Tổng số phí công chứng thu được là gần 2.600 tỷ đồng, tổng số thù lao công chứng thu được 180 tỷ đồng, tổng số tiền nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước gần 1.000 tỷ đồng. Đến nay, cả nước có 1.327 công chứng viên, tăng 3,4 lần so với năm 2007. Số lượng các tổ chức hành nghề công chứng cũng tăng gấp 8 lần, từ 84 lên 704 tổ chức, trong đó có 564 văn phòng công chứng.
Hoạt động công chứng đã góp phần không nhỏ trong việc đảm bảo tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi và tin cậy cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, thương mại, đồng thời giảm thiểu công việc cho Tòa án và các cơ quan nhà nước trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện, thông qua đó bảo đảm trật tự an toàn và tiết kiệm chi phí cho xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động công chứng vẫn còn những hạn chế, đó là một bộ phận công chứng viên còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề dẫn đến sai sót trong hoạt động, ảnh hưởng đến chất lượng văn bản công chứng; một số công chứng viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, có hiện tượng cố ý làm trái, không tuân thủ quy trình, cạnh tranh không lành mạnh; một bộ phận tổ chức hành nghề công chứng hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân nên thiếu tính ổn định, bền vững.
Về chứng thực, cũng còn nhiều bất cập như chính quyền cấp huyện, xã vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân, có hiện tượng quá tải, chất lượng văn bản chứng thực trong một số trường hợp chưa bảo đảm, đặc biệt việc chứng thực hợp đồng, giao dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản từ UBND cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng theo quy định còn lúng túng trong tổ chức và thực hiện...
Bộ trưởng Hà Hùng Cường kiến nghị Quốc hội sớm xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng và xem xét, đưa việc xây dựng Luật Chứng thực vào Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2015, hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động công chứng, chứng thực.