5 tồn tại kinh tế Việt Nam cần khắc phục trong 2010

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, 5 điểm yếu cơ bản của Việt Nam vẫn còn tồn tại và thậm chí còn trầm trọng hơn sau khủng hoảng.
Theo dự báo của các chuyên gia, lạm phát năm 2010 của Việt Nam sẽ ở mức cao.

Theo ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam hiện nay bộc lộ 5 điểm yếu cơ bản. Đầu tiên, cấu trúc thị trường hiện nay phát triển không đồng bộ, trong đó bao gồm thị trường đất đai, các thị trường đầu vào cơ bản. Thứ hai, nguồn nhân lực tiếp tục cản trở quá trình tăng trưởng kinh tế lâu dài.

 


Ông Trần Đình Thiên

Điểm yếu thứ ba là khu vực doanh nghiệp hiện nay thiếu và yếu, mặc dù đã chứng tỏ ít nhiều sự linh hoạt. Độ liên kết giữa các doanh nghiệp cũng lỏng lẻo. Thứ tư, năng lực quản trị phát triển ở tầm vĩ mô còn thấp xa so với nhu cầu của quá trình hội nhập, trong đó có cải cách hành chính. Trong năm khủng hoảng vừa rồi, điểm yếu này còn bộc lộ rõ ràng hơn.

 

Điểm yếu thứ năm là những nút thắt tăng trưởng vẫn chưa được giải quyết. "Trong đó nổi trội là cơ sở hạ tầng, hệ thống cung cấp nước, cung cấp điện còn yếu kém", ông Thiên nhận định trong Hội nghị công bố báo cáo kinh tế cập nhật của WB hôm nay.

 

Đồng tình với ông Thiên, ông Matthias Duhn, Giám đốc Phòng thương mại châu Âu tại Hà Nội (Eurocharm) cũng chỉ ra 3 cản trở chính của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư châu Âu, trong đó có cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Cản trở thứ ba của Việt Nam, theo Eurocham, là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài của Chính phủ cần phải rõ ràng để có thể áp dụng ở cả cấp tỉnh và quốc gia.

 

Theo ông Trần Đình Thiên, mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% của Việt Nam không phải là một nhiệm vụ khó khăn và hoàn toàn có thể thực hiện được. Tuy nhiên, theo ông, Việt Nam không nên chăm chăm nhìn vào con số tăng trưởng GDP mà cần tập trung cho những nhiệm vụ quan trọng hơn. "Chống lạm phát sẽ là nhiệm vụ khó khăn nhất trong năm 2010", ông phát biểu tại Hội nghị.

 

Hiện có nhiều yếu tố đe dọa nguy cơ lạm phát leo thang tại Việt Nam. Theo ông Thiên, nguồn cung tiền năm 2009 vượt quá mức khống chế của Chính phủ, lên tới 38 đến 39%. Nguồn ngân sách dành cho chi tiêu Chính phủ cũng tăng lên mức cao, khiến thâm hụt ngân sách lên đến 6,9%, tuy thấp hơn dự kiến nhưng cao hơn kết quả của những năm gần đây.

 

Năm 2009, Việt Nam phục hồi rất tốt, tuy nhiên chi phí cho sự phục hồi này không hề rẻ. Chỉ số ICOR (hệ số đầu tư trên tăng trưởng ) vượt 8%, con số quá lớn đối với một nền kinh tế còn nghèo như Việt Nam, ông Trần Đình Thiên nhận định.

 

Bên cạnh đó, việc tăng lương trong năm nay, vốn được hoan nghênh chờ đợi sau một thời gian dài lạm phát, cũng thúc đẩy giá cả gia tăng. Tình hình kinh tế thế giới phục hồi sẽ ảnh hưởng đến giá nhiên liệu. Nguy cơ lạm phát hai chữ số được các tổ chức khác như IMF cảnh báo từ trước.

 

Ông Trần Đình Thiên đồng tình với Thông điệp đầu năm của Chính phủ, đã lựa chọn việc ổn định kinh tế vĩ mô, chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong năm nay. Từ thông điệp này, ông tin rằng sẽ có nhiều chinh sách đúng đắn được đưa ra trong năm nay.

 

Cũng trong Hội nghị ngày 27/1, ông Matthias Duhn phát biểu: "Eurocham tin rằng thách thức lớn nhất cho Việt Nam trong năm nay là cân bằng tăng trưởng một cách cẩn trọng mà không thúc đẩy lạm phát, đồng thời có những giải pháp dài hạn cho đất nước". Eurocham cho rằng, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cần thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ và kết thúc gói kích cầu.

 

Trong báo cáo cập nhật mới nhất đưa ra ngày 27/1, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, GDP toàn cầu sẽ tăng 2,7% trong năm nay và 3,2% trong năm 2011. Tuy nhiên, WB cũng nói thêm rằng đây chỉ là kịch bản dễ xảy ra nhất. Ngoài ra, tùy thuộc vào lòng tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, kết quả năm nay có thể đao dộng từ 2,6% đến 3,4%. Hồi 2009, GDP toàn cầu giảm 2,2%.

 

Các nước đang phát triển tiếp tục là đầu tàu của thế giới trong quá trình phục hồi, với tốc độ tăng trưởng 5,2% năm nay và 5,8% trong năm sau, so với con số 1,2% của năm vừa rồi. Cùng lúc đó, nhóm nước giàu có tốc độ tăng trưởng chậm hơn nhiều, chỉ đạt khoảng 1,8% trong 2011, so với âm 3,3% hồi 2009.

 

Tuy tăng trưởng dương, những World Bank không dành nhiều lời khen ngợi cho những kết quả mà thế giới đang đạt được sau khủng hoảng. "Thật đáng tiếc, chúng ta không thể trông chờ vào sự phục hồi ngay lập tức sau cuộc khủng hoảng sâu sắc này, mà phải mất khá nhiều năm mới có thể tái thiết các nền kinh tế và tạo việc làm" ông Justin Lin, chuyên gia kinh tế trưởng và Phó chủ tịch cấp cao của Ngân hàng Thế giới phát biểu.

 

Nhìn lại một năm khủng hoảng và suy thoái, WB kết luận thế giới vừa trải qua một cuộ suy thoái có nhiều điểm khác biệt căn bản so với những cuộc khủng hoảng trước đó. Cuộc khủng hoảng hiện nay đánh mạnh vào hầu hết các nước đang phát triển. Tuy nhiên, ngoại trừ nhiều nước châu Âu và Trung Á, hầu hết các quốc gia đều không có biểu hiện mất cân bằng do nền kinh tế vĩ mô mất bền vững, tỷ lệ lạm phát ở 6% hoặc thậm chí thấp hơn. Sau khủng hoảng, người ta thấy được tầm quan trọng của các chính sách vĩ mô khôn khéo vì các nước có sự mất cân bằng lớn nhất chính là những nước phải chịu sự sụt giảm lớn nhất về sản lượng đầu ra.

 

Ngân hàng Thế giới dự đoán ít có khả năng xảy ra suy thoái kép. Tuy tốc độ phục hồi không máy khả quan những suy thoái sẽ không quay trở lại. Tuy nhiên, một số nước có thể chứng kiến một vài quý tăng trưởng âm.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục