Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, ACB quyết tâm sẽ tất toán được khoản nợ vay của bầu Kiên trong vòng 3 năm theo lộ trình Ngân hàng Nhà nước yêu cầu.
“2014, sẽ thu hồi thêm 3.000 tỷ đồng từ “bầu” Kiên”
Theo ông Đỗ Minh Toàn, trong năm 2013, ACB đã thu hồi được 1.247 tỷ đồng nợ vay của ông Nguyễn Đức Kiên (chiếm khoảng 18% tổng dư nợ). Mục tiêu trong năm nay là thu hồi thêm trên 3.000 tỷ đồng trong 5.833 tỷ đồng nợ còn lại. Theo ông Toàn, ACB quyết tâm sẽ tất toán khoản nợ vay của bầu Kiên trong vòng 3 năm theo lộ trình Ngân hàng Nhà nước đưa ra trước đây.
Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy cũng khẳng định: “Trên cơ sở tư vấn pháp lý của các công ty luật, ACB tin tưởng thu hồi được các khoản phải thu liên quan đến các vụ án”.
Thực tế, khoản nợ trên làm tăng tỷ lệ nợ xấu của ACB, đòi hỏi Ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro. Nợ xấu (nhóm 3 - 5) của ACB tính đến cuối năm 2013 đạt mức 3% tổng dư nợ, bằng với kế hoạch trình cổ đông đầu năm, song điều này cũng khiến không ít cổ đông ACB lo ngại.
Lợi nhuận trước thuế năm qua của ACB đạt 1.035 tỷ đồng, chỉ đạt 58% kế hoạch cả năm; trong đó, các công ty con đóng góp 167 tỷ đồng. ACB cho rằng, lợi nhuận giảm do các khoản thu nhập từ lãi giảm mạnh cùng với dự phòng rủi ro gia tăng. Dư nợ cho vay đến cuối năm 2013 đạt 107.200 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm 2013, song nợ xấu tăng nhanh khiến ACB đã phải trích lập dự phòng rủi ro lớn. Cụ thể, dự phòng rủi ro năm 2013 là 855 tỷ đồng, trong khi 2012 chỉ là 521 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền ủy thác gửi vào VietinBank thông qua Huỳnh Thị Huyền Như khó có khả năng thu hồi, ông Toàn cho biết, ACB đã trích lập được 50%. Đồng thời, các khoản thu nhập từ lãi giảm 2.458 tỷ đồng do lãi suất cho vay liên tục giảm theo thị trường và việc kinh doanh vốn trên thị trường liên ngân hàng không thuận lợi. Vì thế, lợi nhuận còn lại sau dự phòng của ACB chỉ còn hơn 665 tỷ đồng.
Dù cổ đông bày tỏ quan ngại với nợ xấu, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nhóm có khả năng mất vốn) tăng mạnh, song lãnh đạo ACB cho rằng, nợ xấu ACB vẫn thấp hơn so với mức quy định an toàn của ngành là 3%. Trong năm qua, ACB đã bán được 423 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, thu về 318 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trong quý I/2014, ACB bán thêm 80 tỷ đồng nợ xấu, đồng thời tăng cường trích lập dự phòng ngay từ đầu năm, thay vì để đến quý IV hàng năm. Theo ông Toàn, đó cũng là lý do lợi nhuận trước thuế trong quý I/2014 chỉ có 303 tỷ đồng. Nhưng với con số lợi nhuận này, ACB tin tưởng sẽ đạt được kế hoạch hơn 1.100 tỷ đồng lợi nhuận đề ra cả năm.
2-3 năm nữa, mới đáp ứng được kỳ vọng cổ tức
Nợ xấu ăn mòn lợi nhuận, nên cổ tức năm 2013 của ACB sụt giảm mạnh (7%) và không ít cổ đông bức xúc cho rằng, cổ tức cuả ACB còn thấp hơn cả lãi suất tiết kiệm.
Trước ý kiến của cổ đông, ông Trần Hùng Huy, Chủ tịch HĐQT ACB thừa nhận, lợi nhuận năm 2013 của Ngân hàng còn khiêm tốn, chưa đáp ứng kỳ vọng ngắn hạn của cổ đông (đạt 1.035 tỷ đồng so với kế hoạch 1.800 tỷ đồng), nhưng điều này đã phản ánh quyết tâm của ACB trong việc lành mạnh hoá cơ cấu tài chính, tập trung vào hoạt động cốt lõi, tiếp cận trực diện và chủ động với rủi ro thông qua việc trích lập dự phòng, thấu đáo trong việc xử lý các vấn đề tồn đọng của quá khứ và cam kết tuyệt đối với nguyên tắc phát triển minh bạch. Kết quả quan trọng của việc tái cấu trúc ACB kể từ sự cố 2012 là tỷ lệ an toàn vốn đến cuối năm 2013 là 14,66%, cao hơn mức pháp định 9%. Bảng cân đối kế toán của ACB đã lành mạnh hơn, tài sản đã tinh giản hơn, nhưng lợi nhuận trước thuế năm 2013 vẫn ở mức tương đương năm 2012. Điều này chứng tỏ hoạt động kinh doanh của ACB hiệu quả hơn, có cơ sở cho sự phát triển vững vàng trong tương lai.
“Trong lịch sử 20 năm phát triển, ACB luôn đạt kết quả kinh doanh cao, nên phần lợi tức chia cho cổ đông cũng ở mức cao. Tuy nhiên, các sự cố xảy ra những năm vừa rồi đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của Ngân hàng. Nhưng với chiến lược phát triển mới, hy vọng trong 2 - 3 năm nữa, ACB sẽ đáp ứng được kỳ vọng của các cổ đông”, ông Huy nói.
Trước câu hỏi của cổ đông về hiện trạng các khoản đầu tư vào các ngân hàng khác, HĐQT ACB cho biết, trước đây, khi thị trường tăng trưởng và có nhiều cơ hội, ACB đã đầu tư vào một số ngân hàng, nhưng đến thời điểm này, ACB đã tất toán 90% các khoản vốn đầu tư và sẽ thoái nốt phần còn lại khi điều kiện thị trường thuận lợi. Trong 2 năm qua, thông qua ACBS, ACB đã tiến hành thoái phần vốn đầu tư vào Eximbank, DaiA Bank, KienLong Bank và hiện còn lại một khoản vốn tại VietBank, với tỷ lệ sở hữu khoảng 5%. Trong khi đó, tại ACB, cổ đông chiến lược nước ngoài Standard Chartered Bank cho biết, sẽ tiếp tục cam kết đầu tư lâu dài vào Ngân hàng.
Trước làn sóng M&A trong lĩnh vực ngân hàng đang diễn ra khá mạnh mẽ, không ít cổ đông ACB thắc mắc về việc liệu Ngân hàng có sáp nhập thêm một ngân hàng khác hay sẽ hợp nhất vào ngân hàng bạn như đồn đoán trước đây, ông Trần Hùng Huy khẳng định, ACB chưa có nhu cầu tăng vốn và cũng không có kế hoạch sáp nhập, hợp nhất thêm một ngân hàng khác.
Ông Huy cho biết, có thể đến quý II/2015, ACB mới có nhu cầu tăng vốn điều lệ so với mức hiện nay. Tính đến cuối năm 2013, tổng tài sản của ACB đạt 166.600 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cuối 2012. Theo ACB, điều này là do Ngân hàng thu hẹp hoạt động liên ngân hàng. Kế hoạch năm 2014, ACB sẽ nâng tổng tài sản lên 190.000 tỷ đồng, tiền gửi và tín dụng cùng tăng trưởng 13%, nợ xấu dưới 3% và lợi nhuận trước thuế 1.189 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vẫn có không ít cổ đông đã bày tỏ lo ngại trước tình trạng tổng tài sản của Ngân hàng liên tục sụt giảm trong 2 năm gần đây. Để trấn an cổ đông về vấn đề này, ông Huy lý giải, mặc dù tổng tài sản có giảm, nhưng qua đó phần nào cho thấy, điểm tích cực của ACB trong hoạt động trên thị trường liên ngân hàng.
“Mục tiêu của ACB trong 5 năm tới là vươn lên vị thế ngân hàng hàng đầu, xác lập trên 5 lĩnh vực, trong 3 năm tới là ngân hàng có cấu trúc hoạt động hiệu quả vượt trội. Trong ngắn hạn, Ngân hàng đặt mục tiêu hoạt động có quy tắc, tăng trưởng bền vững, lợi nhuận ở mức hợp lý”, ông Huy cho biết.