Chúng tôi không hề có “tham vọng” dự đoán về một loại rủi ro hệ thống đang tồn tại và những điều “quá to tát” liên quan đến ảnh hưởng của Brexit trên bình diện kinh tế toàn cầu thời gian tới. Dẫu vậy ở góc độ hẹp hơn, đối với TTCK Việt Nam, sẽ là “thiếu sót” nếu không có những đánh giá liên quan đến vấn đề này.
Cần một lần nữa nhất mạnh vấn đề Brexit thật sự nên được xem xét như một dạng “rủi ro hệ thống” và do đó dù cố gắng hết sức đưa ra những lời khuyên, vấn đề đúng sai sẽ là “rất mỏng manh” nếu những biến cố xuất hiện mạnh hơn trên bình diện toàn cầu, đó đơn giản là điều “không thể kiểm soát” (ít ra là với những hiểu biết của chúng tôi).
Các điểm cần cương quyết thực hiện dừng lỗ là khi VN-Index đóng cửa mất mốc 600 hoặc khi HNX-Index đóng cửa mất mốc 82 đểm.
Về tác động trực tiếp, như báo cáo trước đó, Công ty Chứng khoán Maybank Kimeng (MBKE) cho rằng Brexit và tác động trực tiếp đến Việt Nam là không quá lớn. Một trong những tác động trực tiếp đáng ngại nhất, theo chúng tôi chính là khả năng chậm trễ hơn của Hiệp Định Thương Mại FTA giữa EU và Việt Nam (EVFTA).
Cần nhắc lại Hiệp định thương mại này, với rất nhiều thỏa thuận phức tạp, đã được ký kết vào tháng 12/2015 với toàn bộ văn kiện được công bố rộng rãi từ đầu tháng 1 năm nay.
Nhưng còn tác động gián tiếp, từ Brexit lại thật sự là có thể tạo ra những rủi ro rất cần phải dè chừng ít nhất là trong ngắn hạn.
Rủi ro biến động tỷ giá toàn cầu
Dù có nhiều cách diễn giải, thực tế thì tỷ giá toàn cầu đã có những biến động rất mạnh từ lúc Brexit thành sự thật. Diễn biến chung là USD đã mạnh lên rõ rệt với hầu hết các tiền tệ khác trên thế giới khi phần đông hơn nhà đầu tư cho rằng EUR và GBP sẽ suy yếu mạnh.
Trong bối cảnh đó, lo ngại về sức ép lớn hơn dành cho việc điều chỉnh tỷ giá USD/VND ít nhiều có cơ sở.
Dù sức ép là có dựa trên các biến động tính đến hiện tại của thế giới như đã trình bày, chúng tôi duy trì quan điểm USD/VND sẽ bị chi phối bởi cán cân thương mại nhiều hơn (Việt Nam thặng dư 1,6 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm) cũng như sẽ được dẫn dắt bởi các yếu tố nội tại như chính sách điều hành tỷ giá mới với sự minh bạch theo tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI, cải thiện môi trường, vv...
Đánh giá: Với những biến động hiện nay của thế giới và NHNN dường như sẽ có những chính sách hỗ trợ tăng trưởng (nhằm đạt mục tiêu 6.7% GDP cả năm) cũng như tình trạng thâm hụt ngân sách lớn hơn dự báo, áp lực lên VND trong những tháng tới có thể sẽ tăng lên nhưng sẽ ít có khả năng là những diễn biến “sock”.
Cần lưu ý ít nhất từ đầu năm đến nay, VND đã tăng giá 0,9% so với USD.
Rủi ro tiếp tục suy giảm của chứng khoán toàn cầu
Ít nhất trong phiên 24/6, Thị trường chứng khoán toàn cầu đã cho thấy NĐT “thất vọng đến mức nào” với lựa chọn Brexit của người dân Anh. Sắc đỏ tràn ngập tất cả các thị trường dù là châu Á, châu Âu hay Hoa Kỳ.
Rất khó nói liệu phiên giảm mạnh ngày 24/6 đã phản ánh đầy đủ lo ngại của giới đầu tư liên quan đến vấn đề Brexit hay chưa và do đó rủi ro tiếp tục đi xuống của chứng khoán toàn cầu ít nhất trong ngắn hạn vẫn là điều chắc chắn cần cân nhắc.
Hãy khoan nói về khả năng đảo chiều của các dòng vốn ngoại thuộc các quỹ chủ động có giao dịch tại TTCK Việt Nam, chắc chắn sự “đỏ lửa” của chứng khoán toàn cầu sẽ có ảnh hưởng theo hướng tiêu cực đến các dòng vốn ngoại “thụ động” hoặc các dòng tiền nóng hoạt động tại Việt Nam.
Phiên 24/6 đã chứng kiến hai chứng chỉ quỹ ETF của Vaneck (-4,64%) và FTSE (-3,15%) đều có mức giảm mạnh hơn mức giảm của VN-Index (-1,82%).
Đánh giá: Cả hai quỹ ETF vừa nêu đã bắt đầu trở lại trạng thái “chiết khấu” (discount) và điều này dẫn đến đe dọa các quỹ ETF có thể bán bớt chứng khoán tại Việt Nam để thực hiện cân bằng. Ngoài ra thị một “dòng vốn nóng” đang được nhắc đến nhiều trong vài tháng gần đây “P-Notes” cũng có rủi ro đảo chiều hoạt động nếu tình hình chứng khoán toàn cầu tiếp tục diễn biến xấu hơn.
Và những hành động phù hợp
Phiên 24/6 đối với TTCK Việt Nam cũng là một ngày của “rất nhiều những kỷ lục” được thiết lập trên thị trường từ trước đến nay. Tác động tiêu cực (ít ra là trong ngắn hạn) của Brexit đến hiện tại có lẽ không còn là vấn đề cần bàn cãi, dẫu vậy chúng tôi cũng đồng thời nhận thấy có những biểu hiện của sự hoảng loạn thật sự trong một thời khắc nhất định trong phiên ngày 24/6.
Và như câu nói kinh điển của bậc thầy đầu tư Warren Buffett: “Hãy tham lam khi người khác sợ hãi”, vấn đề lớn nhất chúng tôi muốn tìm hiểu đó là liệu sự sợ hãi có thật sự đã đủ lớn để chúng ta tham lam? Hay chí ít đã “gần đến” mức để chúng ta tham lam?
Trước tiên, hãy nhìn lại phiên 24/6
Sau nửa đầu buổi sáng có phần “chần chừ” theo kết quả “tạm thời” của Brexit, đà giảm của chứng khoán Việt Nam đã thật sự nới rộng rất nhanh theo từng % tăng thêm của “phe ủng hộ rời bỏ” tại Anh.
Sau giờ nghỉ trưa và cũng là lúc Brexit có kết quả chính thức, nửa tiếng mở đầu của phiên chiều theo chúng tôi khá xứng đáng với cụm từ “hoảng loạn” khi thị trường có “cú rơi tự do” trong khoảng thời gian này. Những biểu hiện cho sự hoảng loạn có thể thấy được khi bất chấp mã cổ phiếu đó là gì, có lẽ 90% số mã đều đã có những lúc chạm giá sàn (hoặc ít nhất là lộ sàn). VN-Index lúc “đỉnh điểm” nhất đã mất gần 35 điểm, cần lưu ý ngay cả ở những thời điểm “hoảng loạn nhất” tại sự kiện “sát sườn” hơn nhiều như vấn đề Biển Đông năm 2014, mức biến động cũng chỉ là 34 điểm (phiên 5/8/2014) và sau đó một vài phiên thì VN-Index tăng trở lại….bền vững trong bốn tháng.
Thanh khoản cũng là điều cần phản bàn. Bỏ qua giao dịch thỏa thuận (vốn rất dễ bị nhiễu) thì giá trị khớp lệnh phiên 24/6 cũng tạo ra “kỷ lục” cao nhất từ trước đến nay. Sẽ là “thảm họa” nếu mức giá đóng cửa cũng đồng thời cho thấy sự thắng thế hoàn toàn của bên bán. Dù vậy điều ngược lại đã xảy ra khi thị trường có sự hồi phục rất đáng kể từ sau 1h30 phút chiều, lấy lại gần 2/3 điểm số bị mất trong phiên. Trong bối cảnh tồn tại lực cầu tiềm năng rất lớn (và rất chủ động) tại vùng giá thấp, việc thanh khoản có mức cao kỷ lục được chúng tôi nhìn nhận rất đáng chú ý và “không tiêu cực”.
Đánh giá: Thật khó để chỉ với những gì đã xảy ra trong phiên 24/6 mà thực hiện kết luận sự hoảng loạn đã ở mức đủ cao để chúng ta được phép tham lam. Dẫu vậy một vài con số liên quan đến mức biến động của giá và thanh khoản (như đã đề cập) “nhắc” chúng ta nhớ lại một vài bức tranh “gần giống” đã xảy ra trong một vài năm gần đây của thị trường, và kết quả khi nhìn lại những bức tranh ấy ủng hộ cho việc kích hoạt “sự tham lam”.
Và góc nhìn kỹ thuật dành cho thị trường.
Có một điểm rất cần lưu tâm, xét ở một góc nhìn lớn hơn, xu hướng chủ đạo của hai chỉ số vẫn đang là tăng và rủi ro dù tồn tại (và đang tăng cao hơn) vẫn chưa khiến tạo ra các vi phạm lớn để phủ nhận xu hướng tăng hiện nay của thị trường. Dẫu vậy, sự kiện Brexit lần này thật sự sẽ là kỳ kiểm tra rất khắc nghiệt dành cho xu hướng tăng của hai chỉ số trong một vài phiên tới.
Với VN-Index, đánh giá về xu hướng tăng đã được chúng tôi duy trì suốt từ giai đoạn sau Tết đến hiện tại. Phiên 24/6 đã khiến giá thấp nhất ngày như “nhát kiếm” đâm xuyên cả khu vực hỗ trợ rất quan trọng – vùng quanh 600. Dẫu vậy sự tồn tại của “nhát kiếm” này không lâu, chỉ chưa đầy 15 phút khi mà sự vi phạm xảy ra và cần nhìn nhận lực cầu sau đó đã ra quân rất quyết liệt để giúp VN-Index lấy lại gần 2/3 điểm số bị mất và tiếp tục duy trì vùng “phù hợp” với nhìn nhận xu hướng tăng tính đến hiện tại.
Mấu chốt vấn đề hiện giờ phụ thuộc vào cách di chuyển của đường giá trong các phiên tuần sau. Nếu sự suy giảm (có thể vẫn còn) không khiến giá đóng cửa vi phạm vùng hỗ trợ quan trong quanh 600 điểm, hoặc tốt hơn là “neo” thành công trong vùng kênh giá tăng (cao hơn 610 điểm), tình hình sẽ được đánh giá tiếp tục khả quan và xu hướng tăng sau đó nhiều khả năng sẽ vẫn duy trì hiệu lực.
Đây chắc chắn là kỳ kiểm tra rất khốc liệt dành cho VN-Index.
Tình hình khá tương đồng khi nói về HNX-Index. Cũng là một phiên với giá thấp nhất ngày tạo ra vi phạm nhưng giá đóng cửa thành công quay trở lại trong vùng hiệu lực của xu hướng tăng.
Khu vực hỗ trợ quan trọng của HNX-Index quanh vùng 82 điểm, và nếu các phiên “rung chấn” tiếp theo trong tuần sau không tạo ra các vi phạm dưới khu vực này, xu hướng tăng sẽ vẫn duy trì hiệu lực tại HNX-Index.
Chiến lược đề xuất
Có cơ sở cho “sự tham lam”. Dựa trên các đánh giá đã nêu, chúng tôi cho rằng NĐT có thể “tham lam” trong những rung lắc đầu tuần sau của thị trường. Dẫu vậy “sự tham lam” này nên có “điểm dừng kiên quyết” tại các vùng phản ánh sự thất bại của thị trường. Cụ thể các điểm cần cương quyết thực hiện dừng lỗ là khi VN-Index đóng cửa mất mốc 600 hoặc khi HNX-Index đóng cửa mất mốc 82 đểm.
Hãy “né” các cổ phiếu quá “mẫn cảm” với khối ngoại. Dù có thể không kéo dài, sức ép bán ròng của khối ngoại là điều rất nên tính đến, khi ít nhất các dòng tiền thụ động (ETFs) hoặc các dòng tiền nóng (P-notes) nhiều khả năng sẽ có hoạt động tiêu cực trong một vài ngày tới.
Và “né” cả những cổ phiếu đầu cơ nóng. Đây rõ ràng không phải là thời điểm dòng tiền có thể sử dụng phung phí, và do đó sự ưu tiên chắc chắn sẽ không dành cho những cổ phiếu mang hơi hướng đầu cơ quá mức trên thị trường. Ngoài ra với mức độ rủi ro thị trường cao như hiện nay, việc tham gia vào nhóm “đầu cơ nóng” (vốn luôn được hiểu có mức rủi ro cao) là điều không phù hợp.
Hãy bám vào “sợi dây đầu tư giá trị”. Khi sự hoảng loạn kéo đến, cũng là lúc mà NĐT rất dễ “quăng bỏ” cả những thứ rất không nên buông bỏ, điều này sẽ tạo ra “cơ hội vàng” để tích lũy những “cổ phiếu giá trị” có nền tảng vững chắc, tăng trưởng mạnh và nhờ vào sự hoảng loạn lại xuất hiện những “vùng giá thấp” mà trước đó chỉ là mơ ước.
Nhưng trên hết vẫn là sự kỷ luật và sát sao với diễn biến mới của rủi ro hệ thống. Giao dịch trong những lúc biến động mạnh như hiện nay luôn luôn không phải là điều dễ dàng và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Một lần nữa chúng tôi nhấn mạnh yếu tố kỷ luật trong giai đoạn này, hãy mạnh dạn cutloss khi các chỉ số xâm phạm những yếu tố như đã nêu trên và hãy luôn nhớ rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của một nhà đầu tư là “giữ tài sản trước khi nghĩ đến chuyện kiếm thêm lợi nhuận”, sẽ là rất tồi tệ nếu bạn đưa mình vào một vị thế quá mức bị động trong