Chính sách thương mại của Donald Trump
Không thể phủ nhận niềm tin của các nhà đầu tư đã được cải thiện đáng kể từ sau tuyên bố sẽ thực thi các biện pháp kích thích tài khóa và nới lỏng quy định đầu tư doanh nghiệp của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Chu kỳ kinh doanh khởi sắc được kỳ vọng đã bắt đầu, khi dòng tiền đang dần chảy nhiều hơn từ trái phiếu sang thị trường chứng khoán.
Chỉ số S&P 500, Dow Jones và Nasdaq Composite trên thị trường chứng khoán Mỹ đều đã thiết lập các mức đỉnh cao bất ngờ kể từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11 năm 2016. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để hoàn toàn lạc quan về xu thế vận động của thị trường, khi rủi ro đồng USD tăng giá cao hơn sẽ hạn chế đáng kể lợi nhuận của các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích cho rằng, các chính sách thương mại theo xu hướng bảo hộ nội địa của ông Trump đem lại lợi ích cho nước Mỹ, song không có lợi cho xu thế toàn cầu hóa và mở cửa tự do. Vì thế, cần phải chờ đợi thêm một vài tháng tới để thực sự có cái nhìn toàn cảnh về thương mại toàn cầu trong mối tương quan với chính sách của tân Tổng thống Mỹ.
Châu Âu và nước Anh sẽ giải quyết Brexit như thế nào?
Việc Vương quốc Anh sẽ hoàn tất thủ tục ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) ra sao trong năm 2017 là thước đo đánh giá các rủi ro địa chính trị, cũng như cơ hội kinh doanh trong năm 2017.
Khả năng không còn được tiếp cận thị trường chung châu Âu cũng khiến các nhà đầu tư bán tháo đồng Bảng và tài sản tại Anh, đồng thời làm dấy lên nguy cơ London không còn giữ được vị thế là một trong những trung tâm tài chính lớn nhất thế giới.
Một số chuyên gia còn lo ngại về tương lai của Brexit tác động tới đồng euro ra sao, trong bối cảnh Pháp, Italy, Đức và Hà Lan sẽ tổ chức các cuộc bầu cử quan trọng trong năm 2017. Nếu xu thế “chống euro” tiếp tục lan rộng, khi ngay cả tại Đức cũng đã xuất hiện yêu cầu đánh giá lại vai trò của đồng tiền khu vực, những rủi ro mà “lục địa già” tiếp tục phải đối mặt và vượt qua năm 2017 là không thể bỏ qua.
Thị trường dầu mỏ sẽ tái cân bằng?
Nguồn cung dầu mỏ từ các nhà sản xuất lớn nhất thế giới sẽ là trọng tâm mà các nhà giao dịch “vàng đen” dõi theo ngay trong những ngày đầu năm 2017, khi thị trường bắt đầu đánh giá về sản lượng mà Ả Rập Xê út và Nga cắt giảm sau thỏa thuận mà 2 nước đã đạt được lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Tuy nhiên, thị trường có thực sự tái cân bằng vẫn là một dấu hỏi, trước khả năng Mỹ sẽ lại tăng trữ lượng dầu mỏ đá phiến, khi giá dầu phục hồi và nguồn cung dồi dào từ Libya hay Nigeria. Kết quả của các kịch bản này sẽ được quyết định khi giá dầu duy trì trên mức 50 USD/thùng.
“Thị trường sẽ bước vào giai đoạn chờ đợi và quan sát cho đến khi câu trả lời rõ ràng về nguồn cung và nhu cầu dầu mỏ được giải đáp”, Michael Witter, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng tại Société Générale nhận định.
Các ngân hàng toàn cầu có còn là địa điểm đầu tư?
Cổ phiếu của các ngân hàng đã tăng trở lại tại Nhật Bản và châu Âu, thậm chí tăng tới 2 con số tại Mỹ trong nửa cuối năm 2016, ghi nhận sự thay đổi bước ngoặt so với năm trước đó, thời điểm khu vực ngân hàng vẫn chìm trong nỗi lo về xói mòn lợi nhuận từ tình trạng lãi suất thấp và lãi suất âm, cùng các quy định quản lý bị thắt chặt.
Theo các nhà đầu tư, một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra sự thay đổi này là triển vọng lãi suất cao hơn từ nền tảng tăng trưởng kinh tế được cải thiện. Tuy nhiên, sự phục hồi của hệ thống ngân hàng, đặc biệt tại châu Âu, còn phải trải qua nhiều thử thách trong năm nay.
Điều kiện tài chính có bị thắt chặt?
Thị trường tài chính đang vận động quanh kịch bản Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2017. Philippe Ithurbide, nhà phân tích tại Amundi Asset Management cho rằng, không dễ để có thể thấu hiểu thông điệp mà Fed đang tìm cách hướng tới: tăng trưởng kinh tế cao hơn, đồng USD yếu hơn và chính sách tiền tệ thắt chặt hơn. Liệu Fed có quá tham vọng khi theo đuổi cùng lúc 3 mục tiêu này? Câu trả lời sẽ rõ ràng hơn trong năm nay.
Kỳ vọng trên thị trường IPO
Thị trường niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đã chậm lại đáng kể so với năm 2015, song được dự đoán sẽ phục hồi trở lại trong năm 2017. Giới phân tích kỳ vọng thị trường IPO sẽ khởi sắc trong quý II/2017, trong đó đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của các công ty công nghệ.
Snapchat, ứng dụng nhắn tin nổi tiếng, đang chuẩn bị thực hiện một thương vụ IPO khổng lồ trong tháng 3 tới, với giá trị ước tính lên tới 20-25 tỷ USD. Nếu thành công, Snapchat có thể thu hút các “kỳ lân” công nghệ khác tham gia vào thị trường IPO màu mỡ.