Nhu cầu tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển trọng yếu tại Châu Á và Thái Bình Dương không cho thấy dấu hiệu giảm sút, khi các nền kinh tế khu vực tìm cách giải quyết tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại, bất bình đẳng và các nguy cơ đáng kể về môi trường, theo như Báo cáo Thường niên 2015 (2015 AR) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa được công bố ngày hôm nay.
Báo cáo cho biết, tổng giá trị các hoạt động trong năm 2015 đã tăng tới 27,17 tỷ đôla - mức cao nhất trong lịch sử của ADB. Con số này bao gồm 16,29 tỷ đôla phê duyệt cho các khoản vay và viện trợ không hoàn lại; 141 triệu đôla cho hỗ trợ kỹ thuật; và 10,74 tỷ đôla đồng tài trợ, lĩnh vực có mức tăng kỷ lục là 16%.
Các hoạt động giải ngân - yếu tố then chốt trong việc cải thiện hiệu quả viện trợ - cũng ghi nhận kỷ lục mới là 12,22 tỷ đôla trong năm 2015, tăng 22% so với năm trước.
Các hoạt động cho khu vực tư nhân, một trọng tâm mới trong chiến lược dài hạn của ADB nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực, đã tăng vọt từ mức 1,92 tỷ đôla năm 2014 lên tới 2,63 tỷ đôla. Những số liệu này cập nhật các số liệu sơ bộ về hoạt động của ADB được công bố hồi tháng 1.
Trong thông điệp cho Báo cáo Thường niên 2015, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao phát biểu: "Thành tích kỷ lục của chúng ta trong năm 2015 phản ánh nhu cầu đang gia tăng của khu vực châu Á và Thái Bình Dương đối với viện trợ phát triển của ADB. Tình trạng nghèo khổ vẫn còn dai dẳng bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng của khu vực, và nhu cầu về cơ sở hạ tầng và các nhu cầu phát triển khác là vô cùng lớn”.
ADB ước tính rằng mỗi năm, khu vực này cần khoảng 800 tỷ đôla vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tương đương 6% tổng sản phẩm quốc nội, so với mức đầu tư hiện thời vào khoảng 2% tới 3% tại nhiều nước ở châu Á và Thái Bình Dương. Thiếu hụt vốn là nguyên nhân chính dẫn tới các hạn chế đối với tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong khu vực.
Tình trạng nghèo khổ vẫn còn dai dẳng bất chấp mức tăng trưởng ấn tượng của khu vực, và nhu cầu về cơ sở hạ tầng và các nhu cầu phát triển khác là vô cùng lớn.
Báo cáo Thường niên 2015 tập trung vào sự đáp ứng của ADB để giúp khu vực giải quyết những thách thức này và thực thi chương trình nghị sự phát triển mới đầy tham vọng được cộng đồng quốc tế thông qua năm 2015. ADB cam kết đóng vai trò trung tâm trong tài trợ cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững, được ký kết tháng 9 năm 2015, và hỗ trợ thỏa thuận mới về khí hậu đạt được trong Hội nghị các bên về biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris vào tháng 12, theo Báo cáo Thường niên 2015.
Để thực thi cam kết này, trong năm 2015, ADB tuyên bố đang gia tăng năng lực đáng kể để cung cấp nguồn tài trợ lớn hơn thông qua việc hợp nhất bảng cân đối nguồn vốn vay ưu đãi từ Quỹ Phát triển châu Á của ADB và nguồn vốn vay thông thường theo thị trường.
Bắt đầu từ tháng 1 năm 2017, cải cách mang tính đột phá này sẽ giúp tăng nền tảng vốn của ADB lên gần gấp ba, cho phép Ngân hàng tăng tới 50% mức hỗ trợ cho các quốc gia thành viên đang phát triển, và tới 70% mức hỗ trợ cho các thành viên đang phát triển nghèo nhất.