thiếu hàng, nhưng trên thị trường lại đầy rẫy những thông tin về cháy hàng, tăng giá? Tin đồn và nạn đầu  cơ đã thực sự tạo ra không ít khó khăn cho nền kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân trong thời buổi lạm phát và giá cả tăng cao.

 

Trên TTCK, các loại tin đồn còn phong phú hơn rất nhiều và đặc biệt nở rộ từ năm 2007 đến nay. Theo đánh giá của các chuyên gia, ảnh hưởng mạnh nhất, nguy hiểm nhất đối với TTCK cũng như tâm lý NĐT chính là những tin đồn. Nhiều lần Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các cơ quan chức năng và các chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo NĐT phải tự bảo vệ mình trước những thông tin này. Có thể kể đến vô số các kiểu tin đồn trên TTCK Việt Nam thời gian qua. Trước đây, đã có lúc các NĐT nắm giữ cổ phiếu của Công ty CP Điện Quang (DQC) như ngồi trên lửa khi có tin đồn hợp đồng xuất khẩu của Công ty này bị “đổ vỡ” khi xuất sang Cu-ba. Giới đầu tư chứng khoán cũng bị “dội” khi có tin “một quan chức của Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM bị thẩm vấn về việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý”. Trước đó cũng rộ lên tin đồn Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) bị bắt; rồi tin đồn bà Tổng giám đốc Công ty Vincom bỏ trốn, mang theo nhiều tỷ đồng. Kể từ khi tin đồn xuất hiện, cổ phiếu của các công ty nói trên đã liên tục rớt sàn. Mặc dù những tin đồn này sau đó đã bị bác bỏ và sự thật đã được chứng minh hoàn toàn ngược lại nhưng nó cũng làm cho nhiều NĐT điêu đứng, không ít NĐT nhỏ lẻ ăn quả đắng khi vội vàng rao bán ngay số cổ phiếu mình đang nắm giữ, còn những kẻ chủ mưu tung tin đồn thì mặc sức hốt bạc từ việc mua được cổ phiếu giá hời.

 

Để không bị dẫn dắt bởi tin đồn

 

Thực tế cho thấy, tâm lý của phần đông các NĐT luôn bị chi phối rất lớn từ những luồng thông tin mà họ nhận được. Hiện thông tin đến với NĐT qua rất nhiều kênh và vô cùng phong phú, đa dạng, được xuất phát từ rất nhiều “động cơ”. Đối với những thông tin chính thống, không phải NĐT nào cũng có được những thông tin tốt, độ tin cậy cao và hơn thế không phải ai cũng đủ khả năng phân tích thấu đáo những thông tin này. Trong khi đó, những thông tin sai lệch luôn tràn ngập trên thị trường khiến những NĐT thiếu kinh nghiệm hoang mang, quyết định vội vã đã tạo cơ hội làm giàu cho những kẻ làm ăn bất chính.

 

Để bảo toàn đồng vốn của mình, các chuyên gia khuyến cáo những NĐT nên thận trọng với tất cả các thông tin, nhất là nhưng thông tin phát ra từ kênh không chính thức. Trước khi quyết định đầu tư, cần tìm hiểu kỹ về mọi mặt, tránh tình trạng mua bán theo kiểu chỉ nghe nói để rồi tiền mất tật mang. Một lời khuyên chung mà nhiều chuyên gia dành cho NĐT trong nước là: Hãy bình tĩnh và bản lĩnh, đừng để những luồng “thông tin nhiễu” tác động đến quyết định đầu tư của mình. Các NĐT, đặc biệt là NĐT nhỏ lẻ cần phải biết cách để tồn tại và đứng vững khi mua bán trên thị trường, bởi họ luôn thiệt thòi hơn về mọi mặt, đặc biệt là kỹ năng thu thập và xử lý thông tin. Với điều kiện thực tế về thông tin hiện nay, NĐT phải biết cách sàng lọc thông tin, chủ động tự bồi dưỡng kiến thức, bản lĩnh kinh doanh của mình để có được quyết định mua - bán sáng suốt nhất.

 

Chúng ta luôn tin tưởng vào sự phát triển ổn định, bền vững của kinh tế Việt Nam nói chung cũng như thị trường tài chính - tiền tệ - chứng khoán của Việt Nam nói riêng, nhưng cũng không thể phủ nhận một thực tế hiện nay là thị trường vẫn còn thiếu thông tin; việc công khai, minh bạch thông tin có sự chuyển đổi đáng kể nhưng vẫn ở mức yếu kém, những giao dịch “ngầm” vẫn còn có “đất sống” khá lớn. Hơn lúc nào hết, đây là lúc mà niềm tin của người dân nói chung và của các NĐT nói riêng cần được củng cố mạnh mẽ vì đây chính là một trong những yếu tố  cực kỳ quan trọng để đưa nền kinh tế nước ta vượt qua những khó khăn, thử thách. Để làm được điều đó, các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan cần tăng cường công tác cung cấp thông tin, định hướng nhận thức để giúp người dân hiểu đúng bản chất và các diễn biến của nền kinh tế nhằm giúp họ có những quyết định đúng đắn, đồng thời cũng cần có biện pháp xử lý nghiêm khắc với những tin đồn. Về phía NĐT, trong nỗ lực đi tìm kiếm lợi nhuận hãy cố gắng trở thành những NĐT thông minh, tỉnh táo, luôn có những quyết định đầu tư đúng đắn.


HNM

Tin cùng chuyên mục