ACB chốt quyền họp đại hội cổ đông 2022

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngân hàng ACB (HoSE: ACB) thông báo 4/3 là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền tham dự đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2022.
ACB chốt quyền họp đại hội cổ đông 2022

ĐHCĐ ACB năm nay sẽ được tổ chức vào ngày 7/4 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, 88 Đồng Khởi, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP HCM.

Theo đó, Ngân hàng sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn, phát hành cổ phiếu và một số tờ trình khác.

Cụ thể, Hội đồng quản trị (HĐQT) ACB báo cáo của ban quản trị, ban kiểm soát, phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, kế hoạch lợi nhuận 2022, tờ trình về phương án tăng vốn điều lệ bằng cổ phiếu, phương án phát hành, đăng ký bổ sung và niêm yết bổ sung cổ phiếu…

Năm 2021, ACB trả cổ tức 2020 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu, tăng vốn lên 27.019 tỷ đồng.

Theo thông tin từ lãnh đạo cấp cao của ACB, HĐQT Ngân hàng dự kiến mức cổ tức 2021 chi trả cho cổ đông cũng sẽ không thấp hơn tỷ lệ trên và cũng chỉ bằng cổ phiếu theo yêu cầu của NHNN.

Trên cương vị mới, ông Từ Tiến Phát, tân Tổng giám đốc ACB chia sẻ, ông sẽ cùng đội ngũ lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng tiếp tục thực thi để hoàn thành nhiệm vụ chiến lược đến năm 2025 đã được Hội đồng quản trị phê duyệt.

ACB vừa trải qua 2 năm kinh doanh dưới tác động mạnh của đại dịch Covid-19, nhưng nhà băng này vẫn duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận tốt: năm 2019 tăng 18%, năm 2020 tăng 28%.

Năm 2021 ghi nhận mốc cao mới với lợi nhuận trước thuế gần 12.000 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2020. ROE năm 2021 đạt 24%, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,7%.

Năm 2022, mảng dịch vụ được kỳ vọng sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao, nhất là khi ACB đã ký kết hợp đồng bán chéo bảo hiểm độc quyền. Thậm chí, thu nhập phí của ACB được kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng trong năm 2022, tăng 27% so với năm 2021.

Trong đó, doanh thu từ bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong 2022 và những năm sau.

Khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt cùng các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác độc quyền 15 năm với Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam.

Giai đoạn 2021 - 2022, Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận của ACB sẽ tăng trưởng tốc độ kép lên đến 20,8%/năm với lực đẩy mạnh mẽ từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước từ thương vụ bancassurance độc quyền.

Yuanta Việt Nam đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước trong giai đoạn này, theo đó, thu nhập ngoài lãi của ACB sẽ tăng 28,4% lên 5.893 tỷ đồng năm 2021 và tăng 16,6% lên 6.559 tỷ đồng năm 2022.

Do đó, đóng góp từ thu nhập ngoài lãi sẽ tăng lên mức 27,5% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2022. ACB dự kiến tăng trưởng lợi nhuận trên dưới 25% năm nay.

Tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản ACB ở mức 527.770 tỷ đồng, tăng 18,7% so với năm 2020. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 16,2% lên 361.912 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu chỉ từ 0,6% lên 0,78% cuối năm 2021.

Tiền gửi khách hàng tăng 7,6% lên 379.920 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 87.534 tỷ đồng, tăng 27%, chiếm 23% cơ cấu. Phát hành giấy tờ có giá tăng 39%, lên 30.547 tỷ đồng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục