5 ngành: Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới có chỉ số APCI đi lùi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) So với năm 2019, điểm APCI 2020 của 5 trong 9 nhóm thủ tục hành chính giảm, đồng nghĩa với việc chi phí tuân thủ tăng và việc thực hiện chưa được cải thiện so với năm trước đó.
5 ngành: Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới có chỉ số APCI đi lùi

Sáng ngày 17/3/2021, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ đã công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI) năm 2020.

Với phương pháp đánh giá dựa trên mô hình chi phí chuẩn (Standard Cost Model - SCM) và được xây dựng dựa trên kết quả khảo sát doanh nghiệp tại 63 địa phương, ngay từ năm 2018 khi được công bố lần đầu tiên, Báo cáo APCI thường niên đã được coi là chỉ dấu quan trọng, phản ánh khách quan mức độ cải cách quy định, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cũng như quá trình thực thi chính sách, pháp luật thông qua việc phân tích chi phí mà doanh nghiệp phải chi trả để thực hiện thủ tục hành chính theo quy định pháp luật hiện hành.

APCI 2020 xoay quanh việc phân tích quá trình doanh nghiệp trải nghiệm dịch vụ do các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương cung cấp trong 9 nhóm thủ tục hành chính quan trọng gồm: Đầu tư; Giao dịch thương mại qua biên giới; Khởi sự doanh nghiệp/Đăng ký kinh doanh; Môi trường; Giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Đất đai; Xây dựng; Thuế và Kiểm tra chuyên ngành.

APCI 2020 của các nhóm thủ tục hành chính so với APCI 2019
APCI 2020 của các nhóm thủ tục hành chính so với APCI 2019

Đáng chú ý, so với năm 2019, điểm APCI 2020 của 5 trong 9 nhóm thủ tục hành chính giảm, đồng nghĩa với việc chi phí tuân thủ tăng và việc thực hiện chưa được cải thiện so với năm trước đó.

Các nhóm thủ tục hành chính giảm điểm so với APCI 2019 bao gồm nhóm thủ tục hành chính Khởi sự doanh nghiệp, Đầu tư, Xây dựng, Đất đai và Giao dịch thương mại qua biên giới.

Trong khi đó, đứng đầu mức độ cải thiện là nhóm thủ tục hành chính Thuế, với mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 5,6 điểm so với năm 2019. Sự cải thiện của nhóm Thuế là do giảm mạnh tất cả các chi phí thành phần là chi phí thời gian và chi phí trực tiếp.

Khảo sát cho thấy thành công về cải thiện của nhóm này là nhờ vào việc áp dụng việc xử lý thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” được duy trì và cải thiện trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, 2 nhóm thủ tục hành chính có sự cải thiện so với năm 2019 là Môi trường và Điều kiện kinh doanh được đánh giá cải thiện không phải thực chất, sau khi phân tích các chi phí thành phần (chi phí thời gian và chi phí trực tiếp).

Chẳng hạn, với nhóm thủ tục hành chính Điều kiện kinh doanh, mức độ cải thiện chung được đánh giá tăng 0,2 điểm so với năm 2019. Tuy nhiên, phân tích các chi phí thành phần cho thấy sự cải thiện này không phải thực chất. Mặc dù thời gian qua, chính phủ đã có nhiều nỗ lực để cắt giảm các điều kiện kinh doanh nhưng kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy gánh nặng đối với doanh nghiệp không giảm đi mà còn tăng lên một cách đáng kể.

Dù có những cải thiện đáng kể về điểm APCI (bao gồm thời gian và chi phí tuân thủ) trong năm 2020, Báo cáo 2020 cho thấy còn có nhiều cơ hội cải cách thủ tục hành chính để giúp cho doanh nghiệp có thể phát triển trong bối cảnh Việt Nam vừa phải thúc đẩy phát triển kinh tế, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang có xu hướng chuyển dịch và đối mặt các vấn đề phát sinh từ đại dịch COVID-19 để nhận thấy giá các giá trị từ cải cách thủ tục hành chính.

Trong đó, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử để cải thiện và tiết kiệm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp không còn là một ưu tiên cần cân nhắc mà đã là một nhiệm vụ cấp bách và ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, và các bộ ngành.

Kết quả nghiên cứu APCI qua ba năm 2018, 2019 và 2020 cho thấy, những nhóm thủ tục hành chính nào được các cơ quan nhà nước trong bộ máy hành chính duy trì được nhịp cải thiện liên tục bất kỳ yếu tố nào (thời gian, chi phí tuân thủ hay sự thuận tiện thông qua phương thức điện tử) đều được phản ánh ngay vào kết quả điểm APCI hàng năm.

Tiếp theo, cần đẩy mạnh hơn nữa việc cắt giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, bao gồm chi phí chính thức và không chính thức để thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và bộ máy công vụ liêm chính, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tham gia liên kết chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu.

Bên cạnh đó, APCI cho thấy, việc thực hiện các giải pháp để chuyển đổi từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”là cách thức phù hợp để giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Qua 3 năm nghiên cứu, APCI 2018, 2019 và 2020 cho thấy một phương thức dẫn đến thành công về cải cách của một số nhóm thủ tục hành chính như Thuế, Giao dịch thương mại qua biên giới, Đầu tư, Khởi sự doanh nghiệp, Môi trường là chuyển phương thức quản lý nhà nước từ “tiền kiểm” (kiểm tra trong giai đoạn thực hiện thủ tục hành chính cấp phép) sang “hậu kiểm” (kiểm tra, thanh tra sau khi cấp phép).

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục