Agribank: Chỉ nhận được ưu ái từ phía khách hàng

(ĐTCK) “Quá trình cổ phần hóa chậm lại sẽ giúp cho bệ phóng được xây dựng vững chắc hơn, tạo được sức bật tốt hơn cho Agribank trong thời gian tới. Tôi luôn tin tưởng Agribank không chỉ đứng vững được, mà còn có những bước đi rung chuyển của người khổng lồ”, TS. Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng những tâm tư trước thời điểm chuẩn bị cổ phần hóa Agribank. 
Agribank đang giữ những thế mạnh vượt trội trong cung cấp tài chính cho khu vực nông thôn với hơn 60% dân số Agribank đang giữ những thế mạnh vượt trội trong cung cấp tài chính cho khu vực nông thôn với hơn 60% dân số

Năm nay Agribank kỷ niệm 30 năm thành lập và chuẩn bị cho những bước đi quan trọng trong hoạt động như IPO, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, niêm yết... Cá nhân ông nhận thấy những cơ hội và thách thức nào với Agribank?

Cơ hội và thách thức luôn song hành trong hoạt động của các doanh nghiệp nói chung và Agribank nói riêng. Riêng năm nay, với nhiệm vụ vừa triển khai tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu, vừa chuẩn bị cho cổ phần hóa, nên thách thức không hề nhỏ.

Thứ nhất, đó là việc hàng loạt các tập đoàn, tổng công ty lớn, có nhiều lợi thế kinh doanh được Nhà nước tập trung thoái vốn, khiến thị trường cổ phiếu bão hòa nguồn cung.

TS. Trịnh Ngọc Khánh 

Thứ hai, Agribank là ngân hàng 100% vốn nhà nước cuối cùng triển khai cổ phần hóa, nên việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài sẽ khó khăn. Trên thực tế, có ngân hàng cổ phần hóa trước Agribank nhiều năm đến nay vẫn chưa tìm được đối tác chiến lược.

Thứ ba, Agribank đã từng triển khai kế hoạch cổ phần hóa, nhiều nhà tư vấn, nhà đầu tư nước ngoài tham gia hợp tác, nhưng do một vài nguyên nhân, khách quan có, chủ quan có, nên buộc phải chuyển sang tập trung tái cơ cấu, các thỏa thuận hợp tác phải hủy bỏ cũng làm ảnh hưởng đến niềm tin của đối tác về tính “quyết liệt” cổ phần hóa Agribank.

Thứ tư, Agribank là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, nguồn gốc hình thành đa dạng nhất; số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay, nên các khoản phải thu, phải trả cũng nhiều nhất. Do vậy, việc xác định giá của Agribank cũng sẽ phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Cuối cùng, cơ chế pháp luật về cổ phần hóa đã được hoàn thiện, bổ sung chặt chẽ hơn nhiều so với trước đây, vừa là cơ hội, vừa là thách thức với Agribank. Ở khía cạnh thách thức, chắc chắn thời gian định giá doanh nghiệp sẽ phải kéo dài hơn, hy vọng hưởng lợi từ cơ chế cổ phần hóa của nhà đầu tư giảm đi, đặc biệt là quyền sử dụng đất.

Còn về cơ hội, Agribank được thừa hưởng các bài học kinh nghiệm của những người đi trước, nên tôi tin, việc cổ phần hóa sẽ hiệu quả hơn. Cổ phần hóa Agribank chắc chắn sẽ được tăng vốn tự có, con đường tăng vốn khả thi nhất hiện nay. Đồng thời, sau khi cổ phần hóa, Agribank sẽ được tự chủ hơn trong quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh, đặc biệt khả năng hợp tác với các đối tác nước ngoài sẽ được mở rộng hơn.

Nguyện vọng cổ phần hóa Agribank đã được Hội đồng thành viên thông qua và báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Nghị quyết Hội đồng thành viên cũng đã có kế hoạch cụ thể, năm 2016, Agribank “dọn dẹp” nốt tất cả những gì còn tồn tại theo mục tiêu tái cơ cấu, bắt đầu từ năm 2017 triển khai các thủ tục cổ phần hóa và nỗ lực đến năm 2018, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập, Agribank sẽ chính thức chuyển sang hoạt động với tư cách ngân hàng thương mại cổ phần. Tuy nhiên, đến giờ phút này, vẫn chưa có tin vui. Ông có cảm nghĩ gì?

Như bạn biết đấy, Agribank vừa là công cụ của Đảng và Nhà nước thực hiện nhiệm vụ cung ứng tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vừa phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Thực tế trong phân khúc này 30 năm qua, Agribank làm rất tốt, được cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp  đánh giá rất cao, bà con nông dân tin tưởng, phấn khởi đến mức có khoản nợ được Nhà nước xóa rồi, nhưng khi có thu nhập người vay vẫn đem trả.

Hay ngay trong thời kỳ tái cơ cấu, thông tin xấu về Agribank hầu như ngày nào cũng có trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng tiền gửi dân cư của Agribank vẫn tăng đều hàng nghìn tỷ đồng mỗi ngày và luôn đứng đầu hệ thống. Chính vì vậy, cổ phần hóa Agribank là một quyết định không hề dễ dàng với nhiều cấp quản lý.

Bước tiến lớn của ngành nông nghiệp 
thời gian qua có dấu ấn rõ nét của Agribank 

Gắn bó với Agribank gần như từ ngày mới thành lập, tôi hiểu Agribank có gì, cần gì, nên ngay khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng thành viên, có điều kiện tôi đã nghĩ ngay tới mục tiêu cổ phần hóa Ngân hàng. Cũng may là tập thể Hội đồng thành viên ủng hộ thành nghị quyết để cùng nhau phấn đấu, chứ thực tình lúc đó chưa hề có chủ trương cụ thể của Nhà nước đối với cổ phần hóa Agribank.

Tôi cho rằng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ đưa Agribank vào kế hoạch và lộ trình cổ phần hóa trong năm 2019 cũng là một món quà mừng cho dấu mốc 30 năm xây dựng và trưởng thành của Ngân hàng.

Kể ra, giá như từ ngày 1/5/2018, Agribank hoạt động theo mô hình cổ phần rồi thì Hội đồng thành viên Agribank quá giỏi dự báo và chắc sẽ vui hơn. Nhưng việc cổ phần hóa chậm lại sẽ giúp cho bệ phóng của Ngân hàng được xây dựng vững chắc hơn, tạo được sức bật tốt hơn trong thời gian tới. Lúc nào tôi cũng tin Agribank không chỉ đứng vững được, mà còn có những bước đi rung chuyển của người khổng lồ.

Là một ngân hàng nông nghiệp và năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã có những thành tựu vượt bậc. Đây là mối quan hệ hữu cơ và chứng minh rằng, Agribank đang giữ những thế mạnh vượt trội trong cung cấp tài chính cho khu vực với hơn 60% dân số. Với tư cách là người đứng đầu Ngân hàng, ông hoạch định thế nào cho tương lai của Agribank?

Thực ra, việc hoạch định chiến lược phát triển cho một ngân hàng lớn như Agribank, một mình người đứng đầu không thể làm được. Trong một ngân hàng thương mại 100% vốn nhà nước, Chủ tịch chỉ là người  đứng đầu khiêm tốn của Hội đồng thành viên thôi. Tôi muốn nói, quy trình hoạch định và tổ chức thực hiện để đi đến tương lai là cả một vấn đề không hề đơn giản, nhưng doanh nghiệp nào cũng phải có, tổ chức tín dụng nào cũng phải có.

Tuy có những tồn tại nhất định, nhưng lợi thế của Ngân hàng hiện vô cùng lớn. Tôi khẳng định rằng, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị đối với “tam nông” như hiện nay, hiểu được Agribank và vận hành nó một cách bài bản trong mô hình tổ chức tín dụng cổ phần thì tương lai của ngân hàng này là vô cùng tươi sáng.

Vẫn nói về tương lai, ngành ngân hàng đang đón nhận nhiều thay đổi trong nội tại sau thời gian tái cấu trúc vừa qua, rất nhiều ngân hàng đang đầu tư mạnh mẽ hoàn thiện quản trị, đầu tư hàng trăm triệu USD cho hệ thống công nghệ thông tin. Agribank đang làm những gì để thực sự trở thành một ngân hàng lớn về quy mô, mạnh về quản trị và có nhiều ứng dụng ngân hàng hiện đại?

Dù khiêm tốn thì cũng phải khẳng định, chưa ngân hàng nào ở Việt Nam đầu tư cho công nghệ vượt Agribank, kể cả trong thời kỳ khó khăn nhất về tài chính vừa qua. Agribank đang đứng tốp đầu về quy mô, quản trị và ứng dụng công nghệ hiện đại không hề thua kém một ngân hàng nào; chắc cũng không có ngân hàng nào có đội ngũ hàng nghìn kỹ sư tin học như Agribank.

Tuy nhiên, “nhà đông con” nên không tránh khỏi chỗ này chỗ khác, vẫn còn chuyện nọ chuyện kia xảy ra. Trong một gia đình có hai đứa con thôi mà không phải nhà nào cũng hoàn hảo. Đó là tất yếu của cuộc sống và chúng ta cũng phải chấp nhận, nhưng không vì thế mà chủ quan và “xây dựng một ngân hàng hiện đại” luôn là mục tiêu, nhiệm vụ của Agribank.

Agribank không chỉ đầu tư cho hệ thống máy móc, phần mềm ứng dụng, mà còn phải đầu tư cho con người có trình độ làm chủ công nghệ đó. Với vai trò của người phục vụ, mục tiêu cao nhất của Agribank là đáp ứng kịp thời, phù hợp nhu cầu, thị hiếu và trình độ của khách hàng.

Agribank hiện là ngân hàng thương mại duy nhất 100% vốn nhà nước, có những quan điểm cho rằng, Ngân hàng vẫn nhận được những ưu ái nhất định. Ông có chia sẻ gì?

Đúng là có ưu ái, nhưng là từ phía khách hàng gửi tiền do yên tâm gửi vào Agribank sẽ an toàn hơn. Biểu hiện là hơn 1 triệu tỷ đồng mà Agribank huy động được hiện nay, trong đó chủ yếu là vốn huy động từ dân cư.

Tiền gửi của các doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội, kho bạc nhà nước… chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn, thấp hơn nhiều ngân hàng thương mại khác.

Còn khách hàng vay vốn thì ưu ái vay Agribank vì lãi suất thấp, nhất là khu vực nông thôn, họ thích vì được cung ứng tới tận xã bằng xe lưu động… Nhưng chắc nhà báo không định hỏi về ưu ái này.

Thực tế cũng có quan điểm cho rằng, vì là ngân hàng 100% vốn nhà nước thế nào chẳng được ưu ái. Tôi khẳng định là không, nói thật là một trong những lý do mà Agribank quyết tâm, kiên trì thuyết phục lãnh đạo các cấp tạo điều kiện cho Ngân hàng được sớm cổ phần hóa cũng vì tự ái với những quan điểm chưa chính xác nêu trên.

Ông có thể tiết lộ về chiến lược sau cổ phần hóa của Agribank sẽ như thế nào?

Chúng tôi đang xây dựng để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng chắc cũng nằm trong chiến lược kinh doanh đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Vẫn lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn là địa bàn chiến lược, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính, tất nhiên có cải tiến và nâng cấp nhiều trong phương pháp.

Trên đoạn đường vươn tới tương lai, những chông gai và thử thách là để tôi luyện ý chí và niềm tin của con người, chứ không phải để chúng ta chùn bước.

Hồng Dung thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục