Tại các thành phố lớn, cạnh tranh giữa các ngân hàng về mảng bán lẻ rất khốc liệt. Miếng bánh ngân hàng bán lẻ ở nông thôn “khó nhằn” hơn vì chi phí cao nhưng đây lại là lợi thế của Agribank. Tuy vậy, trong bối cảnh xu hướng mua sắm trực tuyến, thanh toán online ngày càng phổ biến, để phát triển mảng ngân hàng bán lẻ, chỉ riêng lợi thế mạng lưới là chưa đủ. Những ngân hàng vừa có lợi thế mạng lưới lại vừa đẩy mạnh ngân hàng số là sự kết hợp hoàn hảo để tận dụng lợi thế trên mọi địa bàn bán lẻ.
Thấu hiểu điều đó, Agribank không ngừng triển khai các gói sản phẩm kết hợp nhiều ưu đãi toàn diện trên nền tảng số với mục tiêu gia tăng số lượng sản phẩm dịch vụ sử dụng trên một khách hàng, nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó mang lại nguồn lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ tốt hơn cho Ngân hàng… Đặc biệt là khi nền kinh tế bước vào giai đoạn hồi phục sau giai đoạn giãn cách phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân đang bắt đầu mạnh tay chi tiêu trở lại cho mua sắm, giải trí, du lịch…
Thời gian qua, Agribank đã ưu tiên đầu tư các dự án công nghệ nhằm nâng cấp hạ tầng các trung tâm dữ liệu, hệ thống mạng, tăng cường an ninh bảo mật, đảm bảo cho các hệ thống công nghệ thông tin luôn hoạt động ổn định, an toàn. Đồng thời, phát triển các hệ thống ứng dụng phục vụ yêu cầu quản trị điều hành và phát triển dịch vụ sản phẩm mới, kênh phân phối mới... tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính.
Nhờ ứng dụng công nghệ số, các sản phẩm dịch vụ của Agribank ngày càng cải thiện, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Điển hình như dịch vụ thẻ của Agribank tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh, phát triển ổn định cả về quy mô, số lượng và chất lượng dịch vụ.
Agribank hiện đã chuyển đổi toàn bộ hệ thống thiết bị POS sang công nghệ EMV và triển khai công nghệ thẻ không tiếp xúc nhằm hạn chế rủi ro, chi phí cho khách hàng.
Agribank cũng đang triển khai hiệu quả mô hình Autobank với sản phẩm lõi là CDM/CRM nhằm tiết giảm chi phí vận hành, chi phí kiểm quỹ, tiếp quỹ ATM, giảm áp lực cho giao dịch tại quầy, tiến tới thay thế dần các phòng giao dịch truyền thống.
Thời gian tới, Agribank tiếp tục nghiên cứu, triển khai mô hình Autobank, áp dụng phương thức định danh khách hàng e-KYC bằng công nghệ sinh trắc học (cả khuôn mặt và vân tay) cho phép khách hàng đăng ký thông tin khách hàng (CIF) trực tuyến, đăng ký mở tài khoản trực tuyến, đăng ký phát hành thẻ, vay vốn trực tuyến, thay vì phải vào quầy giao dịch… nhằm số hóa 100% dịch vụ cho khách hàng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Được biết, Agribank là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ định danh điện tử eKYC, góp phần đơn giản hóa quy trình mở tài khoản, nâng cao trải nghiệm sử dụng sản phẩm đối với khách hàng.
Đây là dịch vụ vừa để thích ứng với đại dịch, vừa đáp ứng nhu cầu và nâng cao tiện ích, tính an toàn trong giao dịch phục vụ khách hàng. Thông qua ứng dụng Agribank E-Mobile Banking, công nghệ định danh điện tử eKYC đã giúp khách hàng mở tài khoản từ xa một cách nhanh chóng.
Trong quá trình triển khai eKYC, Agribank đã ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo hiện đại nhất như công nghệ đọc dữ liệu hình ảnh (OCR), công nghệ nhận diện gương mặt (FAC)… Đây là những nền tảng công nghệ hiện đại, đáng tin cậy, bảo đảm tính minh bạch, nhanh chóng, giúp khách hàng thuận lợi hơn khi thực hiện mở tài khoản ngân hàng.
“Việc áp dụng eKYC khẳng định quyết tâm chuyển đổi số toàn diện của Agribank, đồng thời thể hiện nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng lợi ích và tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng”, một lãnh đạo cao cấp Agribank chia sẻ.
Cùng với hệ thống ngân hàng Việt Nam, Agribank đang nỗ lực nhanh chóng thích ứng và thiết lập khuôn khổ chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng nhiều giải pháp công nghệ tiên tiến, nhằm tạo ra một hệ sinh thái mở cho cả lĩnh vực tài chính - ngân hàng và mang đến sự tiện lợi, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng hiện đại.