Nhìn lại thị trường chứng khoán từ đầu năm, sau khi thiết lập mốc đỉnh lịch sử 1.528 điểm vào ngày 06/01/2022, thị trường hầu như đi ngang trong quý I quanh vùng 1.400 - 1.500 điểm và bắt đầu bước vào chu kì giảm điểm kể từ đầu tháng 4 do ảnh hưởng bởi những thông tin vĩ mô tiêu cực.
Có thời điểm, chỉ số đánh mất hỗ trợ quan trọng 1.200 điểm, tuy nhiên những phiên hồi phục tốt cuối tháng 7 giúp VN-Index chinh phục lại mốc này. Kết phiên ngày 29/07/2022, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.206 điểm, tương ứng giảm 21% so với đầu năm.
Trải qua giai đoạn sụt giảm mạnh, thị trường đã cho những tín hiệu khả quan khi dần tìm được điểm cân bằng và đang trong quá trình tạo đáy ngắn hạn.
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trong nửa cuối năm 2022
Xét trong hai quý cuối năm, Agriseco Research đánh giá, đà tăng trưởng vẫn sẽ duy trì trên mức 7% trong bối cảnh tăng trưởng từ mức thấp năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh tại các vùng kinh tế trọng điểm.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng về nửa cuối năm như đã diễn ra suốt nhiều năm qua. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Chính phủ 6 - 6,5% trong năm nay là khả thi trừ khi xuất hiện biến cố lớn ảnh hưởng mạnh tới các hoạt động thương mại.
Mặt khác, gần đây các tổ chức lớn liên tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc duy trì tốc độ tăng trưởng như trên là một dấu hiệu rất tích cực khi thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mặc dù có nhiều thách thức trong các tháng cuối năm, các tổ chức này vẫn duy trì quan điểm dự báo tích cực đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ kinh tế phục hồi nhanh khi tái mở cửa sau dịch.
Các đầu kéo chính của tăng trưởng kinh tế:
Hoạt động bán lẻ và du lịch nhiều tín hiệu phục hồi sau dịch
Tổng doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng tháng 7 và 7 tháng đầu năm đều tăng trưởng cao so với mức nền thấp của năm trước và cao hơn so với mức trước dịch.
Cụ thể, tháng 7 tổng mức bán lẻ và hàng hóa dịch vụ đạt 486.000 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ và 7 tháng đầu năm ước đạt 3.205,8 tỷ đồng, tăng 16%. Đáng chú ý, dịch vụ ăn uống, lưu trú, lữ hành hoạt động trở lại nhờ sự bùng nổ về du lịch đã mang lại kết quả kinh doanh khởi sắc.
Mảng tiêu dùng khả năng sẽ hồi phục
Động lực đến từ sức cầu tiêu dùng hồi phục khi nền kinh tế mở cửa hoàn toàn. Bên cạnh đó, hoạt động lưu trú, ăn uống và lữ hành tăng mạnh khi đường bay quốc tế được mở lại. Quá trình hồi phục có thể được đẩy nhanh với kỳ vọng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội sẽ có tác động vào nửa cuối năm 2022 khi mới đây Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình.
“Tuy nhiên, quá trình phục hồi cũng cần lưu ý đến yếu tố lạm phát và chính sách Zero Covid của Trung Quốc có thể khiến nhu cầu tiêu dùng giảm đi”, Agriseco lưu ý.
Tiềm năng thu hút dòng vốn FDI
Tổng vốn FDI đăng ký mới, góp vốn, mua cổ phần, điều chỉnh 7 tháng đầu năm đạt 15,54 tỷ USD, giảm gần 7%. Mặc dù vậy, vốn thực hiện có mức tăng trưởng cao nhất trong 5 năm trở lại với tốc độ 10%. Điều này thể hiện nhu cầu đầu tư FDI vẫn lớn.
Bình Dương tiếp tục thu hút vốn FDI lớn nhất và Singapore là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam. Các dự án tiêu biểu như dự án tăng vốn đầu tư tại VSIP Bắc Ninh, Samsung Electro-Mechanics…
Dòng vốn FDI toàn cầu đang được UNCTAD dự báo sẽ đi ngang hoặc giảm do những rủi ro khó lường từ đại dịch và cuộc xung đột dân sự. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, Việt Nam vẫn được đánh giá cao trong khu vực Đông Nam Á nhờ vị thế trên trường quốc tế và các yếu tố thuận lợi về vị trí - kinh tế - chính trị.
VN-Index cuối năm 2022
Agriseco Research dự báo, VN-Index sẽ hồi phục lên mức 1.400 - 1.500 điểm vào giai đoạn cuối năm 2022.
Mặc dù vậy, việc chọn lọc các nhóm ngành và cổ phiếu để đầu tư sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn điểm số của thị trường trong giai đoạn này. Agriseco Research chọn lọc và tập trung vào 3 nhóm cổ phiếu: định giá rẻ - hưởng lợi từ sự hồi phục kinh tế và các chính sách vĩ mô - phòng vệ lạm phát.
Agriseco Research cho rằng, lợi nhuận toàn thị trường năm 2022 tăng trưởng 25 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Hai động lực chính gồm:
Thứ nhất, các doanh nghiệp tiếp tục giữ đà hồi phục về lợi nhuận so với mức nền thấp của quý III và quý IV/2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh, tiêu biểu là các nhóm: Dầu khí, Bán lẻ, Thực phẩm đồ uống, Du lịch, Tiện ích.
Thứ hai, gói hỗ trợ lãi suất, việc đẩy mạnh đầu tư công và tiềm năng thu hút FDI của Việt Nam sẽ tiếp đà cho nhiều doanh nghiệp hưởng lợi và nắm bắt cơ hội.