ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019, tăng giá điện và xăng là "cần thiết, tích cực"

(ĐTCK) Trong ấn phẩm kinh tế thường niên hàng đầu của mình, báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2019, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. 
ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm 2019, tăng giá điện và xăng là "cần thiết, tích cực"

Theo nhận định trong một báo cáo mới của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được công bố hôm nay (3/4), kinh tế Việt Nam tiếp tục có một năm tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2018, mặc dù môi trường bên ngoài suy giảm có thể tác động tới triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. 

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam phát biểu tại buổi Họp báo nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức cao trong năm 2018, do xuất khẩu và nhu cầu nội địa gia tăng mạnh mẽ.

Tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng được giữ vững trong thời gian tới, với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, và cầu nội địa được duy trì. Động lực tăng trưởng dự kiến sẽ được tiếp tục nhờ những cải cách đang diễn ra để cải thiện môi trường kinh doanh và khuyến khích đầu tư tư nhân”.

Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực, dựa trên cơ sở tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ; sự tiếp tục mở rộng của các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ, nông nghiệp; và khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua rất nhiều hiệp định thương mại tự do, gồm cả Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương được phê chuẩn gần đây. 

Ông Eric Sidgwick cho biết thêm, giá điện, xăng được điều chỉnh tăng vừa qua không có tác động quá lớn bởi việc điều chỉnh này khá thường xuyên nhằm giảm tác động tới ngân sách. Tất nhiên, việc tăng giá này sẽ ảnh hưởng đến giá các hàng hoá và doanh nghiệp, tuy nhiên, tác động này khá khiêm tốn ở vòng 1 còn tác động vòng 2 là sau đó sẽ mạnh hơn.

Lạm phát được ADB dự báo sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020 bởi việc điều chỉnh giá này sẽ tác động các ngành khác.

"Việc tăng giá sẽ được ADB theo dõi chặt chẽ, nhưng quan điểm của ADB tăng giá là cần thiết, tích cực, tốt bởi nếu không tăng giá, xã hội, người tiêu dùng và doanh nghiệp không trả chi phí này mà Chính phủ phải trợ giá. Quan trọng là xác định thời điểm điều chỉnh”, ông Eric Sidgwick nói.

Theo ADB, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu.

Thặng dự tài khoản vãng lai dự kiến sẽ thu hẹp xuống mức tương đương 2,5% GDP trong năm nay, và tiếp tục xuống 2,0% trong năm 2020 khi hoạt động xuất khẩu giảm sút do nhu cầu thế giới giảm, nhưng tốc độ giảm nhập khẩu sẽ chậm hơn vì đầu tư và tiêu dùng nội địa vẫn cao.

Bên cạnh đó, tình hình kiều hối cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu đi. Nếu tình trạng căng thẳng thương mại giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH) và Hoa Kỳ tiếp tục kéo dài, Việt Nam có thể có lợi khi hoạt động thương mại và sản xuất chuyển dịch từ CHNDTH sang các nước láng giềng trong khu vực, làm GDP tăng thêm đến 2,0% trong trung hạn đến dài hạn, vượt ra ngoài khuôn khổ dự báo. 

Việc tăng giá điện, xăng sẽ được ADB theo dõi chặt chẽ, nhưng quan điểm của ADB tăng giá là cần thiết, tích cực, tốt bởi nếu không tăng giá, xã hội, người tiêu dùng và doanh nghiệp không trả chi phí này mà Chính phủ phải trợ giá. Quan trọng là xác định thời điểm điều chỉnh.

 - Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam

ADB cho rằng, Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện củng cố tài khoá, kể cả với mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng. Mục tiêu của Chính phủ đề ra là giữ bội chi ngân sách ở mức tương đương 3,6% GDP trong năm nay, và giảm xuống thấp hơn trong năm 2020. Để thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, dự toán ngân sách năm 2019 đề ra chi đầu tư tăng 7,4%, chi thường xuyên dự kiến tăng 7,2%.

Tuy nhiên, theo ADB, nguy cơ rủi ro vẫn còn. Những nền kinh tế lớn của thế giới, bao gồm Liên minh châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc vốn là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam - đang suy giảm.

"Việt Nam là một trong những quốc gia phụ thuộc vào thương mại nhiều nhất trong khu vực, với tổng kim ngạch thương mại đạt gấp đôi quy mô GDP. Ở trong nước, chậm trễ trong tiến trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước có thể là lực cản đối với tiềm năng tăng trưởng", báo cáo đã chỉ ra. 

Rủi ro về phía trong nước có thể đến từ tiến độ chậm chạp của quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, kết quả cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong năm 2018 kém hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ đề ra là cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp. Việc thành lập Uỷ ban Quản lý Vốn nhà nước trong năm 2018 được kỳ vọng sẽ đảm bảo sử dụng vốn nhà nước một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu những mâu thuẫn phát sinh từ việc nhà nước đóng vai trò kép – vừa là chủ sở hữu vừa là cơ quan quản lý. 

ADB nhấn mạnh tầm quan trọng đối với Việt Nam trong việc tăng cường hội nhập các doanh nghiệp tư nhân vào các chuỗi giá trị toàn cầu, vốn là một trong những thách thức chính sách quan trọng đối với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Cải thiện khả năng tiếp cận nguồn tài chính của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như nâng cao năng lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ - gồm cả kỹ năng của người lao động - là những biện pháp quan trọng để cho phép các doanh nghiệp này áp dụng tốt hơn các công nghệ mới và đạt được giá trị gia tăng cao trong các chuỗi giá trị toàn cầu. 

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục