Bên cạnh đó, bất động sản, dịch vụ tài chính… thường là các ngành đi đầu về mức tăng trưởng, sau khi chịu ảnh hưởng mạnh hơn bởi suy thoái. Căn cứ vào năng lực hoạt động cụ thể của từng ngành, chúng tôi khuyến nghị các nhóm ngành cho chiến lược ngắn hạn (dưới 1 năm) là: bất động sản, dầu khí, dịch vụ tài chính, vật liệu cơ bản (vật liệu tự nhiên) và khai khoáng.
Bất động sản
Nhu cầu nhà ở tại Việt Nam rất lớn. Theo Cục Quản lý nhà và bất động sản (Bộ Xây dựng), diện tích nhà ở hiện tại là 1.043 tỷ m2, trung bình 12 m2/người. Diện tích ở của khu vực thành thị khá hạn chế: tại TP. HCM là 13,6 m2/người, tại Hà Nội là 12 m2/người, dự báo đến năm 2020 là 20 m2/người.
Với tốc độ đô thị hóa 30 - 33%/năm như hiện nay thì mỗi năm cần phải xây dựng 30 - 35 triệu m2 nhà ở. Đây là nguồn cầu lớn cho việc phát triển thị trường bất động sản nhà ở, nhất là các căn hộ có giá bán dưới 2 tỷ đồng.
Đối với lĩnh vực văn phòng cho thuê, cầu sẽ tăng do tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài gia tăng, số lượng DN tăng mạnh. Thị trường văn phòng cho thuê tại các thành phố lớn vẫn sẽ là lĩnh vực kinh doanh hiệu quả.
Tuy nhiên, DN đang có xu hướng dịch chuyển ra xa trung tâm để tận dụng giá thuê rẻ hơn. Còn diện tích cho bán lẻ, đặc biệt diện tích có quy mô lớn từ 10.000 m2 trở lên cho việc phát triển các siêu thị lớn vẫn rất khan hiếm.
Các DN bất động sản đang niêm yết chiếm 5% số cổ phiếu niêm yết, nhưng chiếm 16,62% giá trị vốn hóa thị trường. Năm 2009, các DN trong ngành có kết quả kinh doanh ấn tượng là NTL, LCG, SJS, DIG, HAG, ITC. Đây cũng là những DN có quỹ đất lớn và nhiều triển vọng trong năm 2010.
Dầu khí
Dầu khí là một trong những ngành mũi nhọn của đất nước, đóng góp khoảng 20% giá trị xuất khẩu, 24% ngân sách nhà nước và 16% tổng giá trị GDP hàng năm. Các DN ngành này hoạt động khá đa dạng, trong đó một số hoạt động chính là nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, tàng trữ, vận chuyển dầu khí, làm dịch vụ và kinh doanh các sản phẩm dầu khí.
Sản lượng khai thác dầu của Việt Nam năm 2010 dự kiến đạt 420.000 thùng/ngày và sẽ khai thác ổn định ở mức 400.000 thùng/ngày vào năm 2012. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ năm 2010 dự kiến đạt 490.000 thùng/ngày (năm 2009 là 354.000 thùng/ngày).
Với định hướng đảm bảo an ninh năng lượng, nguồn khai thác dầu, khí trong nước sẽ ưu tiên phục vụ cho các nhà máy lọc dầu, cung cấp dầu và khí cho nhu cầu sử dụng trong nước. Điển hình là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động thử nghiệm năm 2009, cung cấp ra thị trường khoảng 55.000 thùng/ngày, từ năm 2010 đi vào hoạt động chính thức với công suất đạt 130.000 thùng/ngày, đáp ứng khoảng 34,67% nhu cầu thị trường.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang tích cực hợp tác với các nước trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại các khu vực như Đông Nam Á, Nam Mỹ, châu Âu… Do đó, các DN trong ngành sẽ được đảm bảo nguồn đầu vào cũng như đầu ra và hoạt động với công suất tối đa.
So với mức PE của ngành dầu khí Trung Quốc đang ở mức trên 40 lần, Thái Lan khoảng 15 lần, Ấn Độ trên 30 lần, Philippin khoảng trên 20 lần, PE của một số DN hàng đầu trong ngành dầu khí như PVD, PVS và PGD dao động trong khoảng 10-12 là hấp dẫn.
Hiện có 17 DN có vốn đầu tư của PVN hoặc trực thuộc các đơn vị thành viên của PVN đang niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK. So với PE của ngành dầu khí Trung Quốc đang trên 40 lần, Thái Lan khoảng 15 lần, Ấn Độ trên 30 lần, Philippines trên 20 lần, thì PE của một số DN hàng đầu trong ngành dầu khí Việt Nam như PVD, PVS, PGD dao động trong khoảng 10 - 12 lần là hấp dẫn.
Chứng khoán
TTCK Việt Nam hiện có 105 CTCK, trong đó 8 công ty đã lên niêm yết, bao gồm SSI, HSC, AGR, KLS, BVSC, CTS, SHS và WSS. Trong năm 2010, dòng tiền đổ vào thị trường dự báo sẽ tăng và tính thanh khoản được cải thiện, do nền kinh tế và TTCK sẽ phát triển hơn, nhất là khi sàn Hà Nội triển khai giao dịch trực tuyến kể từ 8/2 và cơ quan quản lý dự kiến cho phép bán chứng khoán ngày T+2 cùng một số nghiệp vụ khác.
Môi giới và tự doanh sẽ vẫn là hoạt động chủ đạo, đem lại nguồn thu chính cho phần lớn CTCK. Tuy nhiên, so với năm 2009, lợi nhuận của các CTCK sẽ không quá đột biến, bởi dòng tiền vào thị trường nhiều khả năng không "nóng" do ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ thắt chặt và không còn nhiều lợi nhuận từ hoàn nhập dự phòng đầu tư chứng khoán.
Vật liệu cơ bản
Trong nhóm ngành vật liệu cơ bản, chúng tôi xin giới thiệu về ngành thép và ngành cao su. Đối với thép, năm 2009, nhiều DN công bố kết quả kinh doanh ấn tượng, chủ yếu là do nhập được nguyên liệu giá thấp tại vùng đáy vào cuối năm 2008 và quý I/2009, bên cạnh đó là chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ. Sản lượng sản xuất và tiêu thụ thép tăng trở lại từ quý II/2009 đến hết quý IV/2009. Tính chung, năm 2009 tăng 25% về sản lượng và tăng 30% về tiêu thụ so với năm 2008. Giá thép cũng tăng mạnh trở lại so với cuối năm 2008 và quý I/2009. Giá thép đã từng xuống gần 10 triệu đồng/tấn và nay đã tăng lại trên 11 triệu đồng/tấn.
Năm 2010, với sự phục hồi của nền kinh tế thì giá thép sẽ tiếp tục tăng. Chúng tôi nhận định, giá thép có thể lên mức 600 USD/tấn vào cuối năm. Sản lượng tiêu thụ dự báo tăng khoảng 10% so với năm 2009. Tuy nhiên, sản lượng thép thành phẩm đã vượt xa nhu cầu ở một số dòng sản phẩm, đặc biệt là thép xây dựng. Trong khi đó, nguồn cung từ thép nhập khẩu giá rẻ đến từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ngày càng lớn. Bên cạnh đó, lợi thế về hàng giá rẻ sẽ không còn như năm 2009, khi mà giá thép trên thị trường thế giới tiếp tục có chiều hướng tăng và giá thép kỳ hạn tháng 6/2010 đã tăng lên 560 USD/tấn. Do đó, lợi nhuận năm 2010 của các DN nhiều khả năng vẫn tăng, nhưng khó có sự đột biến.
Đối với ngành cao su, có hai mảng chính là cao su tự nhiên sản xuất từ mủ cây cao su và cao su (tổng hợp) được chế biến từ dầu mỏ (hai sản phẩm này có tính thay thế cho nhau). Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ cao su tự nhiên chiếm khoảng 40 - 45% tổng nhu cầu cao su thế giới.
Cao su được dùng chủ yếu để sản xuất lốp xe, chính vì vậy, những biến động của ngành công nghiệp ôtô có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu tiêu thụ và giá cao su thế giới. Việt Nam đứng thứ 6 về nguồn cung cấp, thứ 5 về khai thác và thứ 4 về xuất khẩu cao su tự nhiên. Những năm gần đây, cao su luôn là mặt hàng quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm tỷ trọng khoảng 2 - 3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009, Việt Nam xuất khẩu 726.000 tấn cao su, tăng 10,3% so với năm 2008; giá trị đạt 1,2 tỷ USD, giảm 25,2%. Diện tích trồng và sản lượng cao su tự nhiên khai thác của Việt Nam luôn tăng qua các năm. Tổng diện tích trồng cao su Việt Nam năm 2008 đạt 618.600 héc-ta, năm 2009 tăng thêm 4,8%, lên 648.600 héc-ta.
Có 8 DN ngành cao su đang niêm yết, trong đó 5 DN có hoạt động kinh doanh chính là trồng, khai thác, chế biến cao su tự nhiên, bao gồm: DPR, PHR, HRC, TRC, TNC. Kết quả kinh doanh năm 2009 của các DN trong ngành được đánh giá là khả quan. Đặc biệt, quý IV/2009 có thể có đột biến nhờ giá bán cao su tăng gần 50% so với đầu năm.
Giá cao su hiện ở mức trên 46 triệu đồng/tấn và vẫn đang trong xu hướng tăng. Hiệp hội Các quốc gia sản xuất cao su (ANRPC) dự báo, giá cao su tự nhiên trong năm 2010 có thể tăng 30% so với năm 2009, do sự mất cân bằng về cung cầu cao su tự nhiên, bởi sản lượng sụt giảm, trong khi nhu cầu ngày càng tăng nhờ nền kinh tế thế giới chuyển biến tốt, đặc biệt là ngành công nghiệp ôtô phục hồi.
3 DN cao su niêm yết còn lại là DRC, CSM, SRC, thuộc Tổng công ty Hóa chất Việt Nam (Vinachem), chủ yếu sản xuất săm, lốp; chiếm khoảng 40% thị phần sản phẩm săm, lốp theo doanh số, trong đó thị phần sản xuất lốp ôtô chiếm trên 50%. Đối với mặt hàng lốp ôtô, trong nước tập trung sản xuất loại lốp Bias, còn loại lốp Radial chủ yếu được nhập khẩu.
Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển kinh tế, trong đó lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tại, cơ sở hạ tầng luôn được Chính phủ quan tâm. Với đà phát triển chung, nhu cầu về phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa, vận hành khai thác nói chung và nhu cầu sử dụng các loại săm, lốp sẽ tiếp tục tăng. Hiện tại, thị trường trong nước khá tập trung với một số ít nhà cung cấp. Chúng tôi cho rằng, ngành sản xuất săm, lốp có khả năng duy trì hoạt động ổn định và tăng trưởng doanh thu với tốc độ khoảng 10%. Mặc dù biên lợi nhuận gộp trong năm 2010 khó đạt mức đột biến như năm 2009, nhưng có thể duy trì ở mức trung bình (khoảng 15%).
Khai khoáng
Trong lĩnh vực khai khoáng, chúng tôi xin giới thiệu ngành than. Do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, sản xuất, xuất khẩu than và tiêu dùng nội địa năm 2009 có sự sụt giảm. Sau khi nâng mức thuế xuất khẩu than lên 20% vào tháng 6/2008, Bộ Tài chính đã hạ mức thuế này xuống 10% từ ngày 15/2/2009 nhằm hỗ trợ cho ngành than trong bối cảnh tiêu thụ thấp trên toàn cầu.
Lợi nhuận của các công ty khai thác than được xác định dựa trên định mức lợi nhuận theo quy định của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). Hiện tại, TKV áp dụng định mức thấp 2% (so với mức 5% của năm 2008), do triển vọng tiêu thụ than thấp và giá bán than thấp. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ vẫn là động lực chính cho xuất khẩu than của Việt Nam trong thời gian tới. Nguyên nhân là các ngành tiêu thụ than phục hồi mạnh hơn dự kiến.
Giá than tại Trung Quốc đang cao hơn giá than thế giới cùng chủng loại (lúc cao điểm lên tới hơn 46%) là một lý do kích thích nước này nhập khẩu than nhiều hơn trong thời gian tới. Nhu cầu tiêu thụ than trong nước cũng sẽ ở mức cao trong thời gian tới.
Về ngắn hạn, sẽ có một số nhà máy nhiệt điện than đi vào hoạt động trong năm nay, trong đó các nhà máy thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gồm có Hải Phòng 1 (công suất 600 MW), Quảng Ninh 1 (600 MW), Ô Môn 1 (tổ máy số 1, công suất 330 MW đã đi vào hoạt động).
Trong tương lai, nhu cầu than cho sản xuất điện sẽ tăng lên đáng kể khi các nhà máy trên chuyển sang sử dụng than và các nhà máy lớn khác của EVN được khởi công và đi vào hoạt động như Nghi Sơn 1, Mông Dương 1, Duyên Hải 1 và Vĩnh Tân 2 (với tổng công suất 3.800 MW). Nhiều mỏ than đã khai thác hết phần than lộ thiên và bắt đầu chuyển sang khai thác hầm lò.
Điều này sẽ khiến chi phí khai thác tăng cao và TKV có lẽ sẽ phải tính toán lại định mức lợi nhuận cho các DN than trong năm nay.