5 năm về siêu ủy ban, doanh nghiệp nhà nước kinh doanh ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau 5 năm, 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định, thể hiện được vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực đồng thời đóng góp đáng kể vào nguồn thu của ngân sách nhà nước.
 Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh Dũng Minh. Ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ảnh Dũng Minh.

Tổng vốn chủ sở hữu và tổng tài sản tăng

Chia sẻ tại tọa đàm Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: "Nhìn lại và Hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9, ông Hồ Sỹ Hùng, Phó chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, sau 5 năm thành lập (29/9/2018 - 29/9/2023), 19 tập đoàn, tổng công ty chuyển về Ủy ban Quản đã đạt được nhiều thành tựu.

So với năm 2018 (bắt đầu chuyển về Ủy ban), tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất tăng từ 1 triệu 055 nghìn tỷ đồng lên 1 triệu 154 nghìn tỷ đồng. Tổng tài sản hợp nhất tăng từ 2 triệu 360 nghìn tỷ đồng lên 2 triệu 491 nghìn tỷ đồng (chiếm tỷ lệ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu và 65% tổng tài sản của DNNN trong cả nước).

Các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt được hàng năm có sự tăng trưởng. Năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất đạt 1 triệu 871 nghìn tỷ đồng (năm 2021 đạt 1 triệu 381 nghìn tỷ đồng), tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.310 tỷ đồng (năm 2021 đạt 102.652 tỷ đồng), tổng giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỷ đồng (năm 2021 đạt 217.781 tỷ đồng).

Chủ đề hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước khi về Uỷ ban quản lý vốn được quan tâm tại Toạ đàm do Báo Đầu tư tổ chức sáng 26/9. Ảnh Dũng Minh.

Chủ đề hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước khi về Uỷ ban quản lý vốn được quan tâm tại Toạ đàm do Báo Đầu tư tổ chức sáng 26/9. Ảnh Dũng Minh.

Đánh giá chung sau 5 năm chuyển về Ủy ban, ông Hồ Sỹ Hùng cho rằng, 19 tập đoàn, tổng công ty đều sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển liên tục, ổn định. Các tập đoàn, tổng công ty tiếp tục thể hiện vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô. Xây dựng, phát triển hệ thống kết nối hạ tầng, đảm bảo nhu cầu giao thông vận tải cho đời sống nhân dân, nhu cầu thông tin liên lạc, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển xã hội số, chính phủ số và nền kinh tế số.

Đẩy mạnh hoạt động đầu tư phát triển, tạo động lực phát triển cho các ngành và cả nền kinh tế; tạo nguồn thu đáng kể cho NSNN; Giải quyết việc làm, thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng người lao động. Đồng thời, thực hiện một số nhiệm vụ chính trị - xã hội, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng.

“19 tập đoàn, tổng công ty tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp”, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp khẳng định.

Tháo gỡ vướng mắc

Sau khi chuyển về Ủy ban, 19 tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục, ổn định; thể hiện được vai trò nòng cốt trong một số ngành, lĩnh vực; đóng góp đáng kể vào nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Sỹ Hùng, khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn nhà nước, trong mô hình Ủy ban cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty còn nhiều thách thức, đang ảnh hưởng đến tiến độ nhiều kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong đó nhiều dự án trọng điểm, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Trong các cuộc làm việc gần đây của thường trực Chính phủ với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, sự chậm trễ này cũng đã được nhắc tới.

Ông Hùng cho rằng, một trong những nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên trong những năm tiếp theo của Ủy ban để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban; giao chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm cho Ủy ban phù hợp hơn. Nhiệm vụ chính của Ủy ban tập trung vào những vấn đề lớn như định hướng xây dựng và phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp. Kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đối với doanh nghiệp trong việc thực hiện chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển; bảo toàn, phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thiện chính sách, quy hoạch để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động;

Thứ hai, tăng cường, tạo sự chủ động cho doanh nghiệp, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và tích cực phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả; về nguyên tắc không được can thiệp vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của doanh nghiệp;

Giải pháp căn bản, lâu dài là phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định của Luật số 69/2014/QH13 làm cơ sở pháp lý để đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Hội đồng thành viên, Người đại diện phần vốn nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu; tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp và Ủy ban…

Lãnh đạo Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, Ủy ban đang nỗ lực, nghiêm túc, quyết liệt, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo định hướng tiếp tục hoàn thiện mô hình Ủy ban là cơ quan thuộc Chính phủ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan quản lý khác để chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện, đồng hành với Tập đoàn, Tổng công ty tìm kiếm giải pháp, tháo gỡ khó khăn, cùng với tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, mở nguồn lực để phát triển.

Mặt khác, Uỷ ban đang để xuất đẩy mạnh phân công, phân cấp cho Ủy ban và các doanh nghiệp để tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

“Nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước” là nhiệm vụ trọng tâm mà Uỷ ban Quản lý vốn đang nỗ lực thúc đẩy.

Tọa đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức sáng 26/9.

Sự kiện có sự tham gia của đại diện các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, lãnh đạo các các tập đoàn, tổng công ty nhà nước: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone), Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục