>> Cổ phiếu “lạ: vẫn còn bí ẩn
>> AAA: Hiện tượng bất thường và nghi vấn mang tên margin
Một số thông tin về cổ đông lớn của AAA và hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2010 đã được Chủ tịch AAA chia sẻ. Tuy nhiên, những thông tin này không thể khỏa lấp nghi vấn về việc CP AAA bị làm giá, vì những nghi vấn này xuất phát từ hiện tượng giao dịch bất thường trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) của CP AAA, chứ không xuất phát từ tình hình sản xuất - kinh doanh của DN.
Nghi vấn làm giá cổ phiếu AAA là một câu chuyện nóng và điều mà dư luận chờ là câu trả lời từ cơ quan tổ chức và quản lý TTCK Việt Nam .
Chủ tịch AAA: “Bản thân Công ty chỉ biết tập trung vào kinh doanh”
Tại cuộc làm việc, trả lời câu hỏi của nhà báo về việc các cổ đông lớn như Tam Sơn, FC nắm giữ 3 triệu CP AAA trong tổng số 9,9 triệu CP niêm yết có mối liên hệ như thế nào với AAA? Ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch HĐQT AAA cho biết, đó không phải là cổ đông chiến lược của Công ty và bản thân AAA không có cổ phần trong các công ty đó. Theo ông Dương, đây chỉ đơn thuần là những nhà đầu tư tài chính, mặc dù nắm số lượng CP lớn, nhưng không tham gia vào điều hành, quản trị AAA. Ông Dương cho biết, ông không bất ngờ về việc các cổ đông lớn đồng loạt bán ra CP AAA. Theo ông Dương, do là nhà đầu tư tài chính nên khi đạt được lợi nhuận kỳ vọng, các cổ đông lớn có quyền bán ra.
Khi được hỏi: Chủ tịch Công ty có thấy bất thường về việc trong vòng 20 ngày, giá CP AAA tăng gần 100%, ông Dương cho rằng, giá CP AAA có thể còn cao hơn do hoạt động của Công ty tốt. Liên quan đến những nghi vấn về việc thao túng, đẩy giá trục lợi CP AAA xuất phát từ nội bộ DN, ông Dương khẳng định là không có và việc này ngoài tầm kiểm soát của HĐQT Công ty. “Bản thân Công ty chỉ biết tập trung vào kinh doanh. Nếu có hiện tượng trên thì các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm rõ và có quan điểm chính thống”, ông Dương nói.
Ông Dương cho biết, từ khi có thông tin xấu về việc làm giá CP AAA và có dư luận cho rằng, HĐQT đưa Công ty lên sàn để bán, đã làm xấu hình ảnh Công ty và có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh về sau. Nhiều đối tác của Công ty đặt dấu hỏi về sự gắn bó của HĐQT và các chính sách về chất lượng sản phẩm có tiếp tục được đảm bảo.
Liên quan đến việc chào mua công khai 25% vốn điều lệ AAA của một đối tác Nhật, ông Dương cho biết, hiện các cơ quan chức năng như UBCK và HNX đang hướng dẫn về mặt thủ tục. Tuy nhiên, với thông tin không tích cực về CP AAA như vừa qua cùng với việc giá CP liên tục sụt giảm, NĐT nước ngoài đang phải cân nhắc lại việc đầu tư này.
“Trước đây An Phát hoạt động chủ yếu là xuất khẩu, nên mong muốn niêm yết để tiếp cận các NĐT, khách hàng trong nước. Tuy nhiên, tác dụng chưa thấy đâu thì lại xảy ra những câu chuyện như vừa rồi. Nếu biết có câu chuyện như vậy thì chúng tôi đã không thực hiện niêm yết”, ông Dương trần tình trước các nhà báo. Nói về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, ông Dương cho biết, Công ty đạt khoảng 70 tỷ đồng và cả năm đạt từ 100 đến 110 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Không thể lấp nghi vấn làm giá bằng thông tin từ... DN
Cũng trao đổi với ĐTCK vừa qua, một cán bộ Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cho biết, nghi vấn làm giá cổ phiếu AAA vẫn đang trong tầm theo dõi của cơ quan chức năng. Những dấu hiệu sai phạm vẫn đang tiếp tục được thu thập. Cũng theo vị cán bộ này thì nghi vấn làm giá CP AAA quá lộ liễu và chính sự lộ liễu này đang buộc những người còn có trách nhiệm với TTCK Việt Nam phải suy nghĩ về tính minh bạch, công bằng trên TTCK.
Nghi vấn làm giá với CP AAA xuất phát từ hiện tượng CP này (niêm yết trên HNX) tăng một mạch từ mức giá 47.100 đồng ngày 19/8 lên mức cao nhất là 91.600 đồng (bình quân) ngày 16/9 (chỉ gần 1 tháng) với thanh khoản tốt, trong bối cảnh TTCK chỉ dao động rất hẹp. Tại mức giá khoảng 90.000 đồng/CP, có khoảng 4,4 triệu CP được chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau chuỗi ngày này, AAA liên tục giảm sàn, hiện chỉ còn 43.300 đồng/CP.
Một trong những nghi vấn được nhiều người nói đến nhất là một nhóm cổ đông lớn của AAA, sở hữu tới 3,5 triệu CP đã câu kết với đội làm giá đẩy giá CP AAA lên để thoát hàng. Khi giá AAA đạt đến mức kỳ vọng, chính nhóm này đã dùng tài khoản VIP tại các CTCK cho sử dụng đòn bẩy ở mức cao để vay tiền, thực hiện mua cổ phiếu từ nhóm cổ đông lớn nói trên. Với chiêu này, nhóm cổ đông lớn đã bán hết AAA ở mức giá xấp xỉ 90.000 đồng/CP và để lại cho một số CTCK “trót” cung cấp đòn bẩy tài chính quá đà những tài khoản hàng trăm nghìn CP AAA ở mức giá quanh 90.000 đồng/CP.
Dù AAA là công ty làm ăn tốt, nhưng sự kiện giá CP AAA lên, xuống quá bất thường trong thời gian qua khiến dư luận có quyền đặt câu hỏi về CP bị làm giá. Ngoài việc AAA chủ động giải trình, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng như HNX, UBCK và cơ quan điều tra để tìm hiểu chân tướng vụ việc, công bố công khai thông tin ra công chúng là hết sức cần thiết. Chừng nào “người cầm cương” cứ im lặng trước những câu chuyện như AAA, chừng đó việc hô hào và gìn giữ niềm tin của NĐT vào thị trường chỉ là một khái niệm ảo.