Đây là thông tin vừa được Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) công bố trong Báo cáo động thái doanh nghiệp (VBiS) 6 tháng đầu năm 2014.
Cần nói thêm rằng, kết quả này dựa trên khảo sát hoạt động của doanh nghiệp trong tháng 4 và tháng 5. Nghĩa là, những tác động tiêu cực về thị trường do diễn biến phức tạp trên Biển Đông có thể chưa được tính tới trong khảo sát. Do vậy, tình hình thực tế có thể còn khó hơn.
Thực trạng trên chắc chắn ảnh hưởng không nhỏ tới kế hoạch kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong 6 tháng cuối năm. Vì trong VBiS, nhiều doanh nghiệp vẫn tin rằng, nhu cầu thị trường trong nước sẽ phục hồi đáng kể, thị trường quốc tế sẽ tăng mạnh mẽ, lượng đơn đặt hàng sẽ gia tăng vào cuối năm…
Tất nhiên, doanh nghiệp sẽ phải tự tiên liệu tình hình thị trường để điều tiết sản xuất, tiến hành đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường, tránh lặp lại nỗi khổ tồn kho dẫn tới hàng loạt doanh nghiệp phải ngừng hoạt động như đã từng xảy ra vào cùng kỳ năm trước.
Song, điều này là chưa đủ. Nhiều kiến nghị về việc được hỗ trợ mở rộng thị trường mới, tăng cường mở rộng thị trường trong nước, xúc tiến bán hàng, đưa hàng về nông thôn, vùng xa… đang được doanh nghiệp đề xuất. Áp lực này tăng hơn khi yêu cầu giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài thị trường đang được đặt ra quyết liệt và không thể chần chừ.
Có hai điều cần phải nhắc lại trong lúc này.
Một là, yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với Bộ Công thương về việc hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp; định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu đối phó với chính sách bảo hộ sản xuất trong nước của các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ tích cực đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế để mở rộng thị trường trong nước, cung cấp thông tin để doanh nghiệp tham gia, tham vấn trong quá trình đàm phán, ký kết. Đây là các nội dung trong Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 21/5/2014 về giải quyết khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước đến năm 2015.
Hai là, kỳ vọng lớn vào các hiệp định thương mại tự do mới đang được Việt Nam tham gia đàm phán. Các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chỉ rõ, 30% trong ngành thương mại, 33% ngành sản xuất và 10% ngành dịch vụ sẽ nhận được những tác động tích cực về mở cửa thị trường khi các hiệp định thương mại mới được ký kết. Trên 50% doanh nghiệp tham gia VBiS thì tin rằng, đây là cơ hội để họ tiếp cận thị trường lớn, thị trường mới trong cả đầu ra và đầu vào. Họ đang muốn tham gia sâu hơn, tích cực hơn vào các vòng đàm phán…
Hai nội dung này được đưa ra vào cùng thời điểm, cả từ hai phía – Chính phủ và doanh nghiệp. Nghĩa là giải pháp, cách làm và vai trò của từng chủ thể liên quan nhằm phá thế bí về đầu ra cho sản phẩm đều đã có. Vấn đề là triển khai như thế nào, để sớm có kết quả cụ thể ngay trong 6 tháng tới.
Cũng phải nói thêm, trong Khảo sát chỉ số kinh doanh BCI của Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cũng vừa công bố cùng thời điểm với VBiS, mức tăng điểm ấn tượng, tới 7 điểm so với quý trước, đã khẳng định sự trở lại về niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam. Song, bàn về sự duy trì sự tăng điểm, Giám đốc điều hành EuroCham, ông Csaba Bundik nhận định: “Chỉ số BCI trở lại giai đoạn thịnh vượng của năm 2011 là một dấu hiệu tích cực, chúng ta nên trân trọng. Tuy nhiên, chúng ta không quên mục tiêu lớn - đó là đạt được hiệp định thương mại tự do khả thi và hiệu quả, đem lại lợi ích rõ ràng cho những doanh nghiệp thành viên, từ đó có thể duy trì tiến trình khả quan của chỉ số BCI”.