6 tháng đầu năm, Chính phủ đã thí điểm các mô hình mới “chưa có tiền lệ“

Trình bày báo cáo kiểm điểm, đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, phương hướng chỉ đạo, điều hành 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết thời gian qua, Chính phủ đã thí điểm tổ chức các mô hình mới, chưa có tiền lệ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: VGP) Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng (Ảnh: VGP)

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, xác định năm 2019 tăng tốc, bứt phá, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chính phủ thống nhất phương châm: "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá"; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước để quán triệt Kết luận của Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội; đã ban hành các Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP với 8 nhóm giải pháp và 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và 5 nhóm giải pháp với 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo 6 trọng tâm điều hành là: (1) Phát triển kinh tế, củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng; (2) phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế; (3) tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) cải cách hành chính mạnh mẽ, xây dựng chính phủ điện tử, phòng chống tham nhũng, lãng phí; (5) tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh đối ngoại; (6) đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tạo đồng thuận xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng dành thời gian chỉ đạo, khảo sát, tham vấn, chuẩn bị Đề cương chi tiết Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 và Báo cáo tình hình KT-XH 5 năm 2016 - 2020, Kế hoạch phát triển KT-XH 2021-2025, trình Bộ Chính trị và Trung ương.

Với phương châm đó, về xây dựng thể chế, hoạch định chính sách, Chính phủ tập trung thể chế hóa các chủ trương của Đảng, tích cực triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Quan điểm xây dựng chính sách là bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, loại bỏ lợi ích nhóm, tháo gỡ mọi vướng mắc, tạo động lực thực sự cho đầu tư kinh doanh, phát triển.

Đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng thể chế. Các phiên họp thường kỳ đều ưu tiên thời gian thảo luận chính sách pháp luật; tổ chức 1 phiên chuyên đề thảo luận sâu về các dự án luật. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, xử lý những vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng, ban hành văn bản. Đã ban hành 3 nghị định để tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thêm 106 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số lên 3.451 điều kiện kinh doanh đã được cắt giảm. Đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát việc cắt giảm thực chất các thủ tục kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh, không để phát sinh các giấy phép con.

Tiếp tục thí điểm tổ chức các mô hình mới, chưa có tiền lệ để kiểm chứng, đánh giá, hoàn thiện chính sách như: Việc nghiên cứu, xây dựng tiêu chí thành lập Trung tâm Hành chính công; thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các bệnh viện; thí điểm mở rộng quyền tự chủ của trường đại học...

Chính phủ đã chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế và từng ngành, lĩnh vực thực chất và hiệu quả hơn, trong đó tập trung giải quyết những bất cập trong phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (nhất là các thủ tục tiếp cận đất đai, tài nguyên, tín dụng, chi phí không chính thức,...), nâng cao năng suất lao động và cạnh tranh quốc gia. Các chính sách khuyến khích, chiến lược phát triển, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệpđã tạo động lực, phát huy tiềm năng, khơi dậy những giá trị mới.

Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Đẩy mạnh triển khai Đề án Hệ tri thức Việt số hóa. Xây dựng Đề án thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia; Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia…Triển khai hiệu quả cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi nhằm bảo đảm tăng trưởng và nhu cầu thực phẩm…

Về những điểm yếu, hạn chế còn tồn tại, ông Mai Tiến Dũng đánh giá, một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Người đứng đầu một số cơ quan chưa sâu sát, thiếu quyết liệt. Tinh thần phục vụ, đạo đức công vụ, chất lượng một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu, thiếu trách nhiệm; còn có những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà, vi phạm pháp luật khi thi hành công vụ.

Về phương hướng 6 tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu tiếp tục cải cách thực chất thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp.

Từng Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng thể chế, xử lý vướng mắc do chính sách của ngành, lĩnh vực. Người đứng đầu các bộ, cơ quan, địa phương phải kiểm điểm trách nhiệm trước Thủ tướng nếu không hoàn thành các chỉ tiêu của ngành, lĩnh vực.

Thanh Huyền
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục