99% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

(ĐTCK) Nếu quy định DN lâm vào tình trạng phá sản là có nợ quá hạn từ 200 triệu đồng trở lên tại Luật Phá sản sửa đổi được thông qua, hầu hết DN Việt Nam có nguy cơ... phá sản.
99% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản

99% doanh nghiệp có nguy cơ phá sản ảnh 1Quy mô của DN rất khác nhau nên không thể áp một con số tuyệt đối cho khoản nợ dẫn tới phá sản

 

Trong phiên họp cuối tuần qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Luật Phá sản sửa đổi đã được đưa ra thảo luận. Trong đó, quy định về dấu hiệu nhận biết DN lâm vào tình trạng phá sản là có nợ quá hạn từ 200 triệu đồng trở lên bị nhiều ý kiến phản đối.

Luật Phá sản có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2004. Mặc dù đã qua gần 9 năm thực hiện, nhưng do nhiều quy định của Luật hiện hành chưa rõ ràng, khó thực hiện, nên số lượng các vụ phá sản do Tòa án thụ lý còn rất ít. Thực tiễn cho thấy, nhiều quy định của Luật mâu thuẫn, chưa phù hợp, chưa đầy đủ, rõ ràng, chưa tương thích với các văn bản pháp luật khác, dẫn đến khó khăn của ngành tòa án khi giải quyết các đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Rất nhiều DN, đặc biệt là DNNN “đã chết” mà không được “chôn”, gây nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế.

Dự thảo Luật sửa đổi lần này bổ sung thêm 3 chương thành 12 chương, bổ sung 52 điều, sửa đổi 72 điều và chỉ có 9 điều được giữ nguyên. Về đối tượng áp dụng của Luật, có ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi nên áp dụng cho cả các đối tượng là cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, chứ không nên chỉ áp dụng với DN và hợp tác xã.

Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nếu mở rộng các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng sẽ khó khả thi, do hiện nay, lực lượng cán bộ thuộc lĩnh vực này còn mỏng dẫn đến quá tải cho ngành tòa án. Đối với cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, nếu mất khả năng thanh toán thì áp dụng thủ tục giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế đã được quy định tại pháp luật về dân sự, kinh tế và các quy định pháp luật khác.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội dù đồng tình về đối tượng điều chỉnh, nhưng nhấn mạnh: “Quy định như vậy là để giải quyết vấn đề thực tế ở Việt Nam , chứ còn về nguyên tắc, cứ có đăng ký kinh doanh là phải có phá sản. Do đó, ngành tòa án cần phải chuẩn bị theo hướng này”.

Nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất là quy định xác định DN lâm vào tình trạng phá sản. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất của Luật Phá sản hiện hành: cứ có nợ quá hạn được xem là lâm vào tình trạng phá sản. Quy định mơ hồ và chung chung này dẫn đến ngành tòa án không có căn cứ, tiêu chí cụ thể nào để xem xét và ra quyết định mở thủ tục phá sản.  Chưa kể hàng loạt quy định liên quan đến thanh lý tài sản: số chủ nợ, số nợ, tài sản còn lại… Dự thảo Luật sửa đổi đã cụ thể hóa tiêu chí xác định DN lâm vào tình trạng phá sản: không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng, kể từ ngày chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản.

Trong khi đại biểu Trương Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo làm rõ căn cứ vào đâu để đưa ra tiêu chí trên, thì theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội, quy định như vậy là quá đơn giản và không thực tế, bởi quy mô DN là khác nhau, có những DN vốn vài chục triệu đồng, có DN vốn hàng ngàn, hàng chục nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như các tổ chức tài chính thường có quy mô rất lớn, không thể bảo DN phá sản chỉ vì khoản nợ 200 triệu đồng. Hơn nữa, hiện nay vốn chủ sở hữu, vốn tự có của DN chỉ chiếm 15 - 20% cơ cấu vốn, còn lại là vay ngân hàng, vay lẫn nhau, mà đưa ra mức 200 triệu đồng thì không ổn. “Với tiêu chí này thì 99% DN Việt Nam phải phá sản”, ông Hiển nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiện, nguyên Chánh án TAND Tối cao cho rằng, không nên quy định cụ thể về số tiền nợ quá hạn trong Dự thảo Luật sửa đổi. Tiêu chí để xác định DN lâm vào tình trạng phá sản phải xem xét đến loại hình DN và vốn.

Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với việc quy định rõ tiêu chí và căn cứ để xác định DN, hợp tác xã lâm vào tình trạng phá sản, tuy nhiên đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ cơ sở xác định khi đưa ra các tiêu chí trên, nhất là hạn mức 200 triệu đồng.

Dự kiến, Luật Phá sản sửa đổi sẽ được đưa ra trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII tháng 10/2013 tới đây.

 

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico

Về tiêu chí thời gian, việc đặt ra thời hạn 3 tháng là hợp lý, tuy nhiên cần xem xét quy định rõ hơn tiêu chí số lượng nợ đến hạn không có khả năng thanh toán (có thể gồm đồng thời 2 con số tối thiểu để tùy chọn, là con số tuyệt đối và tỷ lệ tương đối) để bảo đảm sự hợp lý và tránh bị lợi dụng. Chẳng hạn, DN không thanh toán vài triệu đồng hoặc số nợ chỉ bằng một vài phần trăm số vốn điều lệ, thì chưa nên coi là lâm vào tình trạng phá sản. Tỷ lệ hợp lý có thể là 10 - 15% vốn điều lệ.

Bùi Trang
Bùi Trang

Tin cùng chuyên mục