AFC Fund “ôm” tiền mặt, chờ cơ hội giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) AFC Vietnam Fund cho biết, với việc đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn (hơn 24% tài sản), lại đúng vào thời điểm kết quả kinh doanh quý II/2020 được công bố, đây là thời điểm rất thích hợp với quỹ để giải ngân. 
AFC Fund “ôm” tiền mặt, chờ cơ hội giải ngân

Hiệu suất đầu tư của AFC Vietnam Fund tăng 0,8% trong tháng 7, vượt trội so với việc chỉ số VN-Index giảm 3,1% và HNX-Index giảm 1,9%.

Nếu diễn biến của thị trường chứng khoán đôi khi được so sánh với đường ray tàu lượng siêu tốc, thì tháng 7/2020 chắc chắn là một trong những thời điểm như vậy.

Vào phiên giao dịch đầu tiên của tháng, thị trường chứng kiến sức mua mạnh tới mức đẩy chỉ số tăng thêm 6%. Tuy nhiên sau đó, cùng với việc giá cả điều chỉnh, thanh khoản giảm, sự quan tâm của nhà đầu tư nội địa giảm sút, một đợt bán tháo bất ngờ xảy ra ngày 24/7 (thời điểm ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng được công bố, sau 99 ngày không có ca nhiễm trên toàn quốc).

So với các quốc gia khác, Việt Nam duy trì tình trạng có rất ít ca nhiễm bệnh, nhưng quãng thời gian yên bình trước đó khiến không ít người có suy nghĩ “sẽ không bao giờ có thêm ca bệnh mới”.

Đây là lý do phản ứng rất mạnh của nhà đầu tư nội địa với số ca nhiễm bệnh ở mức thấp là dễ hiểu. Dù số lượng người nhiễm bệnh đã tăng từ con số 0 lên 56 người tính trong tháng 7, con số này dường như gây áp lực còn hơn cả việc số ca nhiễm bệnh tại Đức tăng từ 600 lên 1.000, hay từ 50.000 lên 70.000 tại Mỹ trong cùng quãng thời gian.

AFC Fund “ôm” tiền mặt, chờ cơ hội giải ngân ảnh 1

Hiệu suất đầu tư của quỹ (đường màu nâu) và diễn biến VN-Index (đường màu xanh)

Mặc dù đã có những dự báo về sự điều chỉnh của thị trường, nhưng lần bán tháo này là hoàn toàn bất ngờ với các thành viên thị trường, trong đó có AFC Vietnam Fund.

Tính tới cuối tháng 7, danh mục đầu tư của AFC Vietnam Fund bao gồm 47 cái tên và quỹ nắm giữ tới 24,1% tiền mặt. Top 5 cổ phiếu nắm giữ với tỷ trọng lớn nhất bao gồm ABI, VSC, TCL, PMC và LPB.

AFC Vietnam Fund cho biết, với việc đang nắm giữ lượng tiền mặt lớn, lại đúng vào thời điểm kết quả kinh doanh quý II/2020 được công bố, đây là thời điểm rất thích hợp với quỹ để giải ngân. Thời điểm quý II chính là khi tiến hành giãn cách xã hội tại Việt Nam, bởi vậy AFC có thể phân tích xem doanh nghiệp nào đang quản lý hoạt động tốt hơn trong khủng hoảng.

AFC Fund “ôm” tiền mặt, chờ cơ hội giải ngân ảnh 2

Top 5 cổ phiếu chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục đầu tư của AFC Vietnam Fund

Tính tới cuối tháng 7, dòng vốn FDI vào Việt Nam đạt 10,1 tỷ USD, chỉ thấp hơn 0,5 tỷ USD so với tháng 7/2019, bất chấp đại dịch đang diễn ra. Hoạt động dịch chuyển chuỗi sản xuất – cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam được xem là yếu tố chính tạo nên diễn biến tích cực này.

Đáng chú ý, Apple sẽ lần đầu tiên sản xuất hàng triệu sản phẩm AirPods tại Việt Nam trong quý III/2020, theo Nikkei Asian Review, một dấu hiệu rõ rệt cho thấy gã khổng lồ công nghệ này đa dạng hóa hoạt động sản xuất ra khỏi thị trường Trung Quốc ngay trong thời đại dịch.

AFC Fund “ôm” tiền mặt, chờ cơ hội giải ngân ảnh 3

Tỷ lệ tham gia thị trường của nhà đầu tư ngoại tại một số quốc gia và toàn cầu (cột màu vàng)

Chính phủ của các quốc gia trên toàn cầu đã công bố các gói nới lỏng với quy mô chưa từng có nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước bóng đen đại dịch. Các quốc gia phát triển là nhóm có hành động quyết liệt nhất. Chẳng hạn, quy mô gói hỗ trợ của Nhật Bản tương đương 42% GDP, Mỹ 14%... Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển có phần thận tọng hơn, với tỷ lệ trung bình tại nhóm ASEAN-5 là 5,9%.

Việt Nam đã công bố các gói hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 12 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP năm 2019 và một số biện pháp khác như miễn giảm thuế giá trị khoảng 2 tỷ USD. 

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,285.0 -5.18 -0.4% 207,108 tỷ
HNX 243.18 -0.74 -0.3% 1,650 tỷ
UPCOM 91.41 -0.07 -0.07% 591 tỷ