Tham luận tại một buổi hội thảo diễn ra đầu tuần này, ông Lưu Quang Tuấn, Phó Viện trưởng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội đã đưa ra nhiều thông tin thú vị về thị trường lao động Việt Nam.
Gần 21% lao động có bằng cấp
Theo thông tin thống kê được vị chuyên gia dẫn lại, năm 2016, lực lượng lao động cả nước là 54,4 triệu người, gồm 53,3 triệu người có việc làm và hơn 1,1 triệu người thất nghiệp.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của dân số Việt Nam rất cao, 77,3% vào năm 2016 và gần như không có sự thay đổi trong những năm vừa qua.
Đáng lưu ý, đến nay, lao động có bằng cấp/chứng chỉ mới chiếm 20,9% lực lượng lao động cả nước, chỉ tăng được 3,5 điểm phần trăm so với năm 2006. Đây là một tiêu chí quan trọng phản ánh năng lực của lực lượng lao động của một quốc gia.
"Tỷ trọng thấp lực lượng lao động có bằng cấp/chứng chỉ và chậm được cải thiện là một thách trong nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng trên và tác động rất nhanh và mạnh đến những ngành công nghiệp thâm dụng lao động", ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, trong số 53,3 triệu người có việc làm năm 2016, còn tới 41,9% làm việc trong khu vực "Nông, lâm, thuỷ sản"; chỉ có 24,7% làm trong khu vực "Công nghiệp và xây dựng" và 33,4% làm trong khu vực "Dịch vụ".
Không chỉ vậy, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động diễn ra rất chậm (năm 2006 có 54,7% lao động làm trong khu vực nông, lâm, thủy sản).
"Cơ cấu lao động lạc hậu và tốc độ chuyển dịch chậm, phản ánh thực trạng lạc hậu của nền kinh tế và cản trở nỗ lực gia tăng năng suất lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", vị chuyên gia nhận xét.
Thu nhập bình quân 5,1 triệu đồng
Theo ông Tuấn, ở Việt Nam, tỷ trọng lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, đạt 41,9% vào năm 2016 so với 34,8% vào năm 2013 – đây là một tín hiệu lạc quan về sự phát triển của thị trường lao động.
Tuy vậy, tỷ trọng 41,9% lao động làm công hưởng lương là một con số quá nhỏ, chưa thể tạo thành động lực lớn để thúc đẩy gia tăng qui mô GDP của Việt Nam.
Hơn thế nữa, trong số lao động làm công hưởng lương năm 2016, tỷ lệ lao động không có hợp đồng bằng văn bản còn chiếm 42,2%.
Như vậy, số lao động này dù là làm công hưởng lương nhưng việc làm của họ là việc làm phi chính thức và họ gần như không tiếp cận được các chính sách an sinh xã hội.
Hệ lụy là động lực làm việc và mức độ gắn bó của những lao động này với doanh nghiệp/cơ sở sản xuất kinh doanh cũng không thể lớn.
Năm 2016, mức thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương đạt gần 5,1 triệu đồng.
Người lao động có bằng đại học trở lên có thu nhập cao nhất (7,4 triệu đồng/tháng); tiếp đến là lao động có bằng nghề (5,8 triệu đồng/tháng); lao động có bằng cao đẳng chuyên nghiệp và trung cấp chuyên nghiệp có thu nhập thấp hơn (tương ứng là 5,3 triệu và 5,2 triệu đồng/tháng); lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật có mức thu nhập thấp nhất (4,2 triệu đồng/tháng).
Theo ông Tuấn, mức thu nhập của người lao động làm công hưởng lương là một trong những thước đo phản ánh năng suất lao động của họ. Theo cách tiếp cận này, lao động có bằng đại học trở lên là nhóm tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất, tiếp đến là lao động có bằng nghề.
Tuy vậy, Việt Nam đang đối mặt với nghịch lý là tuy thu nhập của lao động có bằng nghề không thấp, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm lao động này cũng thấp nhưng các trường nghề lại không thu hút được nhiều người dân theo học nghề - kết quả là đến năm 2016, số người có bằng nghề mới chiếm 5% tổng lực lượng lao động.