Ai bảo anh là thiểu số!

“Chúng tôi đã chọn một giải pháp mà không ai dám chọn để có thể tìm cơ hội cho đa số nhà đầu tư”, Tổng giám đốc VFM - ông Trần Thanh Tân đã biện minh như thế cho việc VFM thay đổi giá phát hành, làm thiệt hại lớn (hơn 12%) cho nhà đầu tư đã mua chứng chỉ quỹ VF1 từ cuối tháng 3/2007 đến ngày 2/5/2007 do VFM điều chỉnh giảm giá phát hành.

Ông Tân còn nói thêm rằng: “Việc giảm giá phát hành đã có tiền lệ từ năm trước”, nghĩa là, năm ngoái VFM cũng làm nhiều người bị thiệt nhưng rồi mọi việc sau đó chìm nghỉm, có sao đâu.

 

“Khốn khổ cho cổ đông thiểu số”, một nhà đầu tư cá nhân tên Thành bày tỏ bức xúc với ĐTCK sau thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đưa ra phương án phát hành quá ưu ái cho cổ đông đa số, thường là cổ đông nhà nước hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp, và quá chèn ép cổ đông thiểu số. Lấy thịt đè người tưởng chỉ có trong giới giang hồ, ai dè bây giờ trong chứng khoán người ta cũng hành xử với nhau như thế: VIPCO, SAVICO, Bê tông Xuân Mai… danh sách cứ thế mà kéo dài. Nhưng lần này, dư luận phải nổi giận, vì câu chuyện ở đây không chỉ là chuyện bếp núc của doanh nghiệp mà có thể kết thúc sạch sẽ, cho dù giá phát hành ban đầu đã được VFM nhận lại.

 

Đi sâu vào câu chuyện mới thấy, tại “hiện trường” của vụ VF1, ngoài VFM đang nằm trong “tâm bão” thì còn ít nhất 3 đối tượng nhiều trách nhiệm: Ban đại diện nhà đầu tư (những cổ đông lớn của VFM), 2 công ty chứng khoán làm bảo lãnh phát hành (BVSC và HSC), Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Vậy mà trước sau gì UBCK cũng chỉ trả lời rằng, việc cho phép thay đổi giá phát hành nằm trong một “khoảng giá”, mà không nói đến vế thứ hai là sự thay đổi này có tôn trọng tính công bằng hay không? Ban đại diện nhà đầu tư thì không chịu xuất hiện, còn 2 công ty chứng khoán cũng không bình luận gì.

VFM suy cho cùng chỉ là công ty làm dịch vụ quản lý quỹ và huy động vốn cho Quỹ VF1 (họ được hưởng phí 2% tổng mệnh giá lượng chứng chỉ phát hành), phía đơn vị bảo lãnh cũng thế. UBCK nếu có thiếu cân nhắc thì dù có ý kiến của ban đại diện nhà đầu tư thì cũng không cho phép có sự điều chỉnh. Vậy nội bộ nhà đầu tư quỹ VF1, nếu hiểu thế nào là “tiên trách kỷ hậu trách nhân” thì phải xem lại chuyện bếp núc để xem Ban đại diện  của mình đã làm được những gì?

 

Theo Bản cáo bạch, Ban đại diện cho Quỹ VF1 gồm 7 người: 2 đại diện của Dragon Capital, 1 đại diện Sacombank, 1 đại diện Sovico Group, 2 đại diện Indovina Bank và 1 đại diện Ngân hàng Bắc Á. Công ty liên doanh Quản lý quỹ đầu tư chứng khoán Việt Nam (VFM) được thành lập bởi 2 đối tác là Dragon Capital và Sacombank. Vậy là đã rõ, chỉ cần VFM tranh thủ được sự đồng thuận của 1 trong 4 thành viên không thuộc Dragon Capital và Sacombank thì coi như VFM và Ban đại diện nhà đầu tư tại Quỹ VF1 nhất nhất chỉ đi một đường.

 

Chuyện đã đến nước này thì thưa các nhà đầu tư cá nhân, lỗi là tại anh quá tin người. Mà cũng đáng tội, ai bảo anh là cổ đông thiểu số.

Phương Thảo
Phương Thảo

Tin cùng chuyên mục