Đây là kết quả hoạt động và tài chính vừa được công bố trong Báo cáo thường niên 2023 của ADB ngày 25/4. Báo cáo tóm tắt cách ADB hỗ trợ các quốc gia thành viên đang phát triển giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng cũng như tác động của xung đột, mất an ninh lương thực và gánh nặng nợ gia tăng, bên cạnh những thách thức khác.
Chủ tịch ADB, ông Masatsugu Asakawa, chia sẻ: “ADB tiếp tục khẳng định vị thế là ngân hàng khí hậu cho châu Á và Thái Bình Dương, với mức tài trợ hàng năm cao nhất từ trước tới nay cho hành động khí hậu. Các khoản đầu tư của chúng tôi cho việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu chú trọng nhiều tới nông nghiệp thích ứng khí hậu, năng lượng tái tạo và giao thông phát thải các-bon thấp.”
Con số cam kết 23,6 tỷ USD bao gồm các khoản vay, viện trợ, đầu tư cổ phần, bảo lãnh và hỗ trợ kỹ thuật cung cấp cho các chính phủ và khu vực tư nhân. Bên cạnh nguồn vốn riêng của ngân hàng, ADB đã huy động thêm 16,4 tỷ USD vốn đồng tài trợ thông qua các quan hệ đối tác mạnh mẽ của mình.
ADB đầu tư mạnh vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng và hạ tầng khác có chất lượng cao, cần thiết cho phát triển bền vững. ADB đã tăng cường hơn nữa nguồn vốn con người của khu vực thông qua gia tăng hỗ trợ cho giáo dục và y tế.
Giải quyết bất bình đẳng giới tiếp tục là một lĩnh vực then chốt trong hoạt động của ngân hàng, với hầu hết các hoạt động trong năm 2023 đều góp phần giảm bớt sự bất bình đẳng còn lại, gồm cả hỗ trợ giảm thiểu tác động bất cân xứng về giới của biến đổi khí hậu.
Báo cáo giải thích cách thức ADB đang thay đổi để có thể giúp đẩy nhanh tiến độ của khu vực hướng tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Những cải cách lớn về quản lý vốn được triển khai vào năm 2023 sẽ thúc đẩy hoạt động cho vay trong tương lai của ngân hàng bằng cách giải phóng năng lực tài trợ mới lên tới 100 tỷ USD trong thập niên tới. ADB cũng bắt đầu triển khai mô hình hoạt động mới vào năm 2023, một sự chuyển đổi mang tính thế hệ nhằm cải thiện cách thức phục vụ khách hàng của ngân hàng.
Ông Asakawa cho biết: “Mô hình hoạt động mới của chúng tôi đã cho phép ADB thực hiện những thay đổi quan trọng cần thiết để cung cấp hỗ trợ tốt hơn, nhanh hơn và phù hợp hơn cho các quốc gia thành viên đang phát triển của mình”.
Trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Việt Nam vào giữa tháng 3 vừa qua, ông Asakawa tái khẳng định cam kết của ADB cung cấp 3 tỷ USD hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn 2024 - 2026. Ngoài ra, ADB đã cam kết huy động 2,1 tỷ USD theo Kế hoạch huy động nguồn lực để hỗ trợ các dự án trong khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng của Việt Nam.
ADB cam kết đạt tới một khu vực châu Á và Thái Bình Dương thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững, trong khi duy trì nỗ lực xóa nghèo cùng cực. Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 68 thành viên, trong đó có 49 thành viên trong khu vực.