“Tăng trưởng cao hơn, rủi ro lớn hơn, mức lợi nhuận nhích lên một chút” là quan điểm của chiến lược gia này trong năm 2017 và rõ ràng, các yếu tố nền trong báo cáo đã bị tác động mạnh bởi sự thay đổi của vị trí tổng thống nước Mỹ.
Dưới đây là nội dung chính của các yếu tố then chốt mà Goldman Sachs cho rằng sẽ tạo nên bối cảnh chung của hoạt động đầu tư năm 2017.
Lợi nhuận nhỉnh hơn chút ít
Trong năm 2016, chủ nhân của các tài sản trên thị trường tài chính có nhiều lý do hợp lý để kỳ vọng lợi nhuận thu về theo xu hướng đi lên, nhưng thực tế, khả năng sinh lời của tài sản vẫn duy trì ở mức thấp. Diễn biến này sẽ có chút cải thiện trong năm 2017, tuy nhiên dường như không tạo nên thay đổi đáng kể.
“Sự cải thiện lớn nhất về cơ hội đầu tư tại thị trường chứng khoán là ở khu vực châu Á, ngoại trừ Nhật Bản, nơi chúng tôi dự báo lợi nhuận có thể ở mức 12,5% (so với 3,8% năm 2016). Ở chiều ngược lại, chúng tôi dự báo chỉ số Topix của Nhật Bản có thể giảm khoảng 3,7%, so với mức giảm 5,2% năm 2016”, báo cáo cho biết.
Chính sách kinh tế Mỹ theo hướng siêu tăng trưởng
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng vào ngày 9/11, Tổng thống mới của nước Mỹ Donald Trump đã tập trung nói nhiều về việc chi tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng hơn là việc bảo hộ nền kinh tế nội địa hay thắt chặt quy định đối với tình trạng nhập cư. Điều này cho thấy tâm lý chán nản vì kinh tế trì trệ đã bao trùm toàn bộ các thị trường tài chính.
“Thị trường thèm khát sự tăng trưởng. Điều này giải thích tại sao phát biểu của ông Trump lại tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chính điều này đã tác động ngược lại, khiến thị trường chứng khoán khởi sắc rõ rệt sau khi tổng thống mới đưa ra thông điệp tập trung vào tăng trưởng”, Himmelberg cho biết.
Bên cạnh đó, dễ nhìn thấy diễn biến của các thị trường tài chính sau bầu cử cho tới nay thể hiện rằng, giới đầu tư đã đánh giá nền kinh tế dưới quyền của tổng thống Trump từ “mơ hồ” sang “tăng trưởng”.
Lo lắng quá đà về chính sách thương mại Mỹ
Goldman không nhận thấy mối nguy cơ trong ngắn hạn nào có thể dẫn tới chiến tranh thương mại và các chuyên gia kỳ vọng, việc thỏa thuận lại các hiệp định thương mại hiện tại (như Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ - NAFTA), nếu có xảy ra, sẽ theo xu hướng cải thiện các vấn đề tồn tại, qua đó hỗ trợ cho lĩnh vực sản xuất của nước Mỹ.
“Chúng tôi cho rằng các thông điệp đang được lan truyền qua truyền thông trong thời gian qua về xu hướng đi xuống của nền kinh tế hay chiến tranh thương mại chỉ là những phản ứng quá đà. Theo quan điểm của chúng tôi, việc tổng thống Trump sử dụng các chính sách thuế nhằm bảo vệ hàng hóa nội địa cũng sẽ chỉ tạo tác động tương đương những chính sách trước đó của tổng thống Obama, dù bề ngoài có vẻ gay gắt hơn”.
Nguy cơ với thị trường mới nổi: “Cơn giận” của ông Trump chỉ là tạm thời
Tài sản của các thị trường mới nổi đã theo hướng lao dốc kể từ khi kết quả bầu cử được công bố, khi đồng USD mạnh và mức lãi suất được nâng lên kéo dòng tiền quay trở lại nước Mỹ và các mối nguy cơ tiềm ẩn từ đường lối bảo hộ nền kinh tế nội địa của tổng thống mới sẽ đe dọa đà tăng trưởng của khu vực này.
Tuy nhiên, năm 2017, Goldman Sachs cho rằng, xu hướng này sẽ không tiếp diễn. Theo đó, việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng sẽ đi cùng với môi trường lãi suất cao hơn, điều này giúp tài sản của các thị trường mới nổi được hưởng lợi, nhất là tại thị trường chứng khoán.
Nhân dân tệ tiếp tục xu hướng giảm
Tổng thống Donald Trump từng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là quốc gia thao túng thị trường tiền tệ. Gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã thực hiện nhiều chính sách để giữ đồng nhân dân tệ ở mức cao hơn so với giá trị thực bằng cách sử dụng kho dự trữ ngoại tệ lớn của mình.
Thực tế, việc đồng nhân dân tệ mất giá đã được nhìn nhận kể từ thời điểm Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ vào tháng 8/2015, khuấy động thị trường tài chính toàn cầu. Các chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng, xu hướng giảm này sẽ tiếp tục trong năm 2017.
“Chúng tôi dự báo tỷ giá USD/CNY sẽ ở mức 1 USD đổi 7,3 nhân dân tệ trong 12 tháng tới”.
Lợi nhuận công ty chuyển biến tích cực
Trong nhiều năm qua, các công ty thuộc S&P 500 thường báo cáo kết quả kinh doanh vượt mong đợi của các chuyên gia nhờ vào sự kết hợp của chính sách cắt giảm chi phí và thu hẹp hoạt động tại một số thị trường, thay vì gia tăng doanh số bán hàng hay đẩy mạnh tăng trưởng thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS).
Tuy nhiên, Goldman Sachs kỳ vọng “2017 sẽ là năm mà các doanh nghiệp Mỹ nói chung và trên các thị trường nói riêng trỗi dậy từ chu kỳ giảm doanh thu gần đây”.
Nền kinh tế toàn cầu hoạt động ổn định hơn cùng với sự phục hồi của giá dầu kể từ mức thấp nhất vào tháng 2/2016 là dấu hiệu tốt để kỳ vọng vào tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp.
“Năm 2017, Đội ngũ chiến lược đầu tư tại Mỹ của chúng tôi kỳ vọng sự cải thiện tích cực của bối cảnh kinh tế vĩ mô sẽ giúp EPS của chỉ số S&P 500 tăng 10%, lên mức 116 USD/cổ phiếu và chỉ số này sẽ kết thúc năm ở mức mục tiêu 2.200 điểm”, Himmelberg cho biết.
Lạm phát tại các thị trường phát triển đi lên
Theo các chuyên gia kinh tế cũng như giới đầu tư, tỷ phú Donald Trump được nhận định sẽ là vị tổng thống khiến lạm phát “vĩ đại” một lần nữa.
“Điều này đối với chúng tôi là rất rõ ràng, không có nhiều điều phải tranh cãi. Các yếu tố cơ bản như giảm thuế, tăng chi tiêu dành cho xây dựng cơ sở hạ tầng và quân sự đều nằm trong công thức gia tăng lạm phát. Bên cạnh nước Mỹ, chúng tôi dự báo việc tăng chi tiêu công tại Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu, các quốc gia vốn đang chịu áp lực lạm phát đi xuống, sẽ khiến tình trạng này được cải thiện”, báo cáo của Goldman viết.
Các chiến lược gia cũng cho rằng, ngân hàng trung ương các nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện tại sẵn sàng làm “quá tay” để đẩy nhanh lạm phát, sau một thời gian dài chưa đạt được mức lạm phát mục tiêu dù đã thực hiện nhiều chính sách.
Thị trường hàng hóa bớt nhiều nỗi lo
Năm 2016, phân khúc thị trường hàng hóa đã chịu nhiều tổn thương, nhưng nỗi đau này sẽ không lan rộng sang năm 2017. Đội ngũ của Goldman Sachs cho rằng, chu kỳ tới của bánh xe kinh tế sẽ không khiến thị trường này trở nên tệ hơn.
“Các cấu phần mạnh mẽ của bánh xe kinh tế khiến chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn với suy nghĩ rằng, những điểm yếu của nền kinh tế sẽ không sớm vật chất hóa trong năm 2017 và thị trường hàng hóa sẽ tốt hơn”.