ACB: 9 tháng đầu năm đạt 15.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế

(ĐTCK) Kết thúc 9 tháng hoạt động đầu năm 2024, tín dụng Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB - sàn HOSE) tăng cao gấp 1,5 lần bình quân ngành, lợi nhuận trước thuế đạt 15.300 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ.

Cụ thể, tính đến 30/9, tín dụng của ACB đạt 555 nghìn tỷ đồng, huy động đạt 512 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 13,8% và 6,1% so với đầu năm. Đáng chú ý là mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 1,5 lần so với bình quân ngành và là mức tăng ròng cao nhất trong 10 năm qua. Điều này cho thấy ACB tiếp tục giữ vững ưu thế trong mảng bán lẻ và thực hiện chiến lược tăng trưởng cân bằng giữa cá nhân và doanh nghiệp khá tốt khi ghi nhận lũy kế tín dụng mảng doanh nghiệp trong 9 tháng qua có tốc độ hơn 15%.

Về CASA, ACB đã đẩy mạnh các giải pháp thu hút tiền gửi thông qua gia tăng tiện ích cho khách hàng như triển khai chiến dịch Đồng minh thông thái - cung cấp giải pháp, tiện ích quản lý cửa hàng cho các hộ kinh doanh; nâng cấp các dịch vụ tài chính cao cấp dành cho nhóm Khách hàng ưu tiên. Nhờ đó, huy động không kỳ hạn của ACB đạt 114 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục là một trong những ngân hàng bán lẻ có tỷ lệ CASA cao nhất thị trường ở mức 22,2%.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế của ACB trong 9 tháng đầu năm đạt 15,3 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả. Nếu xét trong giai đoạn 2019 -2023, ACB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng kép cao nhất ngành (khoảng 28%/năm) và duy trì tăng trưởng cao ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn. Tỷ lệ nợ xấu quý III/2024 của ACB ở mức 1,49%, thuộc nhóm những ngân hàng có nợ xấu thấp nhất thị trường. Chi phí trích lập dự phòng quý III/2024 thấp hơn mức trích bình quân trong 2 quý đầu năm.

Các quy định về tỷ lệ an toàn thanh khoản theo quy định của NHNN được ACB tuân thủ nghiêm ngặt với tỷ lệ LDR là 82,4%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn chiếm 20,7%. Tỷ lệ an toàn vốn (riêng lẻ) tới cuối quý III/2024 ở mức 11,3%, vượt xa so với mức quy định của NHNN.

Bên cạnh đó, ACB đã nỗ lực kiểm soát tốt và tối ưu chi phí hoạt động ở mức 8,2 nghìn tỷ, tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ CIR được duy trì ở mức thấp 32,7%. ROE của ACB vẫn duy trì ở mức cao 22,2%, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu ngành.

Các sản phẩm, dịch vụ Ngân hàng số ACB ONE được đẩy mạnh, tính đến cuối quý III/2024, doanh số giao dịch và số lượng giao dịch online tăng mạnh mẽ, lần lượt tăng 32% và 57% so với năm 2023. Trong quý III, ACB đã nâng hạn mức gói tín dụng xanh/xã hội từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất từ 6%/năm, ưu đãi đến 24 tháng.

Tính đến hết tháng 9/2024, ACB đã giải ngân 73% gói tín dụng xanh/xã hội, chiếm 2,9 nghìn tỷ đồng. Trước đó, ACB đã công bố Khung Tài chính Bền vững tạo nên các tiêu chuẩn cho hoạt động trong lĩnh vực tài chính xanh. Hiện ACB dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các SMEs, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Gói tín dụng này có thể tăng lên 10.000 tỷ đồng hoặc 20.000 tỷ đồng nếu doanh nghiệp có nhu cầu về vốn tín dụng xanh để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.

Riêng về ACBS, trong quý III/2024 tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh tốt với lợi nhuận trước thuế tăng trưởng hơn 44% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế tăng 67% nhờ tăng trưởng thu nhập từ các hoạt động kinh doanh chính của ACBS, gồm: thu nhập lãi cho vay margin tăng gấp 3 lần, thu từ hoạt động tự doanh tăng 44% và thu từ hoạt động môi giới tăng 14% so với cùng kỳ với thị phần đạt 2,68%, tăng 0,24%.

Thùy Thanh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục