AGD dự kiến rời sàn vào tháng 10

(ĐTCK) Trao đổi với ĐTCK, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT CTCP Gò Đàng (AGD) cho biết, Công ty đã hoàn tất các thủ tục cần thiết để xin hủy niêm yết. Dự kiến, AGD sẽ rời sàn HOSE từ tháng 10/2013.

Ngày 27/5 vừa qua, ĐHCĐ AGD đã nhất trí thông qua phương án giải quyết quyền lợi của cổ đông nhỏ trước khi hủy niêm yết. Ông Đạo cho biết, Công ty đã cơ bản hoàn tất việc mua cổ phiếu của các cổ đông nhỏ theo các quy định của pháp luật và giá mua lại cổ phần như đã được ĐHCĐ bất thường của Công ty thông qua từ cuối năm 2012 là 50.000 đồng/CP. Trước đó, lãnh đạo AGD giải thích lý do rời sàn là vì sau 3 năm niêm yết, Công ty đã không đạt được mục tiêu huy động vốn. Tuy nhiên, sau khi AGD thực hiện phát hành thành công 6 triệu cổ phiếu với mức giá 63.000 đồng/CP cho đối tác Panga Holdco, nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc hủy niêm yết của AGD là để “chiều lòng” cổ đông lớn.

Năm 2013, AGD đặt kế hoạch 1.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng

Năm 2013, AGD đặt mục tiêu doanh thu 1.000 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 45 triệu USD. Hiện các đơn hàng xuất khẩu của Công ty vẫn giữ được ổn định. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu của AGD, thị trường EU hiện chiếm tỷ trọng 60%, Nam Mỹ chiếm 10%, Trung Đông chiếm 15% và châu Á chiếm 15%. Liên quan đến việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Mỹ, AGD cho biết, Công ty đang chờ quyết định của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về việc giảm thuế bán phá giá cá tra mới có quyết định chính thức. Mỹ là thị trường có tiềm năng đối với các DN xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, song các DN phải nắm được diễn biến chính sách của quốc gia này để có cách ứng phó phù hợp. Theo AGD, việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ nâng mức thuế suất chống bán phá giá đối với các DN thủy sản Việt Nam cao hơn rất nhiều so với đợt trước đã gây bất lợi cho các DN thủy sản nói chung, nhưng AGD hầu như không bị ảnh hưởng bởi Công ty xuất khẩu sang thị trường này rất ít. Năm nay, AGD đã ký hợp đồng xuất khẩu 200 tấn cá tra và nghêu sang châu Âu và Trung Đông, trị giá 500.000 USD. Ngoài thị trường truyền thống là châu Âu, Mỹ, Trung Đông thì cá tra Việt Nam hiện đã có mặt tại nhiều nước châu Á, châu Mỹ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đang lâm vào tình cảnh khó khăn do thiếu vốn và bất ổn nguồn nguyên liệu. Với AGD, hiện Công ty đang chủ động được nguồn nguyên liệu với hơn 80% và Công ty tiếp tục mở rộng thêm 60 héc-ta diện tích ao nuôi trong năm nay để tiết giảm chi phí. Đồng thời, Công ty cũng dành khoảng 200 tỷ đồng để mở rộng nhà máy và xây dựng vùng nuôi cá rộng 130 héc-ta tại Bến Tre, dùng nguồn tiền từ đợt phát hành cho cổ đông chiến lược. 

Sở dĩ Công ty có kế hoạch mở rộng vùng nuôi trồng là vì nhu cầu nghêu đang rất lớn, trong khi nghêu chủ yếu được nuôi ven biển, khó mở rộng diện tích nuôi. Hiện nay, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của AGD thì cá tra đông lạnh chiếm 55%, nghêu chiếm 30% còn lại là các mặt hàng khác.

Hoàng Anh
Hoàng Anh

Tin cùng chuyên mục