Trong ấn bản bổ sung cho báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2018, ADB vẫn duy trì dự báo tăng trưởng của khu vực ở mức 6% cho năm 2018 và 5,8% cho năm 2019.
Nếu không tính các nền kinh tế công nghiệp hóa mới nổi gồm Hong Kong (Trung Quốc); Hàn Quốc; Singapore và Đài Loan, Trung Quốc, triển vọng tăng trưởng của khu vực được duy trì ở mức 6,5% cho năm 2018 và 6,3% cho năm 2019.
Tăng trưởng của Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, vẫn được kỳ vọng đạt 6,6% trong năm 2018 và giảm nhẹ còn 6,3% trong năm sau. Đà tăng trưởng tiếp diễn ở Ấn Độ nhờ xuất khẩu gia tăng và sản lượng công nghiệp và nông nghiệp cao hơn. Tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo đạt 7,3% trong năm 2018 và 7,6% trong năm 2019.
Ông Yasuyuki Sawada, Trưởng Ban Kinh tế của ADB nhận định, thỏa thuận tạm ngừng nâng thuế quan thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là rất đáng hoan nghênh, song xung đột chưa được tháo gỡ vẫn là nguy cơ chính đối với triển vọng kinh tế của khu vực. Do đó, ADB giữ nguyên dự báo tăng trưởng của khu vực trong năm nay, với một số nền kinh tế lớn nhất vẫn duy trì được mức tăng trưởng của mình.
Giá cả hàng hóa quốc tế thấp hơn và hành động của ngân hàng trung ương nhằm bình ổn biến động thị trường khiến lạm phát ở khu vực Châu Á đang phát triển được dự báo ở mức 2,6% trong năm 2018 và 2,7% cho năm 2019, giảm so với mức dự báo trước đó là 2,8% cho cả hai năm.
Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội ở Trung Á trong năm 2019 hiện được dự báo đạt 4,3%, tăng so với mức dự báo 4,2% vào tháng 9, do sự hồi phục trong đầu tưcông và sản lượng cao hơn của mỏ khí thiên nhiên Shah Deniz đã giúp nâng cao triển vọng tại Azerbaijan.
Dự báo tăng trưởng năm 2019 của khu vực Nam Á giảm còn 7,1% so với mức 7,2% vào tháng 9. Đông Nam Á được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 5,1% trong năm 2019, so với dự báo trước đó là 5,2%. Khu vực Thái Bình Dương vẫn giữ vững triển vọng tăng trưởng 3,1% trong năm 2019.