Các vấn đề kinh tế sẽ được Chính phủ ưu tiên thực hiện trong năm 2015 dự kiến gồm các vấn đề sau:
1. Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương
a) Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để chủ động kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
b) Điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ. Tăng dư nợ tín dụng phù hợp và nâng cao chất lượng tín dụng
c) Chủ động thực hiện các giải pháp quản lý hiệu quả thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Nghiên cứu thực hiện các giải pháp huy động nguồn lực vàng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khi các điều kiện thị trường thuận lợi.
d) Phối hợp với các Bộ, ngành có các biện pháp phù hợp để tiếp tục bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước.
đ) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tuyệt đối an toàn hệ thống; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính
a) Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương:
- Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính - ngân sách. Tổ chức, điều hành dự toán ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Sử dụng nguồn tăng thu ngân sách nhà nước năm 2014 để ưu tiên trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển và thực hiện một số khoản chi theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Không đề xuất, ban hành chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp cắt giảm thuế để thực hiện cam kết quốc tế.
- Tổ chức thực hiện tốt các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của Quốc hội. Tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế; kiểm soát chặt chẽ việc hoàn thuế giá trị gia tăng; xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế. Định kỳ công khai số thuế nợ đọng của từng địa phương, doanh nghiệp.- Điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao. Không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài dự toán quy định.
- Hướng dẫn các Bộ, cơ quan, địa phương thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công. Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài; định kỳ hàng quý báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
- Không mua xe công, trừ xe chuyên dụng theo quy định của pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn đến không còn xe phục vụ công tác và xe cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã đến hạn thay thế theo quy định.
- Không ứng trước dự toán ngân sách nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt (thiên tai bão lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...), Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
- Dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30 tháng 6 năm 2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Rà soát, quản lý chặt chẽ để giảm mạnh chi chuyển nguồn sang năm sau. Chỉ thực hiện chuyển nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật.
- Quản lý chặt chẽ nợ công; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, cơ cấu lại nợ công. Thường xuyên theo dõi, đánh giá về an toàn nợ công, định kỳ 6 tháng, hàng năm hoặc theo yêu cầu báo cáo Chính phủ. Bảo đảm nợ Chính phủ, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật.
Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, quản lý chặt chẽ Quỹ tích lũy trả nợ. Tăng cường kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay; kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ, giảm dần hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ, tiến tới thu hẹp để tập trung hỗ trợ của Chính phủ cho các dự án, chương trình trọng điểm, chuyển dần sang kênh bảo lãnh của các ngân hàng thương mại, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước theo quy định; mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương. Cơ cấu lại các khoản vay nợ ngắn hạn, chuyển sang các khoản vay nợ trung và dài hạn, giảm chi phí vốn vay.
- Từ năm 2015, phát hành trái phiếu chính phủ kỳ hạn từ 05 năm trở lên, không thực hiện các khoản vay có kỳ hạn ngắn cho bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, giảm mức vay đảo nợ.
- Theo dõi diễn biến tình hình và chủ động tính toán các phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách năm 2015 trong trường hợp giá dầu có biến động lớn.
b) Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương:
- Hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương phân bổ, quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và Quyết định Thủ tướng Chính phủ. Bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, ODA; tập trung vốn đầu tư cho các công trình quan trọng, cấp bách có khả năng hoàn thành trong năm 2015 để sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả. Bảo đảm vốn đối ứng cho các dự án ODA.
- Rà soát tình hình và tiến độ thực hiện kế hoạch giải ngân các chương trình dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, nhất là các dự án quan trọng, cấp bách; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kế hoạch vốn ODA trong trường hợp cần thiết; Đổi mới chính sách, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, các hình thức đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
- Tổ chức triển khai có hiệu quả Luật Đầu tư công, đặc biệt các quy định về chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015; rà soát tổng thể cắt giảm, lồng ghép, thu gọn các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 22/CT-TTg về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 5 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 của Thủ tướng Chính phủ
- Theo dõi diễn biến tình hình biến động giá dầu, sản lượng khai thác, đánh giá các tác động ảnh hưởng đến tăng trưởng, đầu tư, lạm phát và đề xuất giải pháp ngay từ đầu năm.
3. Phát triển thị trường, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa; tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả
a) Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương:
- Tăng cường công tác quản lý điều hành, theo dõi sát diễn biến thị trường, có biện pháp điều tiết kịp thời, bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, tăng giá bất hợp lý, đặc biệt là các thời điểm lễ, Tết.
- Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ của Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014 – 2020, Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia. Phát triển hệ thống phân phối, các hoạt động kết nối cung cầu tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển mạnh thị trường hàng hóa trong nước, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nhập khẩu. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường, bảo đảm môi trường cạnh tranh, kiểm soát độc quyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
b) Chính phủ giao các Bộ: Tài chính, Công Thương, Công an, Quốc phòng và các Bộ, cơ quan liên quan, địa phương:
- Thực hiện công khai, minh bạch trong điều hành đối với giá năng lượng và các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu khác theo quy định của pháp luật quản lý giá.
- Chủ động áp dụng các biện pháp bình ổn thị trường, giá cả. Giám sát chặt chẽ hoạt động đăng ký, kê khai giá của doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Điều chỉnh giá dịch vụ công (học phí, viện phí) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2015. Mở rộng thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Từng bước chuyển phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng.
- Triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đối với những mặt hàng và trên các tuyến trọng điểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.
- Nâng cao năng lực và hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan chức năng cả ở Trung ương và địa phương; tăng cường thông tin tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia tích cực vào cuộc vận động chống buôn lậu, gian lận thương mại.