ABS dự báo 2 kịch bản với VN-Index trong tháng 9 sau thiệt hại từ bão Yagi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) ABS Research vừa đưa ra báo cáo chiến lược tháng 9/2024 với dự báo 2 kịch bản thị trường chứng khoán trong tháng 9.
ABS dự báo 2 kịch bản với VN-Index trong tháng 9 sau thiệt hại từ bão Yagi

Kịch bản 1, thị trường được hỗ trợ bởi các biện pháp tăng trưởng tín dụng và các yếu tố vĩ mô tích cực, cộng với việc Fed bắt đầu hạ suất ngày 18/9 và các giải pháp nâng hạng thị trường được triển khai.

Dự báo trong tháng 9, VN-Index tiếp tục biến động đi ngang tích lũy biên độ co hẹp dần, trong vùng từ 1.250 -1.269 đến 1.284+/- điểm. Sau đó, VN-Index cần đóng nến tuần trên vùng giá 1.305 – 1.316 điểm, xác nhận xu hướng tăng lên chinh phục các mốc cao hơn 1.340 – 1.395 điểm trong các tháng tới.

Trong khi đó, các cổ phiếu dần hoàn thiện mô hình tích lũy. Nhà đầu tư có thể giải ngân thêm các vị thế mua trung hạn và giải ngân tiếp khi thị trường xác nhận đi lên pha tiếp theo.

Mốc hỗ trợ của kịch bản 1 là khi giá đóng tuần nằm dưới trung bình trượt MA10 tuần.

Kịch bản 2 (xác suất cao), thị trường tiếp tục đi ngang lâu hơn, trong biên độ của 5 tháng vừa qua từ vùng 1.165 - 1.185 điểm đến 1.300 điểm do các trận lũ lụt và bão Yagi gây ra chưa kết thúc, hiện chưa ước lượng được hết thiệt hại mà cơn bão gây ra cho nền kinh tế. Kịch bản 2 được xác nhận khi giá không giữ được vùng hỗ trợ 1.250 – 1.260 điểm. Nhà đầu tư có thể quan sát các điểm mua quanh vùng hỗ trợ phía dưới của mô hình tích lũy VN-Index ở quanh 1.185 điểm.

Mốc hỗ trợ của kịch bản 2 tại đáy cũ 1.165 điểm.

Như vậy, trong hai kịch bản đề xuất là thị trường đi ngang với đáy cao dần, biên độ điều chỉnh thu hẹp dần, ABS khuyến nghị nhà đầu tư quan sát mua vị thế cổ phiếu trung hạn, với cổ phiếu và mốc hỗ trợ của thị trường, theo mỗi kịch bản phân tích để có thể nâng hạ tỷ trọng phù hợp.

“Đối với nhà đầu tư ngắn hạn, nên giao dịch theo mốc hỗ trợ, kháng cự của cổ phiếu và thị trường như đề xuất theo 2 kịch bản trên”, ABS lưu ý.

Về mặt định giá, P/E của VN-Index hồi phục trở lại từ mức 13,8x cuối tháng 7 lên 14,01x cuối tháng 8, thấp hơn mức bình quân 14,1x của chỉ số này trong một năm qua. P/E kỳ vọng cho cả năm 2024 ở mức thấp hơn do kết quả kinh doanh cả thị trường được dự báo tiếp tục phục hồi trong nửa cuối năm. Các cổ phiếu vốn hóa lớn trong VN30 đang có định giá P/E là 12,91x, thấp hơn nhiều so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trong VNMID (16,91x) và VNSML (15,81x).

Trong tháng 9 này, ABS cho rằng sẽ có hai yếu tố vĩ mô quan trọng nhất tác động đến thị trường.

Thứ nhất, siêu bão Yagi tiến vào Việt Nam từ ngày 6/9, tàn phá các tỉnh ven biển và gây lũ lụt trên diện rộng tại nhiều tỉnh thành miền Bắc trong nhiều ngày, gây hậu quả và thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Người dân và doanh nghiệp sẽ phải mất nhiều thời gian và nguồn lực để khôi phục lại cuộc sống, cũng như trở lại sản xuất kinh doanh bình thường. Áp lực lạm phát do chi phí đẩy cũng gia tăng do nguồn cung các loại hàng hóa cả thiết yếu và không thiết yếu sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số ngành hưởng lợi từ công cuộc tái thiết này.

Thứ hai, yếu tố kỳ vọng có tác động lớn đến nền kinh tế và thị trường thời gian tới là việc Fed có thể đảo chiều chính sách tiền tệ, bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành 0,25% từ phiên họp FOMC ngày 18/9 tới. Điều này phù hợp với xu hướng các NHTW lớn trên thế giới thời gian qua đã bắt đầu giảm lãi suất điều hành khi lạm phát đã giảm về mức kỳ vọng.

Tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã định hướng điều hành lãi suất ở mức thấp ổn định để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên khi lãi suất USD duy trì ở mức cao đã gây áp lực lớn về tỷ giá. Việc Fed giảm lãi suất đồng nghĩa với việc NHNN sẽ có thêm dư địa để điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt hơn.

Cụ thể, NHNN đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế như: từng bước hạ lãi suất; triển khai các giải pháp ưu đãi (gói cho xuất khẩu thuỷ hải sản giải ngân 36.000 tỷ đồng; gói tín dụng cho nhà ở xã hội 140.000 tỷ đồng); triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3.

Tính đến ngày 7/9, dư nợ tín dụng đã tăng 7,15% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng luôn cải thiện thanh khoản của nền kinh tế và thị trường chứng khoán.

Về kỳ vọng chính sách, ABS quan tâm đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc ngày 21/10/2024, trong đó sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật; cho ý kiến 12 dự án luật, trong đó có các luật quan trọng như Luật Thuế GTGT, Luật Điện lực, Luật Thuế TNDN...

Ngoài ra, các giải pháp giúp nâng hạng thị trường như thông tư liên quan đến nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể mua chứng khoán mà không cần có đủ tiền ngay có thể sẽ được ban hành (kỳ vọng trong tháng 9) và sớm được triển khai trong quý IV. Điều này có thể giúp gia tăng dòng vốn ngoại vào Việt Nam.

Kiều trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục