ABBANK (ABB) lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, chuyển sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Năm 2022 là năm Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - mã chứng khoán UPCoM: ABB) kỳ vọng nhiều thay đổi lớn: Đạt 2 triệu khách hàng cá nhân, tăng vốn điều lệ, bổ sung ngành nghề kinh doanh, chốt kế hoạch chuyển sàn từ UPCoM lên HOSE...
Ảnh Internet Ảnh Internet

Ngày 20/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK, mã ABB – sàn UPCoM) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2022 tại Hà Nội để trình cổ đông thông qua kết quả kinh doanh năm 2021, kế hoạch hoạt động năm 2022, các tờ trình về phân phối lợi nhuận, về phương án tăng vốn điều lệ và chuyển sàn…

Theo tài liệu ĐHCĐ, năm 2022, ABB đặt kế hoạch Top 5 về ROE trong bảng xếp hạng các ngân hàng thương mại, thu hút và đạt 2 triệu khách hàng cá nhân có giao dịch, tập trung tăng dư nợ vào các sản phẩm cho vay mua nhà, sản xuất kinh doanh và dịch vụ bảo hiểm, trái phiếu…

Các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể bao gồm: Tổng tài sản đạt 138.250 tỷ đồng; huy động từ khách hàng đạt 94.081 tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt 92.250 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 3.079 tỷ đồng.

Ngoài ra, HĐQT Ngân hàng cũng trình cổ đông thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh phù hợp chiến lược kinh doanh của Ngân hàng và gắn liền với kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thông qua; thực hiện niêm yết cổ phiếu ABB tại Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và phát hành thêm hơn 99 triệu cổ phần phổ thông, nâng vốn điều lệ lên hơn 10.400 tỷ đồng.

Trong đó, hơn 94 triệu cổ phiếu phát hành để trả cổ tức (10%) từ lợi nhuận để lại và 5 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên (ESOP) sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu trả cổ tức.

Năm 2021, dư nợ tín dụng của ABB đạt 78.640 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020, đạt 96% kế hoạch năm 2021. Tổng thu nhập 4.595 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần 3.038 tỷ đồng, thu nhập thuần từ dịch vụ 372 tỷ đồng, còn lại là 1.185 tỷ đồng từ thu nhập khác. So với thực hiện của năm 2020 thì tổng thu nhập, thu nhập lãi thuần, thu nhập thuần từ dịch vụ vượt lần lượt 22%, 30% và 78%. Riêng thu nhập khác chỉ bằng 97%.

So với kế hoạch năm 2021, các chỉ tiêu này bằng 95%, 95%, 55% và 123%.

Trong kỳ, tổng chi phí hoạt động của ngân hàng là 1.869 tỷ đồng, tăng 15%. Do phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tới 747 tỷ đồng (tăng 234 tỷ đồng so với năm 2020) nên sau trích lập, lợi nhuận trước thuế của ABB còn 1.979 tỷ đồng, tăng 45% so với lợi nhuận trước thuế năm 2020 và đạt 100% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Cuối năm 2021, Ngân hàng có tổng tài sản là 120.862 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% và 1% so với cuối năm 2020 và với kế hoạch đề ra đầu năm 2021.

Năm 2021 ABBANK đã xử lý, thu hồi được giá trị 1.970,43 tỷ đồng nợ xấu và nợ có vấn đề, đạt 119% kế hoạch cả năm (1.650 tỷ đồng).

Tại ngày 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của nhà băng này ở mức 1,65%, so với mức quy định là dưới 3%; nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu là 3,5%, so với chỉ tiêu dưới mức 3,6% do Ngân hàng nhà nước giao cho ABBANK.

Ngân hàng có một công ty con là Công ty Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng TMCP An Bình (ABBA), trong năm 2021 đạt mức lợi nhuận trước thuế 45,42 tỷ đồng, đóng góp cho ngân hàng giá trị cổ tức là 73,65 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, kết phiên 18/4, cổ phiếu ABB có giá 13.000 đồng/cổ phiếu, giảm 5,44% so với phiên trước, giảm nhẹ so với vùng giá 15.000 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục