Năm nào cũng vậy, ĐHCĐ CTCP Sữa Hà Nội (mã HNM) luôn diễn ra gay cấn. Với khoản lỗ lũy kế 60 tỷ đồng còn treo lơ lửng, nhiều vấn đề đã được cổ đông Hanoimilk đem ra chất vấn tại đại hội cuối tuần qua.
Công ty sữa lãi từ... bất động sản
Theo các cổ đông, nếu mỗi năm chỉ lãi 1 - 2 tỷ đồng như hiện nay thì phải đến hơn 50 năm nữa, HNM mới có thể chia cổ tức cho cổ đông. Với sản phẩm tốt, đội ngũ cán bộ chất lượng cao, Công ty cần sớm siết lại hoạt động để có lãi với mức cao hơn.
“EPS 97 đồng, tương đương mức lãi trên 1%/năm, thấp hơn nhiều lãi suất ngân hàng. Hơn nữa, năm 2012, mức lãi hơn 1 tỷ đồng có được là từ lợi nhuận khác (từ khu đất ở Bình Dương), chứ không phải từ sản xuất - kinh doanh sữa. Cổ đông không góp vốn để Công ty đầu tư vào bất động sản”, một cổ đông nói.
Lãnh đạo Công ty trình bày: “Nếu tính chi li thì phần lợi nhuận khác chưa đủ bù số tiền lãi ngân hàng mà Công ty phải trả và hạch toán vào chi phí sản xuất - kinh doanh. Công ty làm ăn có lãi, nhưng chưa nhiều và phải trích lập quỹ dự phòng cho các tồn tại cũ. Số tiền trích lập dự phòng lên tới hàng tỷ đồng đã làm giảm lợi nhuận của Công ty. Hơn nữa, do theo đuổi chính sách chất lượng, nên giá thành sản xuất cao mà giá bán thấp hơn đối thủ cạnh tranh, khiến lợi nhuận thấp. Tuy nhiên, HĐQT sẽ xem xét phương án kết chuyển thặng dư vốn sang bù lỗ lũy kế để có thể sớm chia lãi cho cổ đông”.
Về hoạt động 6 tháng đầu năm, ông Hà Quang Tuấn, Chủ tịch HĐQT HNM cho biết, quý I/2013, Công ty bị lỗ và không hoàn thành kế hoạch doanh thu. Nhưng từ cuối tháng 4, với sản phẩm mới IZZI Ngon Công thức S+, doanh số đang tăng dần: Tháng 4 là 20,3 tỷ đồng, tháng 5 là 28,7 tỷ đồng và dự kiến tháng 6, doanh số khoảng 35 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch đặt ra. Nếu duy trì được mức doanh thu này và không bị phân bổ chi phí marketing tập trung vào cùng một thời điểm thì Công ty sẽ có lãi. Tuy nhiên, công ty sữa nào cũng khó khăn, ngành sữa năm 2013 dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 10%.
Về khoản đầu tư vào CTCP Sữa Tự Nhiên tại khu đất Bình Dương, do không bán được nên phải chuyển sang hợp tác đầu tư góp vốn. Vốn ban đầu của công ty này là 30 tỷ đồng, trong đó HNM chiếm 27 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó, vốn điều lệ của Sữa Tự Nhiên tăng lên đến 150 tỷ đồng, nên HNM chỉ còn sở hữu 18% vốn điều lệ.
“Mức thù lao 50 triệu/tháng không phải là lớn”
Không ít cổ đông thắc mắc: Công ty đang làm ăn thua lỗ, giá cổ phiếu rớt thảm hại, cổ đông bị thiệt hại lớn. Vậy tại sao dự kiến thù lao Chủ tịch HĐQT năm 2013 lại quá cao (50 triệu đồng/tháng). Năm 2012, thu nhập của HĐQT và Ban giám đốc đạt 3,6 tỷ đồng, tăng 29,5%.
“Chủ tịch HĐQT cũng là cổ đông lớn, cổ phiếu rớt giá, Công ty không lãi, chúng tôi cũng bị thiệt hại và rất chua xót. Tuy nhiên, việc cổ phiếu rớt sâu không hẳn do tình hình sản xuất của Công ty mà còn do tình hình chung”, ông Tuấn giãi bày và khẳng định, cá nhân ông đã đặt hết danh dự, tài sản và làm việc ngày đêm vì Công ty, nên mức lương 50 triệu đồng/tháng kể trên không phải là lớn. “Chúng tôi là những người có trình độ và kinh nghiệm, nếu có phải đi làm thuê thì cũng sẽ được hưởng mức lương hàng chục nghìn USD/tháng, đề nghị cổ đông chia sẻ”.
Nếu bán hàng qua Big C và Metro, Hanoimilk sẽ lỗ từ 8 - 10%
Trả lời cổ đông về câu hỏi vì sao không đưa sản phẩm Hanoimilk vào các siêu thị như Metro, Big C, ông Tuấn giải thích, hiện Big C yêu cầu các mức chiết khấu từ 11 - 13%, nếu cộng với chiết khấu khuyến mại 8%, chi phí thuê kệ để trưng bày… thì tổng chi phí chiếm đến 28 - 30% doanh số bán hàng. Chi phí bán hàng qua Metro còn lớn hơn.
“Nếu bán hàng qua các siêu thị này, HNM sẽ bị lỗ từ 8 - 10%. Vì vậy, trên 90% doanh số bán hàng của các công ty sữa là qua kênh các cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải duy trì bán một phần hàng qua các siêu thị để có hiện diện và Công ty đang phải bù lỗ cho việc bán hàng này”, Chủ tịch Công ty nói.
Có cổ đông cũng băn khoăn về việc HĐQT nên cân nhắc hiệu quả của chi phí bán hàng/marketing sao cho hiệu quả. Lãnh đạo HNM trả lời: “Nếu thu mua sữa tươi giá cao (13.500 - 14.000 đồng/lít) và bán một hộp sữa tươi 180 ml giá 7.000 đồng/hộp thì giá vốn lên tới 77%. Bởi vậy, chúng tôi không sản xuất sữa tươi Hanoimilk 100%, không chấp nhận pha sữa hoàn nguyên để bán với tên sữa tươi. HNM đang làm sữa IZZI có chất lượng cao nên chúng tôi không làm gian dối được và để làm được sữa này, chi phí sản xuất năm 2012 là 72%. Chúng tôi sẽ cố gắng tiết kiệm chi phí sản xuất hơn nữa, nhưng điều quan trọng là phải làm sao cho người tiêu dùng mua sản phẩm sữa IZZI nhiều hơn, ít nhất cũng phải gần bằng đối thủ cạnh tranh. Đây là vấn đề chính để có lợi nhuận tốt cho Công ty. Tuy nhiên, điều này không dễ vì thay đổi suy nghĩ của người tiêu dùng phải mất nhiều thời gian và chi phí quảng cáo”.