ACB Cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Là một trong những ngân hàng tư nhân tốp đầu, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tăng trưởng ấn tượng trong năm qua. Bước sang năm 2024, ACB đặt mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng và phát triển.
Năm 2023, số lượng khách hàng tại ACB tăng thêm 28% so với năm 2022 Năm 2023, số lượng khách hàng tại ACB tăng thêm 28% so với năm 2022

Tăng trưởng vững chắc

Năm 2023, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt hơn 20.000 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch năm, tăng trưởng 17,3% so với năm 2022. Tăng trưởng lợi nhuận của ACB chủ yếu đến từ thu nhập ngoài lãi tăng 48% so với cùng kỳ. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập ngoài lãi vào doanh thu là 24%, nhờ vậy, áp lực lên mảng thu nhập từ lãi giảm. Trong đó, dịch vụ mua bán ngoại tệ và hoạt động đầu tư đóng góp lớn vào tăng trưởng thu nhập của ACB. Tỷ lệ ROE ở mức gần 25%, tiếp tục là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả đầu ngành.

Tính đến cuối năm 2023, quy mô tín dụng của ACB đạt gần 488.000 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm, cao hơn mức 13,7% bình quân ngành. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ chính sách cho vay linh hoạt với tình hình thị trường, bên cạnh nhiều chương trình ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, trong đó có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi giảm đến 3%/năm để cùng khách hàng vượt qua khó khăn. ACB cũng triển khai hỗ trợ kịp thời theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước thông qua Gói hỗ trợ lãi suất 2% với tổng doanh số giải ngân gần 1.900 tỷ đồng; cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 với tổng dư nợ 2.200 tỷ đồng.

Quy mô huy động năm 2023 của ACB đạt gần 483.000 tỷ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng toàn ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA tăng trưởng mạnh mẽ và về đích với mức 22%, đứng Top 5 về tỷ lệ CASA toàn ngành. Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, nợ xấu của Ngân hàng tăng lên mức 1,21% trong năm 2023, tuy nhiên ACB vẫn là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất thị trường. ACB cũng là ngân hàng đầu tiên hoàn thành hệ thống quản lý rủi ro liên quan đến lãi suất và thị trường tài chính theo chuẩn mực quốc tế và theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư 13/2018/TT-NHNN.

ACB đã hoàn thành phần lớn các nội dung có tính phức tạp cao trong yêu cầu về quản trị IRRBB theo Basel III. Đồng thời, đặt mục tiêu liên tục cải tiến để duy trì vị thế ngân hàng có mô hình quản lý rủi ro tốt nhất trên thị trường. Tới cuối năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ theo Basel II vượt xa mức quy định tối thiểu, ở mức 12,1%.

ACB tuân thủ các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Cụ thể, tỷ lệ LDR đạt mức 78% (dưới mức 85% so với quy định), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 17% (thấp hơn nhiều so với mức quy định 30%). Không chỉ hoàn thành kế hoạch kinh doanh hiệu quả và an toàn, ACB cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm tối ưu chi phí. Năm 2023, ghi nhận chi phí hoạt động giảm 6,3% so với 2022, nhờ đó tỷ lệ CIR được cải thiện còn 33%, giảm so với mức 40% vào cuối năm 2022.

Đồng thời, ACB tiếp tục đầu tư mạnh mẽ cho hoạt động chuyển đổi số. Khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số theo đúng định hướng xã hội không tiền mặt của Chính phủ. Có thể kể đến ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE, hệ thống Ngân hàng tự động ACB Lite, các giải pháp thanh toán cho doanh nghiệp như ACB One Connect, website được nâng cấp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), là một trong số ít ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán liên kết với Apple Pay tại Việt Nam...

Năm 2023, số lượng khách hàng tại ACB tăng thêm 28% so với năm 2022, trong đó 63% khách hàng mới đến từ kênh trực tuyến. ACB cũng được Visa trao 9 giải thưởng ghi nhận những nỗ lực vượt bậc và thành tích kinh doanh thẻ xuất sắc trong năm qua.

Những thành công trong năm 2023 là kết quả do ACB thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ, sáng tạo và trẻ hóa hình ảnh thương hiệu, cũng như dẫn đầu nhiều xu hướng dịch vụ tài chính trên thị trường, trong khi vẫn liên tục nâng cao năng lực quản trị rủi ro hoạt động. Năm 2024, ACB sẽ tiếp tục chuyển đổi toàn diện hướng đến mục tiêu là một trong những ngân hàng hoạt động minh bạch, hiệu quả hàng đầu Việt Nam.

Giữ vị thế về thị phần và khả năng sinh lời

Nợ xấu là thách thức lớn của cả ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng. Nợ xấu ACB cũng có sự tăng nhẹ trong quý I, song mức độ tăng đã giảm dần và đang sát vùng đỉnh. Chúng tôi có công cụ để có thể kiểm soát được ở mức 1,2-1,3%.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng giám đốc ACB

ACB đã trình cổ đông thông qua mục tiêu kinh doanh năm 2024 với lợi nhuận 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023; tổng tài sản đến cuối năm 2024 tăng 12%; tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 11% đạt 593.779 tỷ đồng; tăng trưởng cho vay khách hàng là 14%, đạt 555.866 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 2%, con số này cuối năm 2023 là 1,21%; ROE trên 20%.

ACB nhận định, năm 2024 nền kinh tế trong nước vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức khi cầu thế giới chưa phục hồi mạnh. Tuy nhiên, với các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn trên nhiều thị trường như bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp..., kinh tế năm 2024 có thể phục hồi tốt và ACB kỳ vọng khả năng sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, cũng như nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của các hộ gia đình.

Trong quý I/2024, ACB tiếp tục nằm trong top đầu nhóm ngân hàng tư nhân có mức tăng trưởng quy mô vượt xa bình quân toàn ngành. Cụ thể, tín dụng quý I/2024 đạt 506.000 tỷ đồng, huy động đạt gần 493.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 3,8% và 2,1% so với đầu năm, cao hơn mức tăng trưởng của ngành. Trong đó, tỷ lệ CASA ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng với 23,7%.

Bên cạnh đó, tăng trưởng tốt từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi, thu nhập lãi và thu nhập từ hoạt động dịch vụ, đưa tổng thu nhập ACB đạt gần 8.200 tỷ đồng, tăng trưởng 3,1%. Tỷ lệ ROE ở mức 23,4%, tiếp tục dẫn đầu thị trường về mức độ hiệu quả.

Trong quý I/2024, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng đạt 4.900 tỷ đồng, hoàn thành 22% kế hoạch năm, giảm nhẹ so với cùng kỳ, do cùng kỳ năm 2023 có khoản thu nhập bất thường và tăng trích lập dự phòng nợ vay. Hiện tỷ lệ nợ xấu của ACB vẫn được kiểm soát ở mức 1,45%. Nếu không gồm tác động của nhóm nợ theo CIC thì tỷ lệ nợ xấu của ACB chỉ ở mức 1,3%.

Trong báo cáo quý I/2024, ACB ghi nhận điểm sáng nổi bật từ Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) với mức tăng trưởng ấn tượng khi đạt 216 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 122% so cùng kỳ. ACBS cũng đã tăng vốn lên 7.000 tỷ đồng, thuộc Top 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam, thể hiện cam kết lâu dài của Tập đoàn ACB trong việc tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào những mảng kinh doanh hiệu quả.

Cũng trong quý I/2024, ACB cho ra mắt gói tín dụng xanh/xã hội với hạn mức 2.000 tỷ đồng, lãi suất chỉ từ 6%/năm, ưu đãi lên đến 24 tháng và được miễn/giảm phí trả nợ trước hạn. Tính đến hết quý I/2024, ACB đã giải ngân 36% gói tín dụng xanh/xã hội, tương đương 714 tỷ đồng.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết, với kết quả khả quan của quý I/2024, việc hoàn thành kế hoạch cả năm là khả thi. Về tăng trưởng tín dụng, theo lộ trình có thể vượt qua mức kế hoạch 14%, nhưng vẫn theo sát mức do Ngân hàng Nhà nước cấp cho Ngân hàng.

“Nợ xấu là thách thức lớn của cả ngành ngân hàng nói chung và ACB nói riêng. Nợ xấu ACB cũng có sự tăng nhẹ trong quý I, song mức độ tăng đã giảm dần và đang sát vùng đỉnh. Chúng tôi có công cụ để có thể kiểm soát được ở mức 1,2-1,3%”, ông Phát nói.

Chiến lược của ACB trong giai đoạn tới tiếp tục tập trung vào lĩnh vực bán lẻ, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) - vốn là thế mạnh đang dẫn đầu thị trường, đồng thời sẽ phát triển những doanh nghiệp lớn đầu ngành, có hệ sinh thái phù hợp để giúp phát triển khách hàng cá nhân và SME một cách hiệu quả hơn; tiếp tục duy trì vị thế Top 3 ngân hàng bán lẻ lớn nhất Việt Nam.

Thùy Thanh
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục