6 năm tăng hơn 500 công trình "làm nghèo đất nước"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo của đoàn giám sát Quốc hội cho thấy trong 6 năm qua, số lượng công trình chậm tiến độ đã tăng 514 công trình, trong đó nhiều công trình dự án thuộc diện "quy hoạch treo".
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam), một công trình chậm tiến độ nhiều năm Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 (Hà Nam), một công trình chậm tiến độ nhiều năm

Dự án chậm tiến độ tăng đều qua các năm

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, ngày 31/10, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021.

Báo cáo tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, giai đoạn 2016 - 2021 có hàng nghìn dự án sử dụng vốn Nhà nước chậm tiến độ và có xu hướng tăng dần qua các năm. Đây là các dự án, theo cách gọi của nhiều đại biểu Quốc hội là "làm nghèo đất nước".

Cụ thể, năm 2016 có 1.448 dự án chậm tiến độ, năm 2017 là 1.609 dự án, năm 2018 là 1.778 dự án, năm 2019 là 1.878 dự án, năm 2020 là 1.867 dự án, năm 2021 là 1.962 dự án,. Đáng lưu ý, trong đó hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm.

6 năm tăng 514 công trình chậm tiến độ

6 năm tăng 514 công trình chậm tiến độ

Ngoài ra, hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, có dự án điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Hàng trăm dự án vi phạm thủ tục đầu tư.

Đáng lưu ý, hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án. Có nhiều dự án phải xử lý hình sự.

Tỉ lệ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công thấp, đặc biệt là vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài giải ngân rất chậm, nhiều dự án phải gia hạn thời gian hoàn thành, giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường.

Nhiều dự án dở dang, dừng thực hiện dự án hoặc thi công đến điểm dừng kỹ thuật, nhưng chậm hoặc chưa kịp thời rà soát, cắt giảm, gây thất thoát, lãng phí.

Quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, y tế chưa triệt để tiết kiệm, chưa hiệu quả, còn thất thoát, lãng phí.

Số vốn không sử dụng hết, hủy dự toán và chuyển nguồn hàng năm còn lớn và có xu hướng gia tăng.

Quản lý, sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương chưa chặt chẽ, hiệu quả, trong khi số chuyển nguồn cải cách tiền lương tiếp tục xu hướng tăng cao.

Bên cạnh đó, công tác cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2016 - 2020 rất chậm, còn nhiều bất cập. Giai đoạn 2016 - 2020, cổ phần hóa, thoái vốn chỉ đạt 30% kế hoạch. Vốn nhà nước đầu tư tại một số doanh nghiệp chưa được bảo toàn. Nhiều dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn thua lỗ, thất thoát, lãng phí.

Về nguyên nhân, Báo cáo chỉ ra rằng, việc lập, thẩm định dự toán NSNN chưa sát thực tế. Nợ đọng thuế, thất thu, chậm thu, thu không đúng, không đủ; vi phạm các quy định về định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn diễn ra tương đối phổ biến.

Kỷ luật, kỷ cương trong lập, chấp hành, tổ chức thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm chưa nghiêm. Giao kế hoạch vốn đầu tư công chậm, nhiều lần trong năm.

Công tác chuẩn bị đầu tư, lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án còn nhiều tồn tại, bất cập.

Quy hoạch treo còn khá phổ biến

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, 5/6 quy hoạch vùng, hầu hết quy hoạch cấp tỉnh đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Quy hoạch treo, dự án treo còn khá phổ biến.

Chỉ tính riêng 7/15 địa phương Đoàn giám sát làm việc có báo cáo, đã có 1.739 công trình, dự án được UBND cấp tỉnh phê duyệt nhưng không triển khai phải hủy bỏ, với tổng diện tích 12.015 ha.

Diện tích đất chưa sử dụng, để hoang hóa tại nhiều dự án, nhất là các khu đô thị còn lớn và kéo dài, có dự án kéo dài hàng chục năm.

Báo cáo cũng chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc, vi phạm trong quy hoạch xây dựng, cấp giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai, giao đất, thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép, thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng đời sống, sinh kế người dân, gây thất thu NSNN và lãng phí trong sử dụng đất.

Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá... gây thất thoát, lãng phí rất lớn.

Hàng nghìn dự án thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, nhưng chưa quan tâm xử lý, thu hồi.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai còn hạn chế. Quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước chưa thật sự bền vững và hiệu quả, còn tình trạng khai thác quá mức, ảnh hưởng lớn đến yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững…

Nhiều vụ việc sai phạm trong đầu tư, đấu thầu, thẩm định giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính công, tài sản công, gây thất thoát, lãng phí rất lớn. Việc triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán Nhà nước còn chậm.

Tỉ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước phát hiện qua điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán chưa cao. Nhiều vụ việc thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kéo dài nhiều năm, gây thất thoát, lãng phí, ách tắc, cản trở việc đưa các nguồn lực, tài nguyên vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

Minh Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục