Khởi nghiệp… “không bình thường”
Đầu tháng 3, PV Dân trí có dịp gặp chàng trai 9X Võ Văn Tiếng (SN 1991, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) - ông chủ nông trại sản xuất gạo sạch Tâm Việt đang được giới trẻ nể phục trước ý chí vượt khó làm gạo sạch, phục vụ cho người Việt.
Tiếng được nhiều người biết đến, gạo Tâm Việt của Tiếng làm ra không đủ bán… Thế nhưng trên nông trại rộng 400 công đất (1 công 1.000m2), Tiếng dựng một cái chòi lá rộng khoảng 100m2 làm nơi ăn ở của mình và 7-8 công nhân. Gió, nắng, mưa… lùa tứ bề nông trại.
Tiếng kể, sau ngày xuất ngũ, Tiếng lên Sài Gòn vừa làm vừa đi học với ý định đổi đời, nhưng trải qua mấy năm “mài sách” ngành Công nghệ thông tin, Du lịch, Tiếng bỏ dở...
Tiếng đi chơi từ Nam ra Bắc, thấy và biết nhiều thứ, trong đó thông tin cá thịt, lúa rau… bẩn cứ ra rả vào tai làm Tiếng suy nghĩ nhiều. Tiếng đặt câu hỏi vì sao mình không trồng lúa sạch? Vì cơm là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn người Việt?
Tiếng về nhà nói ý định trồng lúa không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cho gia đình nghe. Cha mẹ, anh em không ngăn cấm nhưng không khuyến khích.
Còn bà con hàng xóm thì cho rằng đầu óc của Tiếng có vấn đề… Nhưng Tiếng bỏ ngoài tai, Tiếng lên khuôn bao và trồng thử nghiệm 2ha lúa sạch theo hướng tự nhiên: không phân, thuốc.
Ông Nguyễn Văn Bùi - nhà tận Vĩnh Long nhưng vì mến mộ việc trồng lúa sạch của Tiếng nên đến phục giúp Tiếng từ những ngày đầu mở nông trại
Để tạo dinh dưỡng cho cây lúa, Tiếng dùng phân hữu cơ, tận dụng rơm… bón xuống đất. Sau khi sạ lúa, Tiếng trồng hoa quanh ô bao, nuôi vịt, thả cá để tiêu diệt sâu rầy.
Kết thúc vụ lúa đầu tiên, năng suất lúa chỉ đạt khoảng 4 tấn/ha, với năng suất này so với những ruộng lúa bà con dùng phân, thuốc giảm gần một nửa.
Nhưng bù lại, Tiếng đăng ký thương hiệu gạo Tâm Việt rồi mang lúa đi xay, đóng gói, trên bao bì ghi rõ: sản xuất theo hướng tự nhiên, không sử dụng phân bón, thuốc hóa học và chất bảo quản. Nhờ đó, 1kg gạo Tâm Việt bán được 28.000đồng/kg (hiện nay 32.000đồng/kg). Tính ra 1ha lúa của Tiếng lời 1,5 lần so với 1ha lúa nông dân sử dụng phân bón hóa học.
Tiếng kể: Hiện tại còn nhiều cái khó khăn lắm, từ chỗ ăn nghỉ đến kho bãi chứa nông cụ, phân bón… Nhưng khó khăn nhất hiện nay chính là việc thuê nhân công, do mình trồng lúa theo kiểu tự nhiên nên mọi việc gần như làm bằng tay còn nhiều. Nếu sau này có vốn liếng, đưa máy móc vào thì đỡ vất vả và giảm chi phí hơn.
Theo Tiếng dù hiện này còn khó khăn nhưng so với ngày đầu ra mảnh đất này khởi nghiệp còn thua xa. Vì khi đó, chưa có đường đi, điện nước không có…
Vụ lúa đầu tiên (20ha), Tiếng chưa tổng kết nhưng nhẩm tính, vụ này Tiếng cầu mong huề vốn là vui. Và tiền lời nằm ở áo cá và tiền bán vịt
Tiếng và chú Nguyễn Văn Bùi ra dựng cái chòi giữa “đồng không hiu quạnh” khởi nghiệp với hai bàn tay trắng. “Do bận tối mặt tối mũi ngoài đồng nên hai chú cháu ăn mì nhiều hơn ăn cơm. Khi đêm xuống, muốn nấu nướng hay ăn uồng gì phải đợi trăng lên… vì đèn thắp lên, gió thổi tắt liền.
Những hôm trời mưa, nước tràn vào trong chòi ướt hết. Để ngủ được hai chú cháu dùng tấm bạt trải xuống đất, tối nằm ngủ mỗi khi trở mình là nghe tiếng đất sìn “kêu” ọp ẹp…”
Gạo ngon từ đất, chất ngọt từ tâm
Gạo của Tiếng đưa ra thị trường không đủ bán, bởi một chiếc lý: “Gạo ngon từ đất, chất ngọt từ Tâm”. Chính quyền địa phương vào cuộc, DN vào bao tiêu sản phẩm nên Tiếng mạnh dạnh mở rộng qui mô sản xuất mô hình trồng lúa sạch rộng đến 40ha (tiền thuê đất 39 triệu đồng/ha). Bước đầu mô hình trồng lúa sạch của chàng trai 9X xem như đã thành công.
Ông Hồ Văn Nhơn – Chủ tịch UBND xã Thường Thới Tiền cho biết: Để bạn Tiếng có một diện tích 40ha đất liền canh, liền cư trồng lúa theo hướng tự nhiên như hiện nay là cả một cuộc vận từ cấp xã đến huyện, dân mới đồng thuận cho bạn Tiếng thuê đất.
Nhưng quan trọng nhất là bà con thấy được cái tâm của bạn Tiếng trong việc trồng lúa, Tiếng muốn tạo ra hạt gạo sạch phục vụ người Việt, không nghĩ đến xuất khẩu. Chính điều này bà con đồng thuận cho Tiếng thuê đất 5 năm, chuyển qua chăn nuôi hoặc đi làm nghề khác tăng thêm thu nhập.
Với tổng diện tích 40ha lúa, một năm Tiếng làm 2 vụ, mỗi vụ Tiếng chia ra làm 2 đợt, mỗi đợt 20ha. Sau khi thu hoạch xong 20ha, Tiếng cho toàn bộ diện tích đất này nghỉ ngơi trong 2 tháng, thời gian này Tiếng gieo sạ và chăm sóc 20ha còn lại.
Nhưng trong vụ đầu tiên, Tiếng mong huề vốn là vui. Vì theo Tiếng, toàn bộ diện tích đất thuê, đất bị bạc màu, không còn dinh dưỡng trong đất, Tiếng phải cày xới, bón phân hữu cơ nhiều, bơm nước ngâm đất…
Vịt thả đồng bắt sâu rầy làm thức ăn nên trứng vịt của Tiếng được bán với giá 3.000 đồng/quả
Tổng chi phí sản xuất và tiền thuê đất đã chiếm hơn 60%. Tiếng phải thả cá, nuôi vịt thêm, trung bình 10ha lúa, Tiếng thả 1.000 con vịt và từ 500 – 700kg cá giống/1ha. Kết thúc một năm, khi vịt cá hoàn thành nhiệm vụ diệt sâu, rầy, Tiếng bán vịt (thịt, trứng) và cá mang về một nguồn thu kha khá cho nông trại.
Tiếng nói về công việc quản lý: Rất may xung quanh mình có những người bạn, người anh, người chú tốt. Họ chấp nhận xa gia đình, đến đây “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” vì ý tưởng làm gạo sạch của mình.
Tất cả mọi người ở đây, sông rất hài hòa, không phân biệt chủ tớ, kỹ sư hay công nhân… tất cả mọi người đều ra đồng khi cần thiết”.
Hiện nay, Tiếng đã được một đơn vị hướng dẫn trình sản xuất và đăng ký làm gạo hữu cơ. Tiếng đang tìm hiểu và sắp tới sẽ sản xuất lúa theo quy trình này để gạo Tâm Việt của Tiếng được cấp chứng nhận hẳn hoi.
Như vậy, việc trồng lúa sạch của Tiếng không còn là câu chuyện sản xuất, kinh doanh bằng niềm tin trên thị trường. Hạt gạo Tâm Việt có đủ lý, đủ tình để tồn tại trên thị trường.
Ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp nhận định, tư duy sản xuất của thanh niên Võ Văn Tiếng là tích cực, góp phần nỗ lực đưa gạo sạch tỉnh nhà ra thị trường.
Ngành nông nghiệp mong muốn địa phương nghiên cứu mô hình của Tiếng, để có thể mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm hạt gạo sạch. Đây chỉ mới là mô hình kinh tế hộ cần được định hướng sản xuất, để đảm bảo các tiêu chuẩn sản xuất lúa sạch.
Ngày chúng tôi đến, Tiếng và các bạn vừa bắt cá ngoài đồng về, quần áo, tay chân lắm lem bùn đất… Tiếng ngồi trò chuyện với chúng tôi hết buổi trưa. Chúng tôi về, Tiếng vội vàng xắn quần lội ra đồng bắt cá với anh em, vì sợ để lâu, cá ngợp chết hết…