Với tư cách là đơn vị được Thủ tướng Chính phủ giao làm cơ quan tham mưu, điều phối của Chính phủ về triển khai thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, ngày 26/4, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin tới báo giới tiến độ triển khai Đề án.
Theo đó, Thứ trưởng Thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh đánh giá, sau khi được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành cách đây hơn 2 tháng và có hiệu lực ngay từ ngày ký, nhưng tiến độ triển khai Đề án diễn ra còn chậm. Tuy nhiều nhiệm vụ đặt ra thực hiện trong trung và dài hạn, nhưng để đảm bảo hiệu quả, Đề án phải được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm nay. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang thúc đẩy việc triển khai Đề án theo hướng đi vào thực chất, mang lại hiệu quả rõ nét trong thời gian tới...
Vì sự chậm trễ trên, mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang rốt ráo triển khai các giải pháp, để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước... tập trung nguồn lực, cũng như dành ưu tiên thỏa đáng để triển khai hiệu quả Đề án.
Cần thay đổi tư duy cổ phần hóa DNNN với tư cách là một trong những giải pháp để thúc đẩy cải cách khu vực DN này
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Bộ đang hoàn thiện văn bản để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục gồm 55 phần việc, nhằm thúc đẩy triển khai Đề án hiệu quả. Trong đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thành lập Ban chỉ đạo tổ chức triển khai Đề án. Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, ngoài tập trung hoàn chỉnh đề án tái cấu trúc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và khẩn trương triển khai, còn phải làm rõ các chức danh nào, phải làm gì để góp phần triển khai Đề án tái cơ cấu nền kinh tế mang lại kết quả thực chất.
“Nội dung văn bản triển khai Đề án cần tập trung đưa ra các giải pháp mang tính cốt lõi và khác biệt so với cách tiếp cận lâu nay, để tạo ra những chuyển biến rõ nét trong tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt là tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng...”, ông Cung nhấn mạnh, đồng thời nhìn nhận, để tạo nền tảng vững chắc cho triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, điều kiện tiên quyết là phải ổn định cho được kinh tế vĩ mô trong dài hạn.
Bên cạnh đó, cần thay đổi tư duy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với tư cách là một trong những giải pháp để thúc đẩy cải cách khu vực doanh nghiệp này. Tiến trình cổ phần hóa đang rơi vào chậm trễ, bởi TTCK ảm đạm làm suy giảm sức cầu. Để sớm thoát ra khỏi tình trạng này, cần khẩn trương sửa đổi Nghị định về chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần, kèm theo đó là đổi mới cơ chế thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối theo hướng phải phù hợp hơn với sự ảm đạm của thị trường. Sẽ là khó khả thi một khi giữ cơ chế cũ và chờ thị trường sôi động trở lại để làm nóng quá trình cổ phần hóa.
Việc triển khai Đề án đang được hy vọng sẽ tạo ra những thay đổi căn bản trong nội tại nền kinh tế, qua đó hình thành một cánh vững chắc để cùng với một cái cánh còn lại là những cơ hội do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, mà lớn nhất là WTO và sắp tới là Hiệp định xuyên Thái Bình Dương, sẽ tạo động lực để nền kinh tế Việt Nam phát triển vững chắc hơn.
“Để kỳ vọng trên sớm trở thành hiện thực, sắp tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ định kỳ hàng quý và hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ triển khai Đề án, cũng như kiến nghị, đề xuất các giải pháp, nhằm đảm bảo thực hiện Đề án thực chất, hiệu quả...”, ông Cung cho biết thêm.