Vừa bảo tồn quỹ, vừa nâng cao chất lượng khu chữa bệnh
Tại hội nghị, ông Dương Tuấn Đức, Giám đốc Trung tâm giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc – (BHXH Việt Nam) cho biết, những con số 9 tháng đầu năm cho thấy, có sự gia tăng lượt khám bệnh bất thường, nhiều cơ sở y tế tránh vượt trần bằng cách chia nhỏ ngày điều trị, tính thêm ngày giường bệnh nhân ra viện; giá dịch vụ y tế, mua sắm vật tư y tế chưa hợp lý…
Thời gian vừa qua, Quỹ BHYT đã kết dư 49.000 tỷ đồng
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã chỉ ra rất nhiều vấn đề bất cập đang đặt ra trong công tác khám chữa bệnh BHYT hiện nay như: giao quỹ BHYT cho địa phương; số lượt khám, chữa bệnh quá mức; kê thêm giường bệnh; số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng...
Trong đó có tình trạng trước khi tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện chỉ có 1.000 giường, sau khi tăng giá viện phí, số giường tại bệnh viện tăng lên đến 1.500 đến 1.600 giường, trước khi tăng giá viện phí, bệnh nhân chỉ nằm viện có 5 ngày còn sau khi tăng giá viện phí, bệnh nhân mắc bệnh đó lại nằm viện đến 7 ngày…
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho rằng, việc tăng chi tiền khám chữa bệnh BHYT vừa qua không hẳn chỉ đáng lo mà cũng đáng mừng bởi người dân được hưởng nhiều quyền lợi hơn, được chi trả nhiều hơn, được hưởng chất lượng dịch vụ tốt hơn.
Theo Bộ trưởng, quỹ BHYT là quỹ ngắn hạn, là tiền của nhân dân và phải sử dụng cho nhân dân, thời gian vừa qua đã kết dư 49.000 tỷ. Với tình trạng bội chi quỹ BHYT hiện nay thì số tiền kết dư 49.000 tỷ đồng chỉ có thể đảm bảo duy trì cân đối quỹ được 2-3 năm tới, do đó nhiệm vụ của cả ngành y tế và BHXH là vừa phải bảo tồn quỹ vừa phải nâng cao chất lượng khám chữa bệnh để hài đáp ứng sự lòng người bệnh.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã rất thắng thắn cho hay, Quỹ BHXH do nhà nước bảo hộ, quỹ BHYT nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước sẽ lo. Do đó, nếu nói là sắp vỡ quỹ BHYT và BHXH sẽ gây hoang mang cho người dân.
Theo ông Lợi, việc tăng chi từ Quỹ BHYT có nhiều nguyên nhân, trước hết là do tăng chi phí khám chữa bệnh lên 30-33%, bên cạnh đó mức đóng BHYT hiện nay của chúng ta là thấp trong khi mức hưởng cao và không có mức trần nên “không tăng mới là lạ”.
Quỹ BHXH do nhà nước bảo hộ, quỹ BHYT nếu có thâm hụt và thiếu thì ngân sách nhà nước sẽ lo. Do đó, nếu nói là sắp vỡ quỹ BHYT và BHXH sẽ gây hoang mang cho người dân.
- Ông Bùi Sĩ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Ngoài ra, hiện nay trong tổng số tỷ lệ bao phủ BHYT của nước ta có đến hơn 30% do ngân sách nhà nước chi trả và khá nhiều người dân còn chưa có ý thức tham gia BHYT...
Một nguyên nhân khác là việc thiếu tính hướng dẫn đồng bộ của các văn bản quy phạm pháp luật như phân hạng bệnh viên, định mức bác sĩ khám bệnh... Bên cạnh đó, do thực hiện cơ chế tự chủ nên nhiều địa phương đã cắt ngân sách khiến các bệnh viên không có nguồn thu dẫn đến tình trạng bệnh viện phải lách để có kinh phí hoạt động, chi trả thêm cho cán bộ y bác sĩ...
Ông Lợi cũng đề nghị ngành tế cần xem lại những tồn tại về văn bản chính sách để sớm điều chỉnh cho phù hợp và luôn luôn nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như tinh thần phục vụ người bệnh.
Tuần tới sẽ ban hành thông tư về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến xã
Tại hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh khẳng định, mọi vấn đề khúc mắc giữa hai bên thời gian qua cần được đánh giá thấu đáo. Ngành y tế là ngành có trách nhiệm rất lớn trong sức khỏe nhân dân trong khi nguồn lực hạn hẹp; BHXH giữ quỹ nhưng nguồn lực cũng có hạn, trong khi phải đảm đương nhiệm vụ an toàn quỹ.
Về ngành BHXH, bà Minh yêu cầu nghiêm túc tiếp thu các kiến nghị của ngành y tế, cái gì là lỗi thì sửa ngay, cái gì không thuyết phục, không chuẩn thì sớm nắn chỉnh lại và cũng bàn thảo, tìm giải pháp để có sự đồng thuận trong tháo gỡ khó khăn với phương châm tất cả vì quyền lợi của người bệnh.
Đồng thời, bà Minh cũng đã chỉ ra thực trạng hiện nay, có một số chính sách, Luật còn vướng, gây khó khăn cho cả ngành Y tế, BHXH và đề nghị ngành y tế sớm ban hành, chỉnh sửa cho phù hợp, tạo thuận lợi cho cả hai bên trong quá trình làm việc...
Trong khi đó, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, để giải quyết các bất cập liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, Bộ Y tế hiện đang sửa đổi, điều chỉnh lại các Thông tư và văn bản khác liên quan đến khám chữa bệnh BHYT, về đào tạo liên tục cũng như chứng chỉ hành nghề.
Trong tuần tới, ngành y tế sẽ ra văn bản hướng dẫn về ngày kê giường, bàn khám; ban hành thông tư về gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến xã trong đó có khám chữa bệnh BHYT... để nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Đồng thời ngành y tế cũng sớm có những hướng dẫn về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành, sớm ban hành thông tư về quy trình khám chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh viện. Ngành y tế sẽ tiến đến mô hình phân tầng là chăm sóc sức khỏe ban đầu, tuyến giữa và tuyến cao nhất...