AAA: Hiện tượng bất thường và nghi vấn mang tên margin

(ĐTCK-online) Tuần qua, một thông tin gây xôn xao các CTCK là việc một nhóm NĐT ký hợp đồng với đội lái đẩy giá cổ phiếu AAA lên cao, sau đó dùng chính công cụ margin với tỷ lệ cao để đẩy "hàng" vào CTCK nhằm thu lợi nhuận. Đây là kiểu làm giá mới xuất hiện, mang dáng dấp lừa đảo, đã đánh vào lòng tham và sự chủ quan của các CTCK.
AAA: Hiện tượng bất thường và nghi vấn mang tên margin

AAA: hiện tượng bất thường

Từ lâu, hiện tượng cổ phiếu (CP) bị làm giá hoặc nghi vấn làm giá là không mới ở Việt Nam. Việc cổ phiếu AAA (niêm yết trên HNX) tăng một mạch từ mức giá 47.100 đồng/CP ngày 19/8 lên mức cao nhất là 91.600 đồng (bình quân) ngày 16/9 (chỉ gần 1 tháng) với thanh khoản tốt, trong bối cảnh TTCK chỉ dao động rất hẹp, đang tiềm ẩn nhiều nghi vấn. AAA công bố thông tin tốt nên giá tăng, hay đây lại là một hiện tượng làm giá lộ liễu?

Tại mức giá xấp xỉ 90.000 đồng/CP, với quan hệ cung cầu AAA vẫn "đẹp", không ít NĐT cứ tưởng đây là mặt bằng giá mới mà AAA đã xác lập. Khoảng 4,4 triệu CP được giao dịch trong khoảng giá trên 90.000 đồng. Tuy nhiên, sau chuỗi ngày này, AAA liên tục đập sàn. Chỉ sau 5 ngày giao dịch, giá AAA đã giảm về mức 63.400 đồng (bình quân) tính đến hết ngày 24/9, với khối lượng đặt mua khiêm tốn và dư bán lên tới hàng triệu CP.

Chính việc thay đổi trạng thái đột ngột của 2 thái cực khiến đa phần NĐT cho rằng, đây là cổ phiếu đã bị làm giá. Không hiểu ai là người "ôm bom" 4,4 triệu CP AAA ở mức giá đỉnh. Nhiều người cảm thông với những ai mua CP ở mức trên 90.000 đồng chắc đang… xót lắm, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng, đã có một chiêu mới của đội làm giá để thoát hàng.

 

Nghi vấn mang tên margin

Có nhiều giả thiết giải thích cho hiện tượng bất thường trong giao dịch CP AAA. Hiện có nhiều thông tin không chính thức cho rằng, một nhóm NĐT X vốn sở hữu tới 3,5 triệu CP AAA và muốn thoát hàng. Do đó, nhóm này đã ký hợp đồng chi khoảng 2 triệu USD cho một "đội lái" để đội này đánh giá AAA lên. Mức giá kỳ vọng của AAA sau khi đội lái vào cuộc là 90.000 đồng/CP. Khi giá AAA đạt đến mức kỳ vọng, nhóm này sẽ dùng tài khoản VIP tại các CTCK cho sử dụng đòn bẩy ở mức cao (80% giá trị mua) để vay tiền thực hiện mua cổ phiếu từ nhóm NĐT X nói trên. Với chiêu này, nhóm NĐT X thoát hàng được ở mức giá xấp xỉ 90.000 đồng/CP. Trừ đi số tiền ký quỹ 20%, tương ứng khoảng 18.000 đồng/CP, nhóm NĐT X coi như thoát hết CP ở mức giá trên 70.000 đồng và… "tặng" lại cho các CTCK những tài khoản… đầy ắp AAA ở mức giá xấp xỉ 90.000 đồng/CP.

Đó là nghi vấn về một chiêu thức mới "đánh" và "thoát" CP AAA mà TTCK đang đồn. "Đây là chiêu thức của những người muốn đánh CP lên để thoát hàng và nạn nhân chính là các CTCK cho sử dụng margin", anh M, một môi giới cho biết. Theo thống kê lưu truyền trong giới môi giới, có 6 CTCK bị "dính" nặng nhất trong vụ này. Theo anh M, CTCK nơi anh làm việc cũng bị "dính" khoảng 700.000 CP AAA ở mức giá gần 90.000 đồng. "Mấy ngày vừa rồi, bên tôi đã cố gắng đặt bán từ đầu phiên, nhưng không bán được vì chẳng có người mua", anh M chia sẻ. Theo anh tìm hiểu, các CTCK nằm trong nhóm "dính" kia đều đang phải giải quyết hậu quả khoảng 700.000 CP AAA/công ty.

Khi phóng viên ĐTCK trao đổi với lãnh đạo của một vài CTCK nằm trong danh sách "bị hại" mà thị trường đồn đại, thì có vẻ như, các bên đều muốn thực hiện chính sách "ngậm bồ hòn làm ngọt". Phó tổng giám đốc một CTCK trong Sài Gòn, đơn vị có tên trong danh sách 6 CTCK trên cho biết: "Đúng là chúng tôi cho khách hàng mua AAA bằng tài khoản ký quỹ, nhưng hiện tại, các khoản ký quỹ này vẫn trong tầm kiểm soát và chúng tôi chưa đưa ra bất kỳ thông tin chính thức nào". Tuy nhiên, khi trao đổi với một nhân viên môi giới của công ty này, ĐTCK được biết: hai khách hàng dùng margin mua AAA tại công ty đã "bỏ của chạy lấy… tiền và công ty vẫn đang cố gắng để giải quyết hậu quả". Lãnh đạo một CTCK khác cho biết: công ty anh "dính" khoảng 600.000 CP AAA, nhưng đây chỉ là phần nhỏ. "Chúng tôi cho khách hàng mua ký quỹ tỷ lệ cũng… không thấp lắm, nên nếu chứng khoán giảm tiếp, công ty sẽ chuyển sang tự doanh", vị giám đốc này cho biết.

Đến thời điểm này, chuyện 6 CTCK bị NĐT sử dụng công cụ margin để "ép đầu tư tự doanh" tuy vẫn là một nghi vấn, nhưng là loại nghi vấn có căn cứ. Tuy nhiên, dư luận đang thắc mắc, công cụ quản lý rủi ro của các CTCK ở đâu trong tình huống này khi cho khách hàng vay tỷ lệ quá cao để mua một cổ phiếu ở mức giá… trên trời? Phải chăng, để chạy theo thành tích môi giới (và cũng không ngoại trừ lợi ích cá nhân), CTCK đã tự "ôm họa" vào mình?

Anh Tuấn Anh, nhân viên một CTCK tại Hà Nội chia sẻ, vụ AAA quá… thô thiển và gây mất niềm tin. "CTCK và NĐT bị thiệt hại trong vụ này cần đứng ra tố cáo, để vớt vát sự công bằng trên thị trường. Không hiểu UBCK đang ở đâu trong sự vụ này?", anh Tuấn Anh nói. Dù thông tin các CTCK bị "lừa" do quá chiều khách VIP, cho sử dụng công cụ đòn bẩy "liều tay" chưa được CTCK nào chính thức xác nhận, nhưng diễn biến giá thất thường của AAA cũng đủ căn cứ để UBCK vào cuộc làm rõ nguyên nhân. Mấu chốt trong vụ làm giá bất thường này là việc có hay không một hợp đồng trị giá 2 triệu USD ký giữa nhóm NĐT nắm 3,5 triệu CP AAA và đội làm giá?

Thị trường, đặc biệt là công chúng đầu tư nhỏ lẻ, đang ngày một hoang mang khi thông tin về vụ AAA bắt đầu lan rộng. Sự xác minh các hành vi cấu kết làm giá và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền…          

Giá và khối lượng giao dịch của AAA trong 1 tháng qua

Giá và khối lượng giao dịch của AAA trong 1 tháng qua

Nhóm PV thực hiện
Nhóm PV thực hiện

Tin cùng chuyên mục