Ai bảo vệ nhà đầu tư đại chúng?

(ĐTCK) Sau khi Chủ tịch Anphanam công khai muốn hủy niêm yết vì không nhận thấy lợi ích từ TTCK và vì sở thích cá nhân, ĐTCK ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Ai bảo vệ nhà đầu tư đại chúng?

Gần 70% mã cổ phiếu niêm yết trên sàn có giá dưới mệnh giá là một sự thật đáng buồn, bởi khi lên sàn, DN mang theo niềm tin và hy vọng vào những giá trị mới và đặc biệt, chưa bao giờ giá cổ phiếu ngày chào sàn lại ở dưới mệnh giá. Bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều khó khăn, thách thức đã khiến DN và TTCK phải đối diện với những diễn biến không ngờ. Như chia sẻ của Chủ tịch Anphanam, ông Nguyễn Tuấn Hải thì khi lên sàn là tâm trạng háo hức, lạc quan, còn lúc này là câu chuyện phải nhìn vào thực tế.

Khó khăn của TTCK khiến ý tưởng hủy niêm yết không phải là chủ đề mới trên thị trường khi trước đó, một vài DN cũng đã tính đến hành động này. Tuy nhiên, khi Chủ tịch Anphanam công khai quan điểm muốn hủy niêm yết vì không nhận thấy lợi ích từ TTCK và vì sở thích cá nhân, thì ĐTCK ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Chủ tịch VNDirect, bà Phạm Minh Hương chia sẻ, bà thực sự buồn khi đọc thông điệp của Chủ tịch Anphanam, bởi nếu doanh nhân nào cũng tư duy (về việc rời sàn) như vậy thì TTCK sẽ không còn là TTCK. Trong mọi trường hợp, người lãnh đạo DN đại chúng (DN có trên 100 cổ đông, vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng) chỉ là chủ sở hữu một phần DN, phần còn lại là của hàng trăm cổ đông. Hiện nay, ngoài 3 thị trường được quản lý (HOSE, HNX, UPCoM) thì thị trường giao dịch cổ phiếu cho cổ phiếu của công ty đại chúng chưa hình thành. Dù UBCK mới đây có hướng dẫn việc chuyển quyền sở hữu của công ty đại chúng đã lưu ký, chưa niêm yết, nhưng thực tế, nếu DN rời sàn là đẩy hàng trăm cổ đông vào thế khó, nếu muốn chuyển nhượng cổ phần.

Ý nguyện hủy niêm yết của HĐQT Anphanam sẽ được đưa ra xin ý kiến cổ đông vào ngày 25/5/2013, nhưng từ khi Chủ tịch Công ty công khai kế hoạch này, cổ phiếu của Anphanam đã liên tục mất giá. Dù HĐQT đã quyết định sẽ lập phương án giải quyết quyền lợi cho các cổ đông nắm giữ cổ phiếu ALP, nhưng nếu đến ngày Đại hội, cổ phiếu ALP rơi xuống giá rất thấp thì sao? Trong trường hợp này, lãnh đạo DN vừa dễ đạt sự đồng thuận của các cổ đông trong việc hủy niêm yết, vừa có thể đưa ra phương án “xử lý” quyền lợi của cổ đông đại chúng với giá tốt nhất, bởi cổ đông đại chúng, dù có hợp sức lại, cũng không dễ phủ quyết ý nguyện của HĐQT.

Dù thừa nhận, việc rời sàn là “cực chẳng đã”, nhưng thông điệp của Chủ tịch Anphanam đưa ra trước 1 tháng mới đến ngày họp cổ đông, đã như một mũi tên trúng liền 2 đích: vừa dễ thực hiện ý nguyện cá nhân, vừa dễ xử lý quyền lợi cổ đông khi giá cổ phiếu rơi về mức thấp. Tuy nhiên, HOSE, UBCK liệu có chấp thuận việc hủy niêm yết tự nguyện của DN hay không, vẫn còn là câu hỏi ngỏ. Lúc thuận lợi DN lên sàn, cổ phiếu được chuyển nhượng cho hàng trăm, hàng ngàn NĐT. Nay DN công bố ý định rời sàn, gây tâm lý bất an và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bao cổ đông nhỏ, vậy trách nhiệm doanh nhân, trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu? Ai nghĩ đến NĐT đại chúng và bảo vệ NĐT đại chúng?...

Người quan sát
Người quan sát

Tin cùng chuyên mục