Dự kiến, đến 31/1/2016 sẽ có danh sách NĐT đăng ký chính thức và bắt đầu tiến hành đàm phán.
Sau khi IPO thành công, việc chào bán 20% cổ phần ACV cho đối tác chiến lược sẽ thực hiện như thế nào, thưa ông?
Hiện nay, một số NĐT đã gửi thư quan tâm, chẳng hạn BIDV, Tập đoàn Aeroport de Paris (Pháp) và nhiều NĐT khác đã có các buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng như ACV.
Các nhà đầu tư sẽ nộp hồ sơ chính thức khi ACV công bố tiêu chí NĐT chiến lược. Căn cứ vào các tiêu chí đó, các NĐT sẽ tự thấy mình có phù hợp để tham gia là NĐT chiến lược của ACV hay không, lúc đó họ mới thực hiện thủ tục đầy đủ là gửi hồ sơ đăng ký.
Dự kiến, đến 31/1/2016 sẽ xét các hồ sơ để trình lên Bộ GTVT phê duyệt danh sách NĐT chiến lược. Sau đó là bước đàm phán với các NĐT.
Theo ông, tiêu chí nào sẽ được ưu tiên trong lựa chọn NĐT chiến lược cho ACV?
Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt về tiêu chí NĐT chiến lược của ACV, trong đó có 3 nhóm NĐT gồm: NĐT là DN khai thác cảng hàng không sân bay, NĐT tài chính, NĐT tổ hợp.
Hiện ACV là tổng công ty duy nhất quản lý kết cấu hạ tầng của Hàng không Việt Nam, quản lý 22 sân bay. Với kỳ vọng tạo động lực phát triển mới cho ACV thì cần chọn NĐT thật sự có năng lực, có tiềm năng để hỗ trợ ACV về công nghệ, kinh nghiệm quản trị cũng như về thị trường. Chính vì vậy, mục tiêu lớn nhất là chọn được DN khai thác cảng hàng không sân bay có kinh nghiệm trên quốc tế và có quy mô tương đương ACV trở lên.
Việc tìm kiếm NĐT chiến lược cho ACV liệu có gặp khó khăn khi mà Vietnam Airlines vẫn chưa tìm được NĐT chiến lược?
Với DN có quy mô lớn như ACV, Vietnam Airlines, các ngân hàng thương mại…, thì việc lựa chọn NĐT chiến lược là cả quá trình dài. Quy mô DN lớn, trong khi các NĐT đa số là NĐT ngoại nên có những khác biệt về cơ chế, phương thức, cách thức thực hiện.
Ông Vũ Anh Minh
Trong khi đó, DN mong muốn tìm được NĐT chiến lược thực sự hỗ trợ cho hoạt động của công ty. Chẳng hạn, Vietnam Airlines mong muốn tìm được các hãng hàng không để kết nối đường bay, bởi không có DN nào có thể bay được tất cả các điểm trên thế giới. Vì vậy, cả hai bên cần có thời gian để nghiên cứu kỹ.
Xin ông cho biết, tiến độ cổ phần hóa các DN thuộc Bộ GTVT ra sao và những khó khăn, vướng mắc được xử lý như thế nào?
Kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015, Bộ GTVT triển khai cổ phần hóa 137 DN. Dự kiến, đến hết năm 2015, Bộ sẽ hoàn thành IPO 124 DN trên tổng số 408 DNNN cả nước. Riêng trong tháng 12 này sẽ thực hiện IPO 25 DN, bao gồm ACV và 24 công ty TNHH của Tổng công ty Đường sắt.
Trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện cổ phần hóa gặp những khó khăn, vướng mắc, Bộ đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất cơ chế tháo gỡ. Chẳng hạn, tỷ lệ đối chiếu công nợ, theo quy định của Nghị định 59/2011/NĐ-CP thì phải đối chiếu toàn bộ công nợ.
Tuy nhiên, đối với DN ngành giao thông, nhiều DN có công nợ nhiều, rất mất nhiều thời gian để đối chiếu. Do vậy, Bộ đề xuất đối chiếu 80% thì có thể triển khai cổ phần hóa, số lượng còn lại tiếp tục đối chiếu, hoàn thành cho đến khi công ty chính thức chuyển đổi sang mô hình CTCP. Như vậy, về bản chất vẫn là đối chiếu toàn bộ, nhưng làm từng bước xen kẽ nhau để đảm bảo tiến độ.
Về cơ chế lựa chọn tổ chức tư vấn, trên thực tế giá trị tư vấn bình quân chỉ trong khoảng 300 - 500 triệu đồng, nếu thực hiện theo quy trình đấu thầu thì sẽ rất lâu. Bộ cũng đã báo cáo Thủ tướng và được cho phép thực hiện hình thức lựa chọn chỉ định.
Nhờ tháo gỡ vướng mắc kịp thời nên kế hoạch cổ phần hóa 70 DN ban đầu đã hoàn thành cách đây 6 tháng, số DN cổ phần hóa bổ sung cũng đã hoàn thành gần hết. Trong năm nay, Bộ sẽ hoàn thành cổ phần hóa 124/137 DN.
Thực hiện cổ phần hóa quan trọng nhất là sự phối hợp giữa các bộ, ngành và sự đồng thuận về tư duy. Ở các DN thuộc Bộ GTVT hiện nay, cổ phần hóa gần như là phong trào, thực hiện dễ dàng hơn, chứ không còn khó khăn như thuở ban đầu.