“85% nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp”

(ĐTCK) Xin nói ngay, con số “trong mơ” trên là ở thị trường Mỹ.
Ông Christopher Coe Ông Christopher Coe

Còn tại Việt Nam, tỷ lệ này vẫn còn rất khiêm tốn. Đó là con số thống kê được ông Christopher Coe, Giám đốc Tư vấn tái bảo hiểm nông nghiệp Đông Nam Á của Aon Benfield - tập đoàn tư vấn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới, đưa ra tại Hội thảo “công cụ giám sát, cảnh báo và giảm thiểu rủi ro thảm họa trong bảo hiểm nông nghiệp” do Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) phối hợp với Aon Việt Nam tổ chức. Ông Christopher chia sẻ với ĐTCK về những kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp.

Tỷ lệ 85% kể trên quả là niềm mơ ước, đặc biệt là với một đất nước mà nông dân chiếm tỷ lệ lớn như Việt Nam . Phải chăng ở Mỹ đang áp dụng một chương trình bảo hiểm nông nghiệp đặc biệt. Có quốc gia nào vượt qua Mỹ về tỷ lệ này không, thưa ông?

Có khá nhiều nhân tố tạo nên tỷ lệ rất cao này. Có thể kể đến sự hỗ trợ của Chính phủ (hàng năm Mỹ tài trợ 5 tỷ USD phí bảo hiểm cho chương trình bảo hiểm nông nghiệp; người nông dân được hỗ trợ tới 60% phí bảo hiểm); nhận thức của người dân về vai trò của bảo hiểm rất cao. Điều đáng nói hơn cả là nước Mỹ có một chương trình bảo hiểm đặc biệt mà ở đó, người nông dân có thể được bồi thường với giá thành sản phẩm cao hơn trong trường hợp giá nông sản tăng vào cuối vụ mùa. Tại Mỹ, giá ngô và giá đậu nành thường tăng cao khi có hạn hán xảy ra. Do đó, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp ở nước này khá hoàn hảo, tính đến cả yếu tố sản lượng lẫn giá thành. Tuy nhiên, đổi lại người nông dân cũng phải cam kết rằng, nếu họ không tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp quốc gia thì cũng không được tham gia vào bất kỳ chương trình phòng chống thiên tại có tính thương mại nào khác.

Theo nghiên cứu của chúng tôi, ở một số nhóm sản phẩm bảo hiểm bắt buộc, nhờ chính sách hỗ trợ của Chính phủ, tại một số nước như Ấn Độ, Hàn Quốc… có thể đạt tỷ lệ người nông dân tham gia cao hơn, nhưng xét toàn diện thì không có nước nào vượt qua Mỹ.

 

Nhưng có thể thấy, khó có thể có kết quả trên nếu không có sự tham gia của bên trực tiếp cung cấp sản phẩm bảo hiểm là DN bảo hiểm. Chính phủ Mỹ đã có những chính sách hỗ trợ người nông dân như vậy, còn với DN thì sao, thưa ông?

Chính phủ Mỹ có một cơ quan riêng biệt đứng ra bảo hiểm cho những khu vực có tính rủi ro cao. Việc thiết kế sản phẩm cũng theo yêu cầu của Chính phủ Mỹ. DN bảo hiểm tham gia xây dựng sản phẩm và sau đó là người phân phối trực tiếp sản phẩm này. Để tránh việc cạnh tranh thiếu lành mạnh và xé nhỏ thị trường, nước này đã thiết kế một sản phẩm chung dành để các DN cung ứng cho người nông dân. Vì vậy, các DN bảo hiểm không phải cạnh tranh về giá thành cũng như cạnh tranh về nhiều yếu tố khác. Với DN bảo hiểm, ngoài một số hỗ trợ phụ khác, Chính phủ Mỹ cũng có chính sách hỗ trợ chi phí vận hành đối với việc triển khai sản phẩm bảo hiểm này.

 

Còn tại Việt Nam, trong nghiên cứu của Aon Benfield, thách thức lớn nhất đối với bảo hiểm nông nghiệp hiện là gì?

Qua nghiên cứu có thể thấy, Việt Nam còn không ít thách thức để xây dựng một chương trình bảo hiểm nông nghiệp thành công. Trong đó, phải kể đến tâm lý người nông dân chưa có thói quen mua bảo hiểm, dẫn đến việc tuyên truyền, vận động tham gia bảo hiểm gặp khó; sự phân tán của những đối tượng được bảo hiểm trên toàn quốc cũng gây khó cho việc thu phí và chi trả bồi thường…

Theo chúng tôi, thách thức lớn nhất tại Việt Nam hiện nay là người dân tham gia bảo hiểm quá ít, một phần cũng do phí bảo hiểm còn cao. Vậy nên, muốn cải thiện nghiệp vụ này, Việt Nam cần tìm cách giảm bớt phí, từ đó thu hút thêm người dân tham gia mua bảo hiểm và khi đó tăng khả năng phân tán rủi ro, tạo cơ hội giảm phí bảo hiểm.

 

Với những người nông dân Việt Nam còn đang thờ ơ với bảo hiểm nông nghiệp, nếu có dịp trao đổi, ông sẽ nói gì để khích lệ họ tham gia?

Ở tầm vĩ mô, chương trình bảo hiểm nông nghiệp có thể mang lại nhiều lợi ích, ví dụ như cung cấp nguồn vốn và chuyên môn quốc tế bằng cách hợp tác với các tập đoàn tái bảo hiểm trên thế giới; giúp chính phủ các nước bảo đảm sự ổn định của ngân sách quốc gia, giải phóng nguồn vốn địa phương để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng khác. Tại Việt Nam , bão lũ có thể gây thiệt hại lớn cho vật nuôi và thủy sản cũng như giá thành sản xuất của sản lượng lúa nước. Năm 2011, GDP của Việt Nam ước tính là 120 tỷ USD, nhưng chỉ cần sản lượng lúa gạo sụt giảm 1% có thể dẫn đến sụt giảm nguồn thu ngân sách lên tới 260 triệu USD.

Còn với người nông dân, tôi sẽ nói với họ rằng, ý nghĩa thiết thực và lớn lao sẽ nằm ngay ở việc mang lại sự ổn định tài chính nhất định cho họ, đồng thời góp phần đào tạo người nông dân những kỹ năng canh tác và quản lý rủi ro tốt hơn.

Diệu Minh thực hiện.
Diệu Minh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục