90% doanh nghiệp áp dụng CSI có hoạt động quản trị bền vững

(ĐTCK) Các doanh nghiệp đã áp dụng bộ chỉ số phát triển bền vững (CSI) có năng lực cạnh tranh cao hơn đối thủ, kết quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động cao hơn.
Ảnh Shutterstock

Đây là những thông tin rất đáng chú ý được Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) vừa đưa ra về kết quả khảo sát đánh giá thực hiện bộ chỉ số CSI trong các doanh nghiệp vừa thực hiện mới đây.

Theo ông Phạm Quang Vinh, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBCSD, kết quả khảo sát cho thấy có mối tương quan giữa việc thực hiện các chỉ số quản trị bên vững và minh bạch thông tin, chỉ số trách nhiệm xã hội và môi trường với kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo đó, các doanh nghiệp có thực hiện các chỉ số phát triển bền vững đạt được kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn so với các đối thủ khác trên thị trường, cò nguồn hàng ổn định với khả năng cạnh tranh cao về giá cả, nâng tỷ lệ thị phần nhanh chóng so với các doanh nghiệp không áp dụng bộ chỉ số.

Trong đó đáng chú ý là hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm của nhóm doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số được đầu tư hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh, hoạt động tiếp thị cũng được làm tốt hơn. Đặc biệt, khảo sát cũng ghi nhận việc sử dụng bộ chỉ số CSI góp phần quan trọng giúp doanh nghiệp hoạch định chiến lược phát triển hiệu quả và bền vững.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng có tới 70-90% doanh nghiệp áp dụng bộ chỉ số đều đang thực hiện các hoạt động liên quan đến quản trị bền vững như có hệ thống giám sát sự hài lòng của khách hàng, tỷ lệ minh bạch thông tin cao, có chính sách phòng chống tham nhũng và hối lộ, có hoạt động với cộng đồng và bảo vệ môi trường.

Điều này cho thấy với việc ứng dụng ngày càng sâu rộng bộ chỉ số, các doanh nghiệp Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ trong lĩnh vực quản trị nhằm hướng tới mô hình kinh doanh minh bạch và bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng và môi trường, góp phần tác động tích cực tới kết quả và chiến lược kinh doanh bền vững của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại buổi đối thoại với chủ để Phát triển bền vững doanh nghiệp - Bài học kinh nghiệm từ đại dịch Covid-19 do VBCSD vừa tổ chức cuối tuần qua, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp ngành da giày gặp rất nhiều khó khăn và phải cắt giảm lao động do tác động từ dịch Civid dẫn đến đứt gãy chuỗi cung (Trung Quốc) và gián đoạn, ngưng trệ chuỗi cầu từ các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU).

Trước những khó khăn thách thức này, nhiều Việt đã lộ rõ những lỗ hổng quản trị như khả năng quản trị rủi ro, quản trị khủng hoảng và khả năng thích ứng, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng phá sản phải rời khỏi thị trường.

Do đó, theo bà Xuân, để vượt qua những thách thức này, việc áp dụng chỉ số CSI là một công cụ rất hiệu quả, giúp doanh nghiệp định hình được vị thế và chỗ đứng của mình trên thị trường, có định hướng phát triển dài hạn để từ đó phát triển bền vững trong tương lai.

Với kinh nghiệm trong chuỗi sản xuất và xuất khẩu ngành da giày, bà Xuân cho biết, yêu cầu của nhà nhập khẩu về sự phát triển bền vững đang ngày càng cao hơn và hướng đến kinh tế tuần hoàn, sự phát triển bền vững.

“Bền vững và kinh tế tuần hoàn đang là xu thế. Nhiều nhà nhập khẩu yêu cầu mỗi đôi giày xuất đi phải có chứng minh rõ sau khi sử dụng có thể tái chế thế nào. Hay như nhà nhập khẩu còn yêu cầu doanh nghiệp chứng minh về môi trường, sử dụng lao động và chế độ lao động, xử lý cacbon ra sao… Nếu doanh nghiệp không đáp ứng được những yêu cầu này sẽ không tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu được”, bà Xuân cho biết.

Cũng theo bà Xuân, những yêu cầu của nhà nhập khẩu cũng là những tiêu chí đã có trong bộ chỉ số CSI, đã được đưa ra ở Việt Nam năm 2015. Cũng từ năm 2016 đã bắt đầu có chương trình đánh giá công bố doanh nghiệp phát triển bền vững dựa trên bộ chỉ số này.

Nhìn từ góc độ của những doanh nghiệp xuất khẩu và tham gia chuỗi toàn cầu, bà Xuân cho rằng, CSI là bộ công cụ và thước đo tốt, mong bộ chỉ số này được áp dụng rộng rãi hơn và cơ quan nhà nước cũng nên dùng nó làm công cụ đánh giá doanh nghiệp như thế sẽ giảm đi được nhiều thủ tục hành chính văn bản báo cáo… Công cụ này cũng sẽ giúp cho công việc kiểm toán doanh nghiệp thuận lợi hơn.

Trong khi đó, theo đại diện của Deloitte Việt Nam, trong bối cảnh báo cáo bền vững đang dần trở thành thông lệ quốc tế, phát triển bền vững đang là xu thế, việc thúc đẩy doanh nghiệp sử dụng bộ chỉ số CSI và báo cáo bền vững là cần thiết nhưng cần phổ biến về chỉ số này và báo cáo bền vững tới doanh nghiệp và Chính phủ cùng các cơ quan quản lý hơn nữa.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục