Đó là thông tin được ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước TP. HCM cho biết tại Hội nghị tổng kết hoạt động ngân hàng trên địa bàn TP. HCM năm 2013.
Cũng theo số liệu của ông Lâm, ước đến cuối năm 2013, tổng vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố tăng 11% so với năm trước; tăng trưởng tín dụng đạt 9%; tỷ lệ nợ xấu 5,49%.
Riêng kết quả kinh doanh (chênh lệch thu nhập và chi phí) của các ngân hàng trên địa bàn năm 2013 đạt 5.459 tỷ đồng (con số của năm 2012 là hơn 666 tỷ đồng). Tuy vậy, số liệu thống kê cho thấy, vẫn có 80 chi nhánh trên tổng số 378 chi nhánh của các tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn TP.HCM vẫn thua lỗ (chiếm tỷ lệ khoảng 21%), nhưng sau khi bù trừ, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn tăng.
Năm 2013, các ngân hàng trên địa bàn TP. HCM đã xử lý được 20.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó, thu nợ bằng tiền là 5.846 tỷ đồng, bằng dự phòng rủi ro là 4.594 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC là 5.174 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo ông Lâm, nợ xấu và ảnh hưởng của nợ xấu vẫn là vấn đề đặc biệt quan tâm của các ngân hàng và cả hệ thống. Nợ xấu tiếp tục phát sinh, ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các ngân hàng.
Mặc dù lợi nhuận của các ngân hàng có cải thiện so với năm trước, song nhìn chung, các nhà băng cũng chỉ có thể đạt được 50 - 70% chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng sẽ khó có thể đạt mức cao và chia cổ tức nhiều. Vì ngân hàng là kênh kinh doanh trung gian, nên không thể lời nhiều, nhất là khi chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay đang dần thu hẹp lại nên lợi nhuận khó đạt mức cao như trước đây.
Thậm chí, một số ngân hàng trong năm nay sẽ không còn cổ tức cho cổ đông, mà phải dành lợi nhuận để trích dự phòng rủi ro. Điều này cũng được Ngân hàng Nhà nước khuyến khích, vì hoạt động ngân hàng an toàn mới có thể kỳ vọng lợi nhuận.