Tiên phong điểm giao dịch lưu động
Năm 2017, được sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tiên phong triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng nhằm mở rộng tín dụng và cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các hộ sản xuất, cá nhân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển sản xuất hàng hóa, đẩy lùi nạn "tín dụng đen", xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và đời sống của dân cư.
Sau thời gian thử nghiệm và đem lại hiệu quả, tháng 1/2018, Agribank chính thức triển khai điểm giao dịch lưu động tại 62 tỉnh, thành phố với tổng số 68 xe.
Với mục tiêu phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn, đưa sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân địa phương, đáp ứng được nhu cầu vốn, đặc biệt người dân ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đáp ứng đầy đủ các dịch vụ ngân hàng như cho vay, huy động tiền gửi tiết kiệm, mở và sử dụng tài khoản tiền gửi thanh toán, gửi tiền, rút tiền gửi tiết kiệm, chuyển và nhận tiền trong nước, thanh toán hóa đơn, đăng ký các dịch vụ ngân hàng điện tử (Internet Banking, E-Mobile Banking), dịch vụ thẻ, dịch vụ bảo hiểm…
Agribank đã tích cực triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đúng mục tiêu và mang lại những kết quả nhất định theo đúng chủ trương của Chính phủ về “Nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng phù hợp với nhu cầu, có chất lượng, nhất là dân cư ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.
Sau 2 năm triển khai, tính đến 31/1/2020, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng Agribank đã thực hiện được hơn 9.000 phiên giao dịch, cung cấp dịch vụ cho hơn 873.000 khách hàng tại địa bàn 400 xã trên toàn quốc.
“Điểm giao dịch lưu động bằng xe chuyên dùng mang lại nhiều tiện lợi cho bà con xã Nà Mường. Từ nay, chúng tôi không còn phải đi tới 50 km đường đồi núi để đến các điểm giao dịch của ngân hàng như trước đây nữa. Việc rút ngắn được khoảng cách và thời gian đến ngân hàng sẽ giúp chúng tôi có thêm thời gian, yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất và đặc biệt là mỗi khi bà con có nhu cầu về vốn cũng sẽ có cơ hội được giải ngân nhanh hơn rất nhiều so với trước đây”, ông Đinh Văn Giêng, người dân bản Nà Mường 2, xã Nà Mường, huyện Mộc Châu, Sơn La vui mừng chia sẻ sau khi thực hiện giao dịch tại điểm giao dịch lưu động của Agribank.
Qua đánh giá của chính quyền và nhân dân các địa phương, từ khi điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đi vào hoạt động đã góp phần phục vụ tốt hơn nhu cầu của bà con nông dân; giảm chi phí, thời gian đi lại, đảm bảo an toàn về tài sản và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Bên cạnh đó, thông qua triển khai điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng đã đẩy mạnh sự phối hợp có hiệu quả của Agribank với chính quyền địa phương, các tổ chức hội, tạo điều kiện để chính quyền địa phương, tổ chức hội tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chính sách tín dụng ngân hàng, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến…, góp phần nâng cao dân trí, tạo sự tin tưởng tuyệt đối của người dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Hỗ trợ con em đồng bào dân tộc yên tâm đến trường. |
Ông Lường Tiến Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: “Việc Agribank chi nhánh huyện Mộc Châu triển khai điểm giao dịch lưu động phục vụ bà con nông dân vùng sâu, vùng xa đã góp phần phát triển kinh tế hàng hóa, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống của người dân, từng bước thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội ở địa phương”.
Đa dạng kênh dẫn vốn
Quá trình 32 năm xây dựng và phát triển (26/3/1988 - 26/3/2020), Agribank không ngừng nỗ lực vừa làm tròn nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó, vừa kinh doanh an toàn, hiệu quả.
Nhận thức trách nhiệm của ngân hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank quyết liệt vào cuộc và nỗ lực triển khai đa dạng các giải pháp, góp phần hạn chế nạn "tín dụng đen" đang tồn tại, gây ra các vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Agribank tích cực phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… thông qua hình thức cho vay qua tổ nhóm để chuyển tải nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân. Đến nay, Agribank triển khai trên 68.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên.
Tăng cường khả năng tiếp cận vốn cho mọi người dân, góp phần đẩy lùi "tín dụng đen", Agribank đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, thời gian giải ngân nhanh, đáp ứng nhanh nhất nhu cầu vốn đột xuất, chính đáng của người dân tại khu vực nông nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, khu vực kinh tế khó khăn.
Tính đến tháng 1/2020, doanh số cho vay chương trình này đạt trên 8.700 tỷ đồng với 211.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết, nâng cao đời sống của người dân tại các địa bàn nông thôn.
Bằng việc kết hợp Điểm giao dịch lưu động với cho vay qua tổ vay vốn, Agribank đã khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho “Tam nông”, cải thiện đời sống của người dân, từng bước thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, từng bước nâng cao năng suất, tăng sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tăng thu nhập cho các hộ gia đình, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, tạo cơ hội cho các hộ thu nhập thấp không có tài sản thế chấp tiếp cận được nguồn vốn vay với thủ tục đơn giản, tiện lợi.
Đẩy mạnh chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn góp phần hạn chế và đẩy lùi nạn "tín dụng đen", đơn giản hóa các khoản tiêu dùng nhỏ lẻ, đồng thời gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn ngân hàng và các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại, năm 2019, Agribank triển khai Đề án phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn.
Qua một thời gian triển khai, mặc dù phạm vi rộng khắp 63 tỉnh, thành phố với nhiều đặc thù, nhưng với nỗ lực vươn dài sự hỗ trợ và kết nối đến bà con, đặc biệt là truyền thống am hiểu địa bàn của từng cán bộ Agribank, Đề án đã bước đầu phát huy hiệu quả với lợi thế về chính sách hỗ trợ ưu đãi, thủ tục đơn giản, linh hoạt. Số lượng thẻ phát hành đạt gần 35.500 thẻ và gần 990 thiết bị POS được lắp mới.
Khẳng định vai trò của ngân hàng thương mại hàng đầu trong lĩnh vực “Tam nông”, Agribank hiện triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đầu tư vào lĩnh vực được cho là bấp bênh, nhiều rủi ro, song Agribank luôn kiên trì, bền bỉ tìm ra những giải pháp mới, hướng đi riêng đưa nguồn vốn tín dụng, dịch vụ ngân hàng đến địa bàn nông thôn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tính đến 31/1/2020, điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng của Agribank đã thực hiện 9.000 phiên giao dịch, phục vụ hơn 873.000 lượt khách hàng tại địa bàn 400 xã trên cả nước, trung bình mỗi phiên giao dịch phục vụ 100 khách hàng; thực hiện giải ngân 3.300 tỷ đồng, thu nợ gốc - lãi hơn 3.490 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 1.518 tỷ đồng và cung cấp các dịch vụ tiện ích ngân hàng khác.