Báo cáo mới nhất của ABS cho biết, thị trường trải qua quá trình điều chỉnh từ đầu tháng 4 với biên độ tiêu chuẩn 120 điểm về mốc 1.166 điểm. Sự điều chỉnh diễn ra ở hầu hết các nhóm cổ phiếu với mức giảm giá trung bình xấp xỉ 15%. Nhịp điều chỉnh diễn ra nhanh chóng về mốc đường trung bình trượt MA200 ngày, sau đó diễn ra quá trình thị trường hồi phục 3,7% từ mức đáy đến cuối tháng.
Yếu tố phân hóa khá rõ trong nhịp hồi phục này, với sự dẫn dắt chủ yếu của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các cổ phiếu có triển vọng kết quả kinh doanh vượt trội. Điểm trừ là thị trường hồi phục với thanh khoản thấp, trung bình dưới 17.000 tỷ đồng/phiên.
Xu hướng trung hạn: VN-Index phục hồi tiệm cận MA10 tuần với khối lượng giao dịch thấp hơn trung bình. Do đó, đà hồi phục chưa bền vững trong xu hướng trung hạn.
Xu hướng ngắn hạn: VN-Index đã điều chỉnh với biên độ rộng 120 điểm, sau đó hồi phục đóng cửa tháng 4 trên MA10 ngày. Thị trường cần có sự cải thiện tích cực hơn của khối lượng giao dịch mới có thể đánh giá về yếu tố đồng pha giữa xu hướng ngắn hạn và trung hạn của thị trường.
|
2 kịch bản thị trường tháng 5:
Kịch bản 1 - xác suất thấp: Trong kịch bản tích cực, trong ngắn hạn, thị trường chung tiếp tục đà hồi phục với khối lượng giao dịch cải thiện dần. Chỉ số tiếp tục hồi phục lên tới vùng Kháng cự 2 và Kháng cự 3 với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và nhóm cổ phiếu giữ đà tăng trưởng trong 3 tuần vừa qua. Dấu hiệu xác nhận cho kịch bản này là khi kết thúc tuần giao dịch thứ 2 của tháng 4, VN-Index nằm trên MA10 tuần (khoảng 1.246 điểm).
Ngược lại, nếu giá tiếp tục tăng tới vùng kháng cự nhưng không có sự đồng thuận của khối lượng, động lượng tăng giá sẽ không bền vững và thị trường tiềm ẩn rủi ro xuất hiện yếu tố phân kỳ dẫn đến pha điều chỉnh tiếp theo. Do đó, nhà đầu tư cần quan tâm chặt chẽ các vị thế giao dịch ngắn hạn khi thị trường đi vào vùng kháng cự đề xuất ở trên.
Kịch bản 2 - xác suất cao: Quá trình hồi phục kỹ thuật diễn ra không có sự đồng pha trên các khung giao dịch và chưa có sự đồng thuận của giá tăng kèm theo khối lượng giao dịch cải thiện tích cực. Hiện tại, chỉ số VN-Index đang tiệm cận đường MA10 tuần là kháng cự mạnh, nên tiềm ẩn rủi ro do yếu tố tâm lý dao động rất mạnh sau khi thị trường đã điều chỉnh nhịp đầu tiên trong tháng 4.
Ở kịch bản này, thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh nhịp thứ 2, hoàn thành kết cấu điều chỉnh trung hạn với tổng biên độ 160 (+/-) điểm tính từ vùng đỉnh trong 8 - 9 tuần tiếp theo. Nhà đầu tư nên lưu ý quan sát vùng 1.130 – 1.080 điểm là vùng hỗ trợ xu hướng quan trọng.
Với hai kịch bản trên, ABS khuyến nghị nhà đầu tư đang có vị thế giao dịch ngắn hạn cần quan sát tín hiệu phản ứng của thị trường khi VN-Index khi tiệm cận các ngưỡng kháng cự của 2 kịch bản trên, sẵn sàng thoát vị thế khi xuất hiện áp lực cung gia tăng khi thị trường đi vào vùng kháng cự, đánh dấu hồi phục kỹ thuật thất bại.
Đối với nhà đầu tư trung hạn – dài hạn (mua tại vùng VN-Index 1.020 – 1.040 điểm), nên tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và quan sát vùng kháng cự quan trọng tiếp theo của VN-Index.
Nhóm cổ phiếu ABS khuyến nghị xem xét giải ngân khi thị trường điều chỉnh về mốc hỗ trợ 1 và hỗ trợ 2 trong các ngành: điện, xuất khẩu, ngân hàng, công nghệ - viễn thông, bất động sản khu công nghiệp, chăn nuôi.
Nói thêm về vĩ mô, ABS cho biết thị trường có nhiều ảnh hưởng của các tin tức tiêu cực nhiều hơn tích cực.
Ở thế giới, triển vọng Fed hạ lãi suất ngày càng xa vời; Trung Quốc tiếp tục chìm trong suy thoái từ một bong bóng bất động sản khổng lồ, nay đã lan sang ngành tài chính. Ngoài ra, các cuộc xung đột lớn trên thế giới vẫn chưa cho thấy hồi kết. ABS dự báo chuỗi cung ứng toàn thế giới sẽ chưa thể hồi phục trở lại trong tương lai gần và giá dầu tiếp tục neo cao, tác động tiêu cực đến lạm phát toàn cầu.
Ở Việt Nam, còn nhiều khó khăn với 3 chỉ số vĩ mô quan trọng. Một là mức chênh lệch lãi suất USD – VND vẫn rất lớn, tiếp tục gây áp lực cho tỷ giá. Hai là CPI tăng cao trong tháng 4 do nguyên nhân chi phí đẩy. Ba là áp lực tỷ tăng tỷ giá từ chính sách tiền tệ trái chiều của Việt Nam và Mỹ, cộng với yếu tố lạm phát tăng cao trở lại cũng gây ra áp lực tăng mặt bằng lãi suất huy động.