Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và vốn chủ sở hữu (ROE) của ACB lần lượt cải thiện từ mức 1,7% và 22,9% lên 2,1% và 25,7%.
Tính đến 30/9, tổng tài sản của ngân hàng mẹ là 475.505 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt 330.743 tỷ đồng. Số dư tiền gửi khách hàng đạt 366.206 tỷ đồng.
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng cho vay và huy động của ACB có sự sụt giảm đáng kể. Cụ thể, tăng trưởng tiền gửi của ACB trong 9 tháng đầu năm nay chỉ đạt 3,6% so đầu năm; tăng trưởng tín dụng khả quan hơn khi đạt 7,5%, nhỉnh hơn mức 7,2% của toàn hệ thống.
Nhưng điểm tích cực khác đó là tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của ACB đã tăng từ mức 19,5% hồi đầu năm nay lên mức 23,2% đến cuối tháng 9/2021.
Qua đó giúp cải thiện biên lãi ròng (NIM). NIM của ACB trong 3 quý đầu năm 2021 đạt mức 4,1%, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Về chất lượng cho vay, số dư nợ xấu của ngân hàng mẹ tại thời điểm cuối tháng 9/2021 là 2.792 tỷ đồng, tăng 52% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tương đương tăng từ 0,6% lên 0,8%, nhưng vẫn ở mức thấp so với toàn ngành.
ACB đã trích trước hơn 2.000 tỷ đồng để dự phòng cho các khoản nợ xấu tái cơ cấu cho khách hàng ảnh hưởng dịch Covid-19. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu được đẩy mạnh lên mức 195%.
Trước đó, SSI Research cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý III của ACB tăng trưởng 13 - 15% so với quý III/2020. Tín dụng tăng trưởng chậm lại, ở mức 7 - 8% so với đầu năm nay hoặc 12% so với cùng kỳ năm trước và mặc dù NIM dự kiến giảm so với quý trước, nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Kết phiên ngày 15/10, giá cổ phiếu ACB đạt mức 32.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 2,5% trong một tuần qua.