5 khuyến cáo của IMF về kinh tế Việt Nam

Các nhà tài trợ đã đưa ra nhiều khuyến nghị cho Việt Nam tại Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) năm nay, trong đó, đáng chú ý là 5 nhóm vấn đề của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Vấn đề đầu tiên được IMF khuyến cáo là Việt Nam cần thắt chặt chính sách và điều kiện về tiền tệ. Trong 9 tháng qua tiền tệ trong lưu thông của Việt Nam đang có khối lượng tăng cao. Do đó, Việt Nam cần quản lí chặt chẽ các hoạt động của các ngân hàng cổ phần cũng như ngân hàng thương mại. Hiện nay, quan điểm về chính sách tiền tệ của Việt Nam vẫn còn bị động và lãi suất thực liên ngân hàng hiện âm.

 

Do đó, IMF khuyến khích Chính phủ Việt Nam tăng cường giám sát quản lí đối với tăng trưởng về tín dụng, thắt chặt các điều kiện về tiền tệ và thúc đẩy hơn nữa các tiến trình giám sát ngân hàng, đặc biệt với các ngân hàng cổ phần. IMF cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường hơn nữa sự linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ và cần phải làm rõ các quan điểm về điều hành tiền tệ.

 

Vấn đề thứ hai là tăng sự linh hoạt của tỉ giá. Mặc dù tỉ giá giữa tiền đồng và Đôla nhìn chung ổn định nhưng việc tiếp tục chính sách này trong bối cảnh ngày càng có nhiều nguồn vốn lớn đổ vào Việt Nam thì cần có can thiệp về tỉ giá hối đoái kịp thời mà không đặt ra áp lực điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

 

IMF khuyến khích Chính phủ Việt Nam cho phép tiền đồng của Việt Nam có khả năng thích ứng lớn hơn với áp lực tỉ giá hối đoái. Trong ngắn hạn, vấn đề không chỉ giúp Việt Nam giảm áp lực về lạm phát mà còn giảm bớt những can thiệp không cần thiết đối với chính sách tỉ giá hối đoái. Về mặt dài hạn sự linh hoạt lớn hơn về tỉ giá hối đoái cũng sẽ hỗ trợ quản lí được rủi ro của tỉ giá hối đoái một cách hiệu quả, tăng cường tính đề kháng của nền kinh tế Việt Nam đối với các cú sốc từ bên ngoài.

 

Việc thứ ba cần phải thực hiện là chính sách tài khoá thận trọng. Việt Nam hiện nay có nhu cầu lớn về phát triển cơ sở hạ tầng. Tuy vậy theo IMF, quan điểm về mặt chính sách tài khoá cần phải đặt trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và áp lực ngày càng tăng của lạm phát. Do vậy, theo đuổi chính sách tài khoá mở rộng chỉ làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát cũng như làm suy yếu triển vọng nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

 

Để tăng cường tính bền vững chính sách tài khoá trong trung hạn, IMF khẳng định nhu cầu thúc đẩy nguồn thu không phải từ dầu khí và các nguồn thu từ dầu khí chắc chắn sẽ giảm trong thời gian tới. Trong bối cảnh này, Việt Nam cần thực hiện cải cách về thuế và lập kế hoạch quản lý thuế mạnh mẽ hơn nữa; cần có bước tiến cần thiết để cải thiện hiệu quả của chi tiêu, đặc biệt là xoá bỏ trợ cấp đối với dầu trong khi vẫn đảm bảo được an sinh xã hội.

 

IMF cũng khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục thận trọng giám sát các nguồn vay từ bên ngoài, đặc biệt không nên tài trợ cho các dự án của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước thông qua việc phát hành trái phiếu chính phủ. Bởi vì thực hiện biện pháp này cùng với tiết kiệm nguồn thu tăng đột xuất từ dầu khí có thể tạo ra những điều kiện cho Việt Nam điều tiết được chính sách tài khoá dài hạn.

 

Điểm thứ tư là đẩy nhanh cải cách ngân hàng. IMF đánh giá cao lộ trình toàn diện cải cách lĩnh vực ngân hàng của Việt Nam và việc thực hiện kịp thời kế hoạch này sẽ hỗ trợ phát triển ngân hàng cũng như bảo đảm tính bền vững của ngân hàng Việt Nam . Chương trình cổ phần hoá các ngân hàng thương mại thuộc sở hữu nhà nước, thúc đẩy xu hướng thương mại hoá của họ sẽ là bước tiến quan trọng trong tiến trình này.

 

IMF khuyến nghị Chính phủ Việt Nam nên hình thành khuôn khổ pháp lý và giám sát được hỗ trở bởi hệ thống số liệu tốt. Cơ quan này nhấn mạnh việc chuyển đổi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thành ngân hàng trung ương hiện đại có khả năng nghĩa vụ thực hiện được chính sách tiền tệ và giám sát được các ngân hàng cũng như các tổ chức tài chính trong bối cảnh thị trường đang ngày càng phát triển.

 

Điểm cuối cùng là cần mở rộng vai trò của khu vực tư nhân. Đây chính là động lực cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh cũng như tạo ra công ăn việc làm ở Việt Nam . Hoan nghênh cam kết của Chính phủ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp chính, IMF cũng bày tỏ chờ đợi các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước sẽ được cổ phần hoá hết vào năm 2010.


TBKT

Tin cùng chuyên mục